Phan Văn Mãi dùng Sài Gòn để ngã giá chính trị?

Có một nghịch lý là, TP. HCM phải đóng 85% ngân sách cho Trung ương, nhưng lại phải đi vay vốn ODA để xây dựng dự án đường sắt đô thị Sài Gòn – Suối Tiên. Đây là dự án được xây dựng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Dự án này được khởi công vào năm 2008, đến nay đã 15 năm, nhưng vẫn chưa đi vào hoạt động. Nguyên nhân chậm tiến độ thì có nhiều, nhưng chính yếu vẫn là thiếu tiền.

Việc xin vay vốn ODA đã khó, mà đàm phán để Nhật rót thêm vốn lại càng khó hơn. Cách quản lý tồi, tham nhũng khủng, thì rất khó để thuyết phục người ta rót thêm vốn vay. Lẽ ra, nếu Trung ương không trấn lột đến 85% nguồn thu của thành phố, thì chính quyền thành phố này đã chủ động được nguồn vốn.

Người dân TP HCM đóng thuế, đáng lẽ, tiền thuế đó cần được để lại phần lớn cho chính quyền thành phố, dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉ đóng góp cho ngân sách Trung ương một phần nhỏ. Tại sao Trung ương lại trấn lột gần hết để nuôi những tỉnh ăn hại, cứ bày vẽ hết cổng chào trăm tỷ đến tượng đài nghìn tỷ. Hết nhà tưởng niệm này đến nhà tưởng niệm khác, một cách vô bổ. Hành động tước mất nguồn thu của TP HCM, rồi giao cho kẻ khác phá, và ép thành phố này phải đi vay để có tiền xây dựng hạ tầng, là cách phân bổ ngân sách cực kỳ bất công. Nó tước mất cơ hội phát triển của thành phố.

Theo thống kê, trong 12 năm tới, TP. HCM phải hoàn thành các tuyến đường sắt còn lại với chiều dài khoảng 200km, chưa kể các tuyến sẽ được bổ sung vào Đồ án quy hoạch chung sắp tới, để phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của thành phố trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai. Thành phố này cần đến 25 tỷ đô la để phát triển.

Bị trấn lột đến 82% ngân sách thì không biết cạy đâu ra 25 tỷ đô la để xây đường sắt đô thị?

Hiện nay, Trung ương không còn trấn lột 85% nguồn thu như trước đây nữa, mà họ trấn lột 82%, họ chấp nhận nhả ra 3% cho thành phố. Tuy nhiên, với 3% nhả ra này, chính quyền thành phố vẫn không thể chủ động vốn trong dự án đầu tư công, mà cụ thể là dự án đường sắt đô thị Sài Gòn – Suối Tiên vẫn chậm tiến độ. Điều quan trọng là Trung ương phải từ bỏ trấn lột dân thành phố. Cần áp dụng một mức đóng góp về Trung ương ngang nhau cho mọi tỉnh thành, để các tỉnh khác phải biết tự nỗ lực, chứ không thể để cho tỉnh giàu phải nuôi các tỉnh nghèo ăn hại như hiện nay.

Để tránh tình trạng đói vốn đầu tư công, thì việc quan trọng nhất là chính quyền TP HCM cần phải đòi lại quyền lợi cho thành phố. Phải đòi để thành phố được giữ lại ít nhất là 50% nguồn thu, chứ chỉ giữ 17% thì lấy đâu ra tiền mà xây dựng thành phố. Nếu Trung ương không trấn lột, thì TP HCM có thể sẽ chủ động nguồn vốn 25 tỷ đô la trong 12 năm tới. Còn không, thì chính quyền thành phố vẫn rất khó để đi vay cho được nguồn vốn khổng lồ đến 25 tỷ đô la Mỹ (chưa kể đội vốn).

Mới đây, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP HCM, trả lời báo chí trong nước rằng, “‘Với chính sách đặc thù, TP.HCM xin cơ chế, không xin tiền”. Thực ra mà nói, việc quan trọng nhất của TP. HCM là cần xin tiền, mà thực ra cũng chẳng cần phải xin tiền, đúng hơn là xin Trung ương đừng trấn lột nữa. Chỉ cần không bị trấn lột “dã man” như hiện nay, thì đấy đã là cởi trói cho thành phố. Làm lãnh đạo thành phố mà ông Phan Văn Mãi không nỗ lực để cởi trói cho thành phố, mà nói vuốt đuôi Trung ương là “không xin tiền”, thì rõ ràng, ông Mãi đang đem TP HCM ra ngã giá chính trị với Trung ương rồi.

Kiểu nói chiều lòng Trung ương để đạt mục đích chính trị

Trong chế độ Cộng sản mà nói đến tiền, thì thế nào cũng gây thù địch. Nếu lên tiếng cho TP.HCM rằng, Trung ương đừng bóc lột nữa, mà để cho thành phố có chút dưỡng khí để thở, thì rất có thể, Trung ương sẽ thay Phan Văn Mãi bằng người khác biết nghe lời hơn.

Nhìn TP HCM, ai cũng biết là, xin cơ chế đặc thù chỉ là phụ, xin đừng trấn lột nữa mới là chính. Tuy nhiên, vì sự nghiệp chính trị thì có cho vàng Phan Văn Mãi cũng không dám xin tiền cho thành phố.

Thu Phương (Tổng hợp)

Link tham khảo:

https://vov.vn/kinh-te/tphcm-can-25-ty-usd-de-hoan-thanh-200km-metro-vao-nam-2035-post1036359.vov

https://vietnamnet.vn/chu-tich-tp-hcm-voi-chinh-sach-dac-thu-thanh-pho-xin-co-che-khong-xin-tien-2166772.html