Nghiệt ngã cho Hạo Nam, cơ hội phô trương của Chính quyền

Sau mấy chục năm sống trong sự nhồi sọ của Cộng sản, văn hóa Việt ngày nay có những điều kỳ quặc khó lý giải, mà nhạc sĩ Tuấn Khanh gọi là “cơn tai biến”.

Trong cơn tai biến này, người Việt không còn biết phân biệt phải trái – đúng sai, không nhận ra được bản chất vấn đề, và thường bị cuốn theo sự dẫn dắt của truyền thông nhà nước.

Bài báo “Văn hóa Việt trong cơn tai biến hôm nay” của nhạc sỹ Tuấn Khanh đăng trên trang Tiếng Dân ngày 4/1/2023

Câu chuyện đau lòng về cậu bé 10 tuổi bị rơi vào ống cống, trong nỗi đau thương, thay vì chia sẻ sự lo lắng, mất mát với gia đình em bé, thì nhiều người lại quay sang mắng chửi cha mẹ em, cho rằng họ thiếu trách nhiệm trong việc chăm sóc con cái. Thậm chí, có những người còn đổ lỗi cho nạn nhân, cho rằng vì em bé nghịch phá mới dẫn đến tai nạn cho bản thân, đồng thời còn làm liên lụy đến nhiều người, gây ra sự tốn kém không cần thiết.

Những người sử dụng lý lẽ này, họ bất chấp việc chủ đầu tư và chủ thầu phải chịu trách nhiệm về an toàn lao động khi để xảy ra tại nạn tại công trình. Họ hoàn toàn cố ý không cần biết đến các quy chuẩn an toàn xây dựng, dù đã có nhiều bài phân tích về sự cẩu thả của công trình, ví dụ như không có rào chắn ngăn cách giữa công trình và cộng đồng.

Ở Nhật, các công trình xây dựng đều được quây kín, không một hạt bụi nào lọt ra ngoài, cho dù có là công trình cao tầng. Những công trình có liên quan đến giao thông hay khu vực công cộng, người ta sửa chữa vào ban đêm và ban ngày công trình được che lấp lại, hoàn toàn không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Bài phân tích của tác giải Nguyễn Ngọc Chu về nguyên nhân và trách nhiệm đối với tai nạn của bé Hạo Nam, đăng trên trang Tiếng Dân ngày 7/1

Trở lại vụ giải cứu cháu bé Hạo Nam, chính quyền địa phương rầm rộ điều hàng trăm người đến hiện trường, nhưng lạ là toàn thấy lực lượng cứu hộ không chuyên, ví dụ như công binh, không thấy lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, mặt khác lại thấy rất đông lãnh đạo. Không rõ những vị lãnh đạo này chen chúc nhau ở hiện trường để làm gì, vì rõ ràng họ không giúp gì được cho công cuộc cứu hộ, trong khi còn bao nhiêu việc khác cần họ giải quyết ở cơ quan. Trong những trường hợp như thế này, điều cần thiết là phải có đội ngũ chuyên gia để đưa ra những đánh giá chính xác và đề xuất phương án cứu hộ hiệu quả.

Chỉ mãi đến khi cảm thấy mệt mỏi và bất lực, khi chính quyền đã đưa ra tuyên bố là cháu bé đã tử vong, thì lúc đó họ mới mời các chuyên gia Nhật Bản tới. Lúc này đã quá muộn rồi.

Trong suốt quá trình, rất nhiều người am hiểu đưa ra các ý kiến đề xuất về phương án cứu hộ, cũng như phân tích sự bất hợp lý của các phương án do lực lượng cứu hộ thực hiện, thì ngay lập tức, có những kẻ nhảy vào mắng mỏ, gọi họ là “anh hùng bàn phím”, thậm chí, có những lời lẽ xúc phạm như “ngậm mồm lại để người ta làm”… Những người này không nghĩ rằng, đưa ra phát ngôn và nhận xét là quyền tự do ngôn luận của mỗi người. Mặt khác, những người quan tâm và có hiểu biết khi đưa ra ý kiến là họ đang hiến kế cho chính quyền, cho đội cứu hộ, để tìm ra biện pháp tốt hơn.

Status trên facebook Dương Quốc Chính về việc ông bị tấn công khi bình luận về vụ giải cứu bé Hạo Nam

Việt Nam vốn coi thường hoạt động cứu hộ nên không có kế hoạch đào tạo và trang bị các thiết bị cần thiết để có một lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp. Bởi vì, nhà cầm quyền Việt Nam luôn coi thường sinh mạng người dân. Không chỉ riêng vụ giải cứu bé Hạo Nam, mà trong các vụ hỏa hoạn đã từng xảy ra, khi lực lượng cứu hộ đến hiện trường thì rất lúng túng vì thiếu thiết bị. Ví dụ như cháy ở tầng thứ 20 của một chung cư, nhưng vòi nước chỉ phun tới được tầng 10, hoặc thiếu trực thăng chữa cháy… Cho nên, trong các vụ tai nạn, lực lượng cứu hộ chỉ đến để làm màu, để phô trương, ra vẻ là chính quyền đã rất quan tâm rồi đây. Vụ giải cứu bé Hạo Nam cũng vậy, việc điều mấy trăm người tới cũng chỉ để phô trương thanh thế, mà không có kết cục “vỡ òa” nào.

Cuối cùng, tệ hơn cả là lực lượng báo chí nhà nước, ban đầu họ hô hào về sự quan tâm của chính quyền, sự quan tâm của Thủ tướng… Nhưng đến khi xác định khả năng thất bại cao, thì họ bắt đầu đăng những chuyện về việc cứu hộ kéo dài và cả những chuyện cứu hộ thất bại ở nước ngoài, như một cách dẫn dắt, định hướng dư luận, rằng chính quyền đã cố hết sức…

Định hướng dư luận vốn là nghề của tuyên giáo, trong vụ tai nạn này cũng vậy. Nếu thành công, đó là do sự lãnh đạo tài tình của chính quyền địa phương, sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng… Nếu thất bại, đó là do điều kiện địa chất khó quá, do thời tiết bất lợi, do “abcd” đủ thứ.

 

Hoàng Anh – thoibao.de (Tổng hợp)

 

.

 

Kasse animation 7.8.2023