ASEAN “rắn mặt” với Trung Quốc – Mỹ đồng tình ủng hộ

https://www.youtube.com/watch?v=rl_fSyyM2Qg

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=rl_fSyyM2Qg

Một ngày sau Tuyên bố “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” được các lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 ngày 26/6, Hoa Kỳ là trong những cường quốc đầu tiên đã lên tiếng hoan nghênh lập trường của các nước Đông Nam Á về Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết trên Twitter ngày 27/6: “Mỹ hoan nghênh sự kiên định của các nhà lãnh đạo ASEAN về việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Trung Quốc không được phép coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình. Chúng tôi sẽ sớm thảo luận thêm về chủ đề này.”

Điểm đáng chú ý là trong thông điệp của mình, ông Pompeo đã đính kèm bản Tuyên bố của các lãnh đạo ASEAN mang tên “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng”, đã được thông qua nhân Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 36.

Các lãnh đạo ASEAN đã nhất trí tái khẳng định Công ước UNCLOS năm 1982 là cơ sở cho việc xác định các quyền trên biển, là khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương. Tuyên bố chung của Thượng đỉnh ASEAN, do nước chủ nhà Việt Nam, chủ tịch luân phiên của khối, chủ trì soạn thảo, khẳng định các lãnh đạo ASEAN « nhấn mạnh tầm quan trọng của thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Lo ngại về việc cải tạo các đảo, những diễn biến gần đây và những sự cố nghiêm trọng xảy ra gần đây tại Biển Đông, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, các lãnh đạo khẳng định sự cần thiết phải tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, tự kiềm chế trong các hoạt động và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982 ».

Ảnh chụp màn hình đoạn chia sẻ trên Twitter của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo

Mặc dù Trung Quốc không được nêu đích danh trong Bản tuyên bố chung nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng đây đã là một bước tiến cho thấy ASEAN đã bước đầu thống nhất được lập trường, để chống lại các tham vọng bành trướng của Trung Quốc.

Theo hãng tin Mỹ AP, tuyên bố về Biển Đông của khối ASEAN lần này là một trong những nhận định cứng rắn nhất của khối đối với việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông trên cơ sở lịch sử.

Trả lời hãng AP, ba nhà ngoại giao Đông Nam Á xin giấu tên nhận định : bản thông cáo nói trên « đánh dấu một bước tiến quan trọng » trên con đường khẳng định giá trị nền tảng của luật pháp quốc tế tại khu vực Biển Đông, nơi vốn được coi là một trong những địa điểm xung đột dễ dàng bùng phát thành chiến tranh, trong bối cảnh các tham vọng chủ quyền trên biển của Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Theo giáo sư Carl Thayer, một nhà nghiên cứu nổi tiếng về khu vực Đông Nam Á, tuyên bố của ASEAN mang ý nghĩa là một động thái bác bỏ các cơ sở mà Bắc Kinh dựa vào để yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, thể hiện một sự thay đổi đáng kể trong lời lẽ của ASEAN đối với Trung Quốc.

Theo báo Philippines, cũng trong Thượng đỉnh nói trên, Tổng thống Philippines đã báo động về căng thẳng gia tăng tại nhiều khu vực tranh chấp. Với tư cách quốc gia phụ trách điều phối đối thoại giữa ASEAN và Bắc Kinh, Tổng thống Rodrigo Duterte kêu gọi các bên tìm kiếm các biện pháp mới, có thái độ mềm dẻo để đạt được mục tiêu giữ hoà bình và ổn định.

Theo ông Duterte, Manila đang nỗ lực thúc đẩy các bên đi đến được một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong thời gian sớm nhất. Quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp cũng tiếp tục căng thẳng. Trong thời gian gần đây, Manila đã phải hai lần gửi công hàm phản đối Bắc Kinh về các hành động gây hấn.

Ảnh: Cuộc họp Thượng đỉnh khối ASEAN lần thứ 36 qua cầu truyền hình, Hà Nội, ngày 26/6/2020

Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự trên biển Đông giữa lúc các nước trong khu vực gồng mình chống đại dịch COVID-19, Philippines đang thay đổi những tính toán địa chính trị.

Philippines đang thực hiện những động thái chậm rãi nhưng chắc chắn nhằm thách thức Trung Quốc trên biển Đông. Giới chức Bộ Năng lượng và Bộ Ngoại giao Philippines đang kêu gọi Tổng thống Rodrigo Duterte nối lại hoạt động thăm dò năng lượng trong vùng biển tranh chấp này với mục tiêu củng cố an ninh năng lượng và tái khẳng định tuyên bố chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên năng lượng dưới đáy biển bị Trung Quốc tranh chấp.

Trong khi đó, Bộ Tư pháp Philippines đang gia tăng sức ép, yêu cầu Trung Quốc bồi thường cao hơn cho 22 ngư dân Philippines suýt thiệt mạng vào năm ngoái, sau khi bị tàu quân sự Trung Quốc đâm chìm tàu cá.

