Đã lỡ bắt thì phải kết án. Tòa sai bắt dân chịu.

Hồi năm 2015, bà Phó Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba đã phản ánh trước Quốc hội rằng, do chưa rõ nguyên tắc suy đoán vô tội, mà có trường hợp lỡ bắt rồi, nên phải xử, phải tuyên phạt cho tương xứng với thời gian bắt giữ.

Nghĩa là, nếu bị bắt lầm, rồi giam giữ, thì tòa án Việt Nam cũng cố nặn ra một tội gì đó để tuyên án. Họ tuyên một mức án bằng với thời gian đương sự bị tạm giam.

Lỡ bắt nhầm cũng phải tuyên có tội. Chỉ có ở tòa án Việt Nam

Như vậy, cái sai ở đây là do tư duy cho rằng, tòa án nói riêng và các cơ quan tố tụng hình sự nói chung không sai, là nhà nước không bao giờ sai, mà nếu các cơ quan này có sai, thì dân phải chịu.

Có người ví von như thế này, có một anh bạn siết nợ nhà tôi 1 tỷ đồng, trong khi đó, tôi không hề nợ anh ta. Tuy nhiên, sau đó sự việc được chứng minh tôi không nợ nần, thì anh ta lại bảo tôi phải trả số tiền đó để bù vào phần tiền anh ta đã mất. Việc bộ máy tố tụng của Việt Nam bắt oan người vô tội tạm giam, sau đó tìm một tội gì đó để tuyên người ta có tội, rồi buộc họ phải gánh hình phạt đúng bằng thời gian tạm giam, là cách xử tội vô cùng bất công, chỉ ở chế độ này mới có.

Vụ cô giáo Lê Thị Dung bị bắt tạm giam 15 tháng, bị tòa sơ thẩm tuyên án 5 năm tù về tội “chi sai” 45 triệu đồng, là hành vi chà đạp luật pháp của Hội đồng xét xử sơ thẩm. Ở phiên phúc thẩm, đáng lẽ cần phải truy tố những điều tra viên, những người cầm cán cân công lý ở tòa sơ thẩm, và cả những người giật dây phiên tòa này, để trù dập cô Dung, thì đằng này, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Lê Thị Dung, nhưng họ lại sửa bản án sơ thẩm, giảm án cho bị cáo từ 5 năm xuống 15 tháng tù. Đây là mức án vừa bằng thời gian mà cô Dung bị giam cho đến ngày phúc thẩm.

Lỡ bắt người vô tội cũng phải tuyên 15 tháng tù

Nếu tòa xử án oan, thì tòa phải bồi thường cho người bị oan. Tại sao tòa sai mà lại bắt người vô tội gánh oan ức? Không biết đây là kiểu công lý gì, mà hiện nay nó vẫn ngang nhiên tồn tại? Đã từ lâu, người dân Việt Nam mỉa mai rằng, ở Việt Nam công lý chỉ là diễn viên hài. Thực sự, công lý ở Việt Nam không những là thứ diễn viên hài rẻ tiền, mà còn là một thứ công cụ để trù dập và ghép tội cho người vô tội, hoặc ghép tội tùy tiện cho bị cáo trong khi chưa có đủ bằng chứng buộc tội.

Vụ án Hồ Duy Hải là vết nhơ cho ngành tư pháp Cộng sản. Nó thực sự khiến cho bộ mặt thật ngành tư pháp Cộng sản từ xưa tới nay, phơi bày ra một cách rõ ràng nhất.

Vụ Hồ Duy Hải, khi nghe tường thuật, ai cũng kinh khiếp thứ công lý của chế độ này. Vân tay tại hiện trường không trùng vân tay nghi phạm, nhưng vẫn cố buộc tội. Con dao tại hiện trường không biết vì sao Công an điều tra tỉnh Long An lại vứt đi, rồi lại đi mua con dao ngoài chợ về thay thế. Cái thớt dính máu nạn nhân cũng bị Công an cho tiêu hủy rồi mua tấm thớt ngoài chợ thế vào. Cái ghế tang vật tại hiện trường, không biết vì sao Công an làm mất, rồi họ tự ý mua ghế ngoài chợ đem về thay thế. Ấy vậy mà, qua 3 cấp xét xử, từ sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm, những kẻ cầm cân nảy mực lại luôn ép Hồ Duy Hải phải chịu án tử.

Vụ án Hồ Duy Hải vẫn còn đó. Sau vụ án đầy vết nhơ này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình lại được vào Bộ Chính trị và ông ta có thêm quyền lực. Đấy là một minh chứng cho một hệ thống tư pháp rừng rú, không theo bất kỳ nguyên tắc tố tụng nào, phiên tòa bị bóp méo theo ý người cầm cân nảy mực tại tòa án.

Có người nhận xét rằng, ngành tư pháp thiếu công bằng, nó cực kỳ nguy hiểm. Lẽ ra, ngành này phải trừng trị kẻ phạm tội, thì ngược lại, nó lại trừng trị người vô tội và thả cho kẻ có tội thật nhởn nhơ. Không ai có thể thống kê hết những phiên tòa bất công dưới chế độ này. Người dân chỉ biết đến nó qua một số vụ án nổi cộm, được cộng đồng mạng lên tiếng. Còn những người bị oan mà không may mắn được đưa lên mặt báo thì sao? Vì họ phải âm thầm gánh những tội mà họ không hề phạm. Và chính những người này là nạn nhân của những quan tòa gian ác như Nguyễn Hòa Bình. Những quan tòa gian dùng dân để làm nên thành tích cho họ, họ hàm oan cho nạn nhân để lấy thành tích nhằm tiến thân.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

Link tham khảo:

https://vietnamnet.vn/khong-de-goc-toi-khi-ghi-am-ghi-hinh-hoi-cung-256313.html

https://dantri.com.vn/phap-luat/vu-co-giao-bi-tuyen-5-nam-tu-bi-cao-duoc-giam-xuong-con-15-thang-tu-20230613193511509.htm

 

 

Kasse animation 7.8.2023