Trong chính trị, lễ Quốc tang không chỉ là nghi thức tiễn biệt cấp cao mà còn là nơi phô diễn và gửi đi thông điệp về trật tự quyền lực trong Đảng CSVN. Lễ Quốc tang cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương cũng không nằm ngoài quy luật này.
Theo giới quan sát, điểm đặc biệt không chỉ nằm ở quy mô tang lễ, mà còn là những ai xuất hiện, ai đọc điếu văn, và thái độ của hệ thống tuyên truyền của truyền thông nhà nước ở mức độ nào.
Qua đó, có thể nhìn thấy thế trận quyền lực đang diễn biến âm thầm nhưng quyết liệt trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam dưới thời Tổng Bí thư Tô Lâm.
Với chức danh Chủ tịch nước, là một trong những “tứ trụ” ông Trần Đức Lương nghiễm nhiên được tổ chức Lễ Quốc tang theo quy định.
Tuy nhiên, ngoài sự hiện diện Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng hàng loạt cựu lãnh đạo và tướng lĩnh đương chức. Còn có sự tham dự đầy đủ của gần như toàn bộ các chính khách cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Cùng thời điểm, Lễ Quốc tang còn được tổ chức trọng thể ở TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Ngãi – quê nhà của ông Trần Đức Lương. Và bộ máy truyền thông nhà nước đã đưa tin đậm nét, hết công suất về sự kiện này.
Điều đó đã cho thấy, dù xa rời chính trường đã lâu nhưng vai trò biểu tượng của ông Trần Đức Lương vẫn có ý nghĩa lớn trong chính trị Việt Nam. Qua quan sát những dòng ghi sổ tang viếng nguyên Chủ tịch Trần Đức Lương của các lãnh đạo hàng đầu cũng cho thấy điều đó.
Đáng chú ý, Chủ tịch nước Lương Cường, đóng vai trò Trưởng Ban Lễ tang, và là người đọc Lời điếu, chứ không phải là Tổng Bí thư Tô Lâm. Cũng như, sự xuất hiện “hiếm hoi” của ông Võ Văn Thưởng, cựu Chủ tịch Nước – một nạn nhân của ông Tô Lâm trong buổi lễ long trọng này.
Theo giới thạo tin, ông Trần Đức Lương được cho là có mối quan hệ gần gũi với Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, là một người từng bị hạ bệ sớm khi chưa hết nhiệm kỳ Đại hội Đảng Khóa 8, với cáo buộc thân Trung Quốc.
Và ông Trần Đức Lương cũng là người đề nghị để nhà thầu Trung Quốc đầu tư xây dựng Sân vận động Mỹ Đình, thay vì nhà thầu Đức theo đề xuất của Thủ tướng Phan Văn Khải. Dự án sau đó bị chỉ trích vì chất lượng, đặc biệt là các yếu tố phong thủy bất lợi cho Việt Nam.
Theo giới phân tích, việc tổ chức Lễ Quốc tang trọng thể cho ông Trần Đức Lương có thể được hiểu như sự thể hiện ảnh hưởng của Trung quốc, đặc biệt trong bối cảnh Đảng CSVN đang nỗ lực tái cấu trúc và ổn định nội bộ trước Đại hội lần thứ 14.
Việc Tổng Bí thư Tô Lâm không phải là người đọc điếu văn tiễn biệt ông Trần Đức Lương, mà thay vào đó là ông Lương Cường cũng như sự có mặt của ông Võ Văn Thưởng. Đây, có thể được nhìn nhận là dấu hiệu cho thấy ông Tô Lâm vẫn chưa đứng vững trước sức ép của liên minh bảo thủ “thân Trung Quốc” và các nhóm lợi ích cũ dưới sự ủng hộ của phe Quân Đội?
Tuy nhiên, vẫn có các ý kiến biện minh rằng, đây có thể là dấu hiệu của một sự thỏa hiệp mang tính chiến thuật của ông Tô Lâm khi chưa đạt được “thế thượng phong” nhằm dung hòa mối bất đồng trong đảng.
Việc ban lãnh đạo Việt nam tổ chức trọng thể Lễ Quốc tang cho ông Trần Đức Lương, đây không chỉ là biểu hiện “uống nước nhớ nguồn”. Mà còn là thông điệp hướng nội của phe bảo thủ thân Trung Quốc để cho thấy vai trò của họ đang giữ thế thượng phong.
Theo giới phân tích, qua Lễ Quốc tang của ông Trần Đức Lương, là dịp để đánh giá lại các mối liên minh, thế lực và ranh giới quyền lực trong nội bộ của Đảng CSVN. Đặc biệt ở thời điểm tái cấu trúc bộ máy và lựa chọn nhân sự “chủ chốt” của Đại hội 14.
Để thấy, “bàn cờ” chính trị Việt Nam, nơi các liên minh cũ đang dần trở lại để giành lại chỗ đứng, và Tổng Bí thư Tô Lâm dù đang ở đỉnh cao quyền lực nhưng vẫn phải hết sức cẩn thận.
Trà My – Thoibao.de