Ngày 10/7/2025, tại Malaysia Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc gặp với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Đáng chú ý, ông Vương Nghị đã bất ngờ tuyên bố ủng hộ cuộc cải cách của Tổng Bí thư Tô Lâm, gọi đây là một bước tiến “lịch sử” và ca ngợi đây là sự chuẩn bị “thành công” cho Đại hội Đảng lần thứ 14 sắp tới.
Cho dù, trong quá khứ, Trung Quốc từng tỏ rõ sự dè dặt và nghi ngờ đối với ông Tô Lâm, người được xem là có quan hệ “thân Mỹ” khi còn là Bộ trưởng Công an.
Hơn nữa, vào tháng 8/2025, khi chính thức nắm ghế Tổng Bí thư, ông Tô Lâm từng tuyên bố sẽ đưa Việt Nam bước sang một “kỷ nguyên mới”, theo mô hình phát triển của các quốc gia tiến bộ và văn minh như phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ và EU.
Tuy nhiên, những diễn biến chính trị trong và ngoài nước gần đây đã cho thấy, giấc mơ “kỷ nguyên mới” có lẽ sẽ không tồn tại trên thực tế, nếu không muốn nói là đã bị Bắc Kinh “kết liễu” bằng một cú bắt tay đầy toan tính. Tại sao lại nói như vậy?
Ông Tô Lâm đã từng thuyết phục được công luận ở trong nước với tuyên bố sẽ tạo nên một nhà nước pháp quyền hiện đại, minh bạch,và hiệu quả.
Nhưng, giờ đây lại được lãnh đạo Bắc kinh khen ngợi bởi cái gọi là “bước đi lịch sử sắp xếp lại giang sơn” lại trùng khớp kỳ lạ với mô hình của Trung Quốc.
Việc giảm đầu mối quản lý, thu hẹp cấp trung gian và gia tăng việc kiểm soát từ trung ương, đây là đặc trưng của mô hình toàn trị ở Trung quốc hiện nay.
Khi được ông Vương Nghị công khai ca ngợi, thì cải cách của ông Tô Lâm sẽ là một hướng đi mới của Đảng CSVN. Đó là sẽ tập quyền mạnh hơn, kiểm soát sâu hơn, và việc phản biện chính sách từ cấp địa phương có nguy cơ bị triệt tiêu.
Việc Bắc Kinh bất ngờ xoay chiều thái độ và ca ngợi đối với cá nhân ông Tô Lâm, theo giới phân tích không chỉ là một hành động ngoại giao thông thường, mà có thể là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang ngầm “chọn ngựa” cho cuộc đua quyền lực tại Đại hội 14.
Nói cách khác, họ đặt cược vào ông Tô Lâm, một nhân vật có khả năng kiểm soát lực lượng Công an và bộ máy An ninh, vốn được xem là bảo đảm cho sự ổn định chính trị theo mô hình tương đồng với Trung Nam Hải.
Điểm mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ: khi ông Tô Lâm được Bắc Kinh hậu thuẫn, liệu còn cơ hội nào cho một Việt Nam cởi mở hơn, và gần gũi hơn với phương Tây như ông từng cam kết? Câu trả lời đang trở nên rõ ràng là rất khó.
Điều đáng nói là, trong nội bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng CSVN hiện nay, những mâu thuẫn về định hướng đối ngoại giữa 2 con đường ngả theo phương Tây hay gắn bó với Bắc Kinh vẫn chưa có hồi kết.
Nhưng chính sự chúc mừng và ca ngợi công khai từ Trung Nam Hải vào thời điểm trước Đại hội 14, đã được coi là “cú hích” lớn nhất làm chệch hướng các nỗ lực cân bằng chiến lược của Việt Nam trong chính sách ngoại giao cây tre.
Khi Bắc Kinh tuyên bố ủng hộ với ông Tô Lâm và cải cách của ông, thì cũng là lời cảnh báo ngầm rằng: “chúng tôi – tức Trung Quốc sẽ can thiệp nếu Việt Nam các anh đi chệch khỏi quỹ đạo.”
Công luận thấy rằng, vậy là chỉ sau chưa đầy tròn một năm kể từ ngày ông Tô Lâm chính thức ngồi ghế Tổng Bí thư, với giấc mơ “kỷ nguyên mới” mà ông từng công bố rộng rãi, cho đến nay có nguy cơ trở thành điều không thể.
Trong bối cảnh đông đảo người dân và giới trí thức ở Việt Nam đang khao khát sự đổi mới, thì cái bắt tay từ Bắc Kinh nay lại trở thành vòng kim cô trói buộc tầm nhìn cải cách mà ông Tô Lâm đã từng theo đuổi.
Điều đó, là sự khẳng định sẽ không bao giờ có một “kỷ nguyên mới”, mà chỉ là sự quay về với bóng tối cũ, nơi quyền lực được thắt chặt dưới “bàn tay sắt” của ông Tổng Bí thư.
Trà My – Thoibao.de