Theo báo Asia Times, những động thái cứng rắn nêu trên phản ánh quan hệ chiến lược Washington – Manila đã hồi sinh, cũng như nhu cầu gia tăng của Philippines về việc bảo đảm an ninh năng lượng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế sắp xảy ra.

Bên cạnh đó, việc Philippines thay đổi thái độ với Trung Quốc còn phản ánh tầm ảnh hưởng vẫn lớn mạnh của nền tảng chính sách ngoại giao và quốc phòng của nước này, vốn từng bị đe dọa phá vỡ bởi lập trường thân thiện của Tổng thống Duterte đối với Bắc Kinh khi ông mới nhậm chức. Hồi đầu tháng này, Tổng thống Duterte quyết định tạm ngừng rút Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng quân sự (VFA), vốn là trung tâm của quan hệ đồng minh Mỹ – Philippines. Theo giới chuyên gia, động thái này cho thấy Manila đang thay đổi những tính toán địa chính trị giữa lúc Bắc Kinh ngày càng hung hăng trên biển Đông.

Trước đây, Tổng thống Duterte từng vận động hành lang để đạt được thỏa thuận “đồng sở hữu” các nguồn tài nguyên tranh chấp thông qua những dự án thăm dò và phát triển với Trung Quốc. Tuy nhiên, động thái ngày càng ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông giữa khủng hoảng đại dịch COVID-19, trong đó có tăng cường tập trận hải quân trong các khu vực tranh chấp, dường như đã hủy hoại những nỗ lực trước đó của Bắc Kinh và Manila về một thỏa thuận chia sẻ tài nguyên.

Ngoài Philippines, giới quan sát nhận định ba nước khác có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc gồm Việt Nam, Malaysia và Indonesia, đã tỏ ra mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ chủ quyền và phản đối yêu sách của Bắc Kinh.

Ảnh: Công hàm của Mỹ gửi lên Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách ‘bất hợp pháp’ của Trung Quốc trên Biển Đông ngày 01/6/2020

Trên phương diện ngoại giao, các nước này đã lần lượt gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối « đường 9 đoạn » của Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982.

Liên Hiệp Quốc đã chứng kiến một cuộc chiến công hàm phản đối Trung Quốc trên Biển Đông từ cuối năm 2019 đến nay.

Ngày 12/12/2019, Malaysia gửi lên Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) Báo cáo ranh giới thềm lục địa mở rộng tại khu vực phía Bắc Biển Đông. Ngay trong ngày, Trung Quốc gửi Công hàm số CML/14/2019 tới TTK LHQ phản bác Báo cáo này của Malaysia. Tại Công hàm này, Trung Quốc cho rằng: (i) Trung Quốc có chủ quyền đối với bốn nhóm đảo là Hoàng Sa, Trường Sa (của Việt Nam), Trung Sa, Đông Sa (gọi chung là Nam Hải chư đảo); (ii) Trung Quốc có các vùng biển (nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) từ các nhóm thực thể và (iii) Trung Quốc có quyền lịch sử ở Biển Đông.

Tiếp theo, ngày 06/3/2020, Philippines gửi lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc hai công hàm: thứ nhất là Công hàm số 000191-2020 phản đối Công hàm số CML/14/2019 của Trung Quốc, Philippines tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS); thứ hai là Công hàm số 000192-2020 của Philippines đưa ý kiến về Báo cáo của Malaysia. Ngày 23/3/2020, Trung Quốc gửi Công hàm CML/11/2020 lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc để phản bác các Công hàm của Philippines. Trong Công hàm này, Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với Trường Sa (của Việt Nam), bãi Scarborough (mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) và các vùng biển lân cận; yêu sách quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan cũng như vùng đáy biển và vùng đất dưới đáy biển. Trung Quốc cũng tiếp tục nhắc lại yêu sách quyền lịch sử ở Biển Đông.

Trong bối cảnh đó, ngày 30/3/2020, Việt Nam gửi Công hàm số 22/HC-2020 lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc để phản bác hai Công hàm CML/14/2019 và CM/11/2020 của Trung Quốc. Ngày 10/4/2020, Việt Nam gửi hai Công hàm số 24/HC-2020 và 25/HC-2020 lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lần lượt nêu ý kiến về báo cáo của Malaysia và về các công hàm của Philippines.

Đến ngày 01/6/2020, Mỹ cũng gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc liên quan tới Công hàm số CML/14/2019 do Phái bộ thường trực của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gửi cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc vào ngày 12/12/2019 để phản hồi đệ trình của Malaysia lên Ủy ban về Ranh giới thềm lục địa (CLCS) ngày 12/12/2019. Trong công hàm của mình, Hoa Kỳ bác bỏ các yêu sách hàng hải này vì nó không phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Luật biển 1982.

Không dừng lại ở các động thái ngoại giao, Mỹ còn khẳng định sự hiện diện mạnh mẽ của mình tại khu vực Biển Đông nhằm răn đe Trung Quốc.

