Sự thật chủ quyền thác Bản Giốc trong tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc?

Truyền thông Việt Nam đưa tin, hai tỉnh Cao Bằng Việt Nam và Quảng Tây Trung Quốc, thỏa thuận, kể từ ngày 15/9, bắt đầu triển khai việc thí điểm đón du khách của hai nước, thăm viếng du lịch quần thể thác Bản Giốc (theo cách gọi của phía Việt Nam), còn gọi là thác Đức Thiên (theo cách gọi của Trung Quốc).

Thác Bản Giốc nằm trên sông Quây Sơn tại khu vực biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Phần thác phụ nằm bên phía Việt Nam, trong lúc, phần thác chính thuộc về Trung Quốc.

Báo Chính Phủ ngày 15/9 đánh giá, việc khu du lịch thác Bản Giốc mở cửa đón du khách giữa Việt Nam và Trung Quốc, “thể hiện sự tin cậy chính trị, thúc đẩy hài hòa lợi ích giữa hai nước, tăng cường giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai tỉnh nói riêng, hai nước Việt – Trung nói chung”.

Được biết, hiện nay thác Bản Giốc chưa được đón du khách ngoại quốc, chỉ đón khách du lịch Việt Nam và Trung Quốc.

Vấn đề chủ quyền đối với thác Bản Giốc lâu nay là vấn đề có nhiều tranh cãi. Nhiều người Việt Nam vẫn nghi ngờ Ban lãnh đạo Hà Nội đã nhường thác Bản Giốc cho Bắc Kinh, khi ký kết Hiệp ước Biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc vào cuối năm 1999, sau Hội nghị Thành Đô. Giới nghiên cứu ở Việt Nam đã viện dẫn các tư liệu lịch sử, văn học, sách giáo khoa, thậm chí cả Sách Trắng của Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố vào cuối thập niên 1970, tất cả đều khẳng định rằng, toàn bộ thác Bản Giốc thuộc chủ quyền của của Việt Nam.

Vậy sự thật lịch sử, Việt Nam có mất phần đất nào tại thác Bản Giốc hay không, là vấn đề cần phải có câu trả lời thỏa đáng?

Các viên chức Chính phủ Hà Nội luôn luôn khẳng định là không, nhưng một số nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế lại khẳng định là có.

Theo nhà nghiên cứu Biển Đông, học giả Trương Nhân Tuấn, đồng thời là tác giả cuốn sách “Biên giới Việt – Trung, 1885 – 2000, Lịch sử thành hình và những tranh chấp” do Nhà xuất bản Diễm Châu ấn hành tại Pháp, vào năm 2005, khẳng định, thác Bản Giốc ở về phía Đông – Bắc của Phủ Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng). Thác này nằm trên sông Quy Xuân, hay còn gọi là Quy Thuận, hay Quây Sơn. Thác Bản Giốc là một thác rất đẹp. Theo tài liệu của Sở Địa Dư của Pháp, thì thác Bản Giốc là một thắng cảnh tuyệt đẹp của miền Bắc Việt Nam.

Có một số công trình nghiên cứu của các học giả Pháp, đã chứng minh và khẳng định rằng, thác Bản Giốc trước đây hoàn toàn thuộc về Việt Nam.

Theo học giả Trương Nhân Tuấn,“Thác Bản Giốc mà chúng ta nói ở đây là chúng ta chỉ nói trên bản đồ, trên tài liệu. Thác Bản Giốc ở về phía Đông – Bắc của Phủ Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng). Thác này nằm ở trên con sông gọi là sông Quy Xuân, hay là Quy Thuận, hay là Quây Sơn. Thác Bản Giốc là một loại thác nước bậc thềm, cao vào khoảng 40 – 50 thước (mét). Đây là một cái thác rất là đẹp”.

Theo ông Trương Nhân Tuấn, ba tài liệu mà phía Trung Quốc chắc chắn không thể phản bác được, đó là:

“Tài liệu thứ nhứt là tài liệu của ông Trung úy Détrie, là người phụ trách đi cắm mốc (1894). Ông này xác định thác Bản Giốc ở gần cột mốc số 53. Trên bản đồ thì đoạn ngắn con sông làm thành đường biên giới là từ cột mốc số 51 đến số 52”.

“Tài liệu thứ hai là của ông Commandant Famin. Ông này viết thành một quyển sách và được in ra. Quyển sách này được tồn trữ tại các thư viện lớn ở bên Pháp cũng như ở các nước khác. Theo ông Commandant Famin thì thác Bản Giốc thuộc về Việt Nam và cách đường biên giới cách thác Bản Giốc 2 kilomet”.

“Tài liệu thứ ba là tài liệu của nhà nước Cộng sản Việt Nam đã công bố vào năm 1979.

Ở cuối trang 11, tài liệu viết như thế này : “Trên đoạn biên giới đất liền cũng như ở các đoạn biên giới đi theo sông suối, tại nhiều nơi, phía Trung Quốc đã tự tiện mở rộng xây dựng các công trình để từng bước xâm lấn đất. Tại khu vực mốc số 53 (xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) trên sông Quy Thuận có thác Bản Giốc, từ lâu là của Việt Nam. . .” Ở đây tôi xin mở dấu ngoặc, đó là chính nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam cũng khẳng định: “ . .thác Bản Giốc từ lâu là của Việt Nam và chính quyền Bắc Kinh cũng đã công nhận sự thật đó. . .”.

Vẫn theo học giả Trương Nhân Tuấn, đây là điều mà phía Việt Nam cần phải nhấn mạnh:

“… ngày 29 tháng 12 năm 1976, phía Trung Quốc đã huy động trên 2000 người,(tiếp theo sang trang 12) kể cả lực lượng vũ trang, lập thành hàng rào bố phòng dày đặc bao quanh toàn bộ khu vực thác Bản Giốc thuộc lãnh thổ Việt Nam, cho công nhân cấp tốc xây dựng một đập kiên cố bằng bê-tông cốt sắt, cắt ngang qua nhánh sông biên giới…” Và học giả Trương Nhân Tuấn khẳng định, họ làm như vậy để họ giành thác Bản Giốc về phía họ.

Đồng thời, ông Trương Nhân Tuấn cho biết thêm, “Vào năm 1953, trước đó, cũng trong tài liệu này, cũng đã tố cáo là nhà nước Cộng sản Việt Nam đã nhờ Trung Cộng in giùm một bộ bản đồ, lợi dụng vụ in này, nhà nước Trung Quốc đã sửa đổi đường biên giới để giành lấy thác Bản Giốc của Việt Nam”.

Với những điều vừa kể, thoibao.de hy vọng rằng, phần nào khẳng định, “thác Bản Giốc chắc chắn thuộc chủ quyền của Việt Nam”./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023