Theo đúng “luật chơi”, Tô Chủ tịch phải “tự hoạn”. Đau như “bò đá” nhưng phải câm họng?

Sáng 22/5, Quốc hội đã cho bầu chức danh Chủ tịch nước, với ứng viên duy nhất là ông Tô Lâm. Sau đó, Quốc hội tiếp tục lấy phiếu bãi nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an đối với ông Tô Lâm. Như vậy là, khi Quốc hội bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng, thì ông Tô Lâm đã là Chủ tịch nước.

Quy trình bãi nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an của ông Tô Lâm được thực hiện đúng trình tự, theo các bước:

  • Đầu tiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Quốc hội miễn nhiệm;
  • Tiếp theo, Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm;
  • Cuối cùng là Chủ tịch nước ký Quyết định miễn nhiệm, dựa trên Nghị quyết của Quốc hội.

Như vậy, tại bước cuối cùng, sẽ là tình huống, Chủ tịch nước Tô Lâm lại ký quyết định bãi nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Đây được xem là hành động “tự hoạn” của ông tân Chủ tịch nước.

Đối với ông Tô Lâm, Bộ Công an như là gia tài của riêng ông, do ông tốn bao nhiêu công sức “đánh đông dẹp tây” nên mới thiết lập được một bộ máy như ý. Nhưng giờ đây, cả Bộ Chính trị và Trung ương Đảng hùa nhau, ép ông phải ký quyết định bãi nhiệm chính mình, trong khi, không cho phép đệ tử của ông kế thừa. Quả thật, không có nỗi đau nào lại cay đắng bằng nỗi đau này.

Việc ông Phạm Minh Chính đề nghị Quốc hội bãi nhiệm Bộ trưởng Tô Lâm, và cả việc Quốc hội bỏ phiếu bãi nhiệm chức danh Bộ trưởng, đều được báo chí đăng tải rầm rộ. Tuy nhiên, việc ông Tô Lâm tự ký bãi nhiệm chính mình, thì không thấy tờ báo nào đưa tin. Có lẽ, có sự chỉ đạo từ Trung ương đối với báo chí, chứ không thể có chuyện tự nhiên mà đồng loạt các báo đều lờ đi bước thứ 3 này. Về lý, nếu Chủ tịch nước không ký vào quyết định bãi nhiệm Bộ trưởng, thì ông Tô Lâm vẫn là Bộ trưởng. Không rõ, Bộ Chính trị và Ban lãnh đạo Việt Nam sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào.

Bàn cờ chính trị đang đi đến hồi tàn cuộc đối với Tô Lâm. Từng là một vị Tướng Công an tung hoành ngang dọc, từng thẳng tay đốn hạ rất nhiều củi gộc, khiến cho bao nhiêu đồng chí phải kinh hồn bạt vía. Vậy mà, giờ đây, Tô Lâm như “đại bàng gãy cánh”. Bị đưa vào thế phải tự phế đi chức vụ đầy quyền lực của chính mình. Đây có lẽ là nỗi nhục, cũng là nỗi đau thấu tâm can của ông tân Chủ tịch nước.

Từ vị trí của kẻ thao túng cuộc chơi, giờ đây, ông lại như con cá nằm trên thớt, phải phập phồng lo sợ, không biết kẻ thù bao giờ sẽ ra tay?

Từng nghênh ngang đòi phải để cho đệ ruột của mình vào Bộ Chính trị, đồng thời kế nhiệm mình ở vị trí Bộ trưởng Bộ Công an, khiến cho thượng tầng chính trị khủng hoảng nhân sự Tứ trụ đến gần 2 tháng. Giờ đây, Tô Lâm không còn ở vị trí ra giá nữa, mà trở thành kẻ phải chấp nhận sự áp đặt của người khác.

Trước đây, Tô Lâm đã ngăn cản không cho Phan Đình Trạc nhảy vào Bộ Công an, nên có lẽ, giờ đây người mà ông phải ngán ngại nhất, chính là Phan Đình Trạc. Nếu ông Trạc nắm Bộ Công an, thì ắt hẳn, ông Trạc sẽ không để yên dàn đàn em mà Tô Lâm đã tốn rất nhiều năm để xây dựng nên. Bởi chính Tô Lâm, khi đốn Vương Đình Huệ, đã đạp đổ mâm cỗ của nhóm Nghệ An. Do đó ngược lại, nếu nhóm Nghệ An làm chủ Bộ Công an, thì Tô Lâm và các đệ tử gốc Hưng Yên sẽ khốn đốn.

Ngồi ghế Chủ tịch nước, theo lý thuyết là có thể được hưởng “suất đặc biệt”, để tiếp tục sự nghiệp chính trị dù đã quá 65 tuổi. Tuy nhiên, liệu Tô Lâm có thể tại vị được trên ghế Chủ tịch nước đến hết nhiệm kỳ hay không, lại là một thách thức không nhỏ. Ngoài nỗi ám ảnh về “tâm linh” đối với ghế Chủ tịch nước, thì tình thế của Tô Lâm hiện nay cũng không mấy khả quan. Vì vậy, khả năng ông không thể đi hết nhiệm kỳ, cũng không phải là thấp. Ngồi chiếc ghế không có quyền lực, xung quanh lại có quá nhiều kẻ thù, thì rất dễ bị gãy ghế.

“Kẻ phản loạn” và “nhà cách mạng” chỉ khác nhau ở kết quả. Người Việt có câu “thắng làm vua, thua làm giặc”. Nếu tầm của Tô Lâm không đủ để “làm vua”, thì tất nhiên sẽ trở thành “giặc”. Mà nếu bị các đồng chí xem là “giặc”, thì tương lai của Tô Lâm tối như đêm 30.

 

Trần Chương – Thoibao.de