Một mặt, Mỹ tăng cường cuộc tuần tra bảo đảm tự do hàng hải (FONOPS) trên không và trên biển với sự điều động một lực lượng hùng hậu không quân và hải quân trong khu vực mà gần đây nhất là sự có mặt của ba tàu sân bay Mỹ tại cửa ngõ Biển Đông hồi trung tuần tháng 6.

Mặt khác, Mỹ tiếp tục hỗ trợ trực tiếp nhiều nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc : Chỉ tính từ đầu năm 2020; vào tháng 3, tầu sân bay USS Theodore Roosevelt thăm cảng Đà Nẵng Việt Nam; vào tháng 4, chiến hạm Mỹ « hiện diện » gần khu vực giàn thăm dò dầu khí West Capella của Malaysia; vào tháng 5, Mỹ tặng nhiều máy bay không người lái cho Hải quân Malaysia…

Một sự kiện khác được coi là những thay đổi tích cực mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, đó là Việt Nam, cũng như New Zealand và Hàn Quốc được mời tham gia cuộc họp trực tuyến « Quad Plus » ngày 27/3/2020 với « Bộ Tứ » gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, trong đó nhiệm vụ chính của Quad là đoàn kết chống đà bành trướng của Trung Quốc ở Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Còn với Trung Quốc, Biển Đông được coi là mặt trận bên ngoài thứ ba sau Đài Loan và Hồng Kông nhằm khơi dậy tinh thần dân tộc, khẳng định sức mạnh khổng lồ của quốc gia này.

Trả lời phỏng vấn RFI, Giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé (Bê-noa Đờ Thê-gờ-lô-đê), Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân Sự Pháp (IRSEM) nhận định :

« Kỳ họp Quốc Hội hàng năm là sự kiện lớn, quan trọng đối với chính trị Trung Quốc. Kỳ họp lần này diễn ra sau đỉnh điểm khủng hoảng dịch tễ COVID-19 trong khi cách xử lý dịch của Trung Quốc bị phản đối từ trong nước lẫn ở nước ngoài, đặc biệt phải kể đến việc tổng thống Mỹ Donald Trump lên án Trung Quốc phải chịu trách nhiệm với quốc tế.

Trong bối cảnh căng thẳng, chính quyền Bắc Kinh cần phải khuấy động tinh thần dân tộc nhằm tái thể hiện sức mạnh Trung Quốc trước một sự kiện mang ý nghĩa lớn, đó là kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc vào năm 2021 (ngày 23/07/1921). Chính quyền trung ương tỏ rõ quyết tâm trong việc tập hợp, tăng cường đoàn kết dân tộc và khẳng định vị trí cường quốc bên trong lãnh thổ cũng như ở các vùng ngoại vi của nước này, như Đài Loan, Hồng Kông và mặt trận bên ngoài thứ ba chính là Biển Đông. Trong cả ba trường hợp, tầm cỡ tinh thần quốc gia và chính sách đối nội đều rất quan trọng. »

Vì vậy mà ngay trong đại dịch COVID-19, Trung Quốc vẫn thúc đẩy chủ quyền phi pháp của mình trên Biển Đông. Về mặt hành chính, Trung Quốc ngang nhiên lập trái phép hai « quận » mới Tây Sa (Xisha) tại Hoàng Sa và Nam Sa (Nansha) ở Trường Sa, trực thuộc « thành phố Tam Sa » (Sansha) để hoàn thiện và củng cố hệ thống quản lý ở vùng biển chiến lược này. Về quân sự, Hải Quân Trung Quốc liên tục tập trận ở Biển Đông từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5/2020, trong đó có cả tầu sân bay Liêu Ninh tham gia. Ngân sách quốc phòng cũng được Quốc hội Trung Quốc bỏ phiếu tăng thêm 6,6% ngay cả trong bối cảnh suy thoái kinh tế do đại dịch.

Greg Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) cho biết: « Hàng ngày có hàng chục tầu hải cảnh Trung Quốc khuấy đảo quanh các đảo ở Trường Sa và có hàng trăm tầu cá sẵn sàng ra khơi. Những hòn đảo này đầy những radar giám sát. Chúng theo dõi được hết những gì xảy ra ở Biển Đông. Trong quá khứ, Trung Quốc không biết bạn khoan dầu ở đâu, giờ thì họ biết chính xác vị trí ». Và dĩ nhiên kể cả mọi hoạt động của tầu thuyền trong vùng.

Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Mỹ bắt tay EU trừng trị Trung Quốc

>>> Huawei sắp bị chính phủ Anh miễn cưỡng ép ra đi?

>>> Đã đến lúc cần loại Trung Quốc ra khỏi các định chế quốc tế

https://www.youtube.com/watch?v=rZk31op_WGE
Mỹ bắt tay Châu Âu “cắt tiền” TQ

 

Kasse animation 7.8.2023