Cuộc chiến cung đình: Vì sao Tô Lâm thua Tổng Trọng – vì “lực bất tòng tâm”?

Sáng 22/5, theo kế hoạch, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết, bầu ông Tô Lâm làm Chủ tịch nước, với số phiếu 472/473 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Như vậy, ông Tô Lâm là chính khách thứ 3 trở thành Chủ tịch nước Việt Nam, chỉ sau hơn 3 năm của nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa 13 – một kỷ lục chưa từng có.

Trước đó, tại Hội nghị Trung ương 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt nam cũng đã “thống nhất” cao, để giới thiệu Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm, để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, nhiệm kỳ 2021 – 2025, Đại hội 13, trong thời gian còn lại.

Dù rằng, việc Tô Lâm phải ngồi tại một trong những vị trí “Tứ trụ”, là điều kiện bắt buộc, nếu muốn tiếp tục sự nghiệp chính trị kỳ Đại hội 14.

Tô Lâm đang ngồi ghế Bộ trưởng Bộ Công an – chiếc ghế thuộc hàng quyền lực bậc nhất Việt Nam, phải chuyển sang chiếc ghế thuộc hàng “Tứ trụ”, nhưng chỉ mang tính hình thức, và kém quyền lực hơn rất nhiều.

Cần nhắc lại, vào tháng 3/2023, sau khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mất chức, ông Tô Lâm cũng được Bộ Chính trị giới thiệu vào vị trí Chủ tịch nước. Nhưng Bộ trưởng Tô Lâm đã từ chối, và “nhường” chiếc ghế này lại cho Võ Văn Thưởng.

Theo giới quan sát, ông Tô Lâm có biểu hiện không muốn ngồi vào ghế Chủ tịch nước, cũng bởi, đây là một chiếc “ghế dữ”, có nhiều việc chẳng lành đã xảy ra đối với những người tiền nhiệm. Chỉ tính riêng khóa 13, người đầu tiên là cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ông Phúc chỉ ngồi ghế này vẻn vẹn chưa đầy 2 năm thì phải từ chức. Thay thế cho ông Phúc là ông Võ Văn Thưởng. Nhưng ông Thưởng còn tại vị trong thời gian ngắn hơn – 1 năm 18 ngày.

Đáng chú ý, tiến trình của việc Ban lãnh đạo Đảng, để sắp xếp, bố trí cho Tô Lâm trở thành ứng viên, cũng như nhậm chức Chủ tịch nước, lại không hề suôn sẻ như các lãnh đạo khác.

Đó là lý do vì sao, việc bầu, phê chuẩn chức vụ Chủ tịch nước đối với ông Tô Lâm bị đánh giá là không mấy “xuôi chèo, mát mái”.

Lúc đầu, Quốc hội cho biết, sẽ không thực hiện quy trình miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Công an đối với ông Tô Lâm. Đồng thời cũng chưa phê chuẩn nhân sự tân Bộ trưởng thay thế ông, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15. Với lý do, Hội nghị Trung ương 9 “chưa giới thiệu nhân sự để bổ nhiệm Bộ trưởng Công an”.

Mặc dù, sau hậu trường đã diễn ra rất nhiều cuộc so kè mặc cả, nhưng những thỏa thuận giữa phe Tổng Trọng với Tô Lâm vẫn dậm chân tại chỗ. Thậm chí, Tô Lâm còn có biểu hiện câu giờ, cò cưa, không chấp nhận, nếu tân Bộ trưởng Bộ Công an không phải là người thân cận với ông.

Vậy mà, bất ngờ, Quốc hội lại đảo chiều 180 độ, vẫn phê chuẩn miễn nhiệm chức Bộ trưởng của Tô Lâm. Tại sao lại có hiện tượng kỳ dị như vậy?

Biết rằng, sức mạnh của Tô Lâm là sức mạnh cứng, là quyền lực thực sự. Nhưng ngược lại, điểm yếu chết người của Tô Lâm chính là: phe phái. Trong tay Bộ trưởng Tô Lâm, chỉ vẻn vẹn có 5 uỷ viên Trung ương, trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị, thì ông Tô Lâm có thể đấu được với ai? Chỉ riêng phe cánh Nghệ An, hiện đang có 10 uỷ viên Trung ương Đảng, trong đó có 2 uỷ viên Bộ Chính trị. Đó là chưa kể đến phe Hà Tĩnh, với số lượng gần tương tự.

Bộ trưởng Tô Lâm và Bộ tham mưu của ông đã đánh giá sai tình hình. Họ nghĩ rằng, với một kho “tàng thư” liên quan đến các hồ sơ sai phạm của các quan chức cấp cao, Tô Lâm có thể uy hiếp họ, và buộc họ phải phục tùng. Nhưng Tô Lâm đã nhầm, bị sập bẫy và ăn đòn đau.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một chuyên gia chính trị về Việt Nam, có bài viết Cuộc đua vào các chức vụ hàng đầu ở Việt Nam: Ứng viên mới, thách thức cũ”. Bài viết đã đưa ra một nhận xét đáng chú ý,

“Các nhà lãnh đạo khác, gồm cả Trọng, cũng có thể ngần ngại ủng hộ ông Lâm tranh chức Tổng Bí thư, do ông có gốc công an. Có ý kiến lo ngại rằng, ông [Lâm] có thể lợi dụng bộ máy công an, để gây tổn hại đến triển vọng kinh tế đất nước và đe dọa sự tồn vong của Đảng,”.

Tuy nhiên, đánh giá vừa kể cũng chỉ để giải thích lý do, vì sao Bộ trưởng Tô Lâm là đối tượng “nguy hiểm”, cần phải bị nhốt vào lồng quyền lực. Điều quan trọng hơn, mà ông Tô Lâm rất biết, thậm chí đã nổi loạn, vẫn theo Tiến sĩ Hiệp:

“Câu hỏi ai sẽ là người kế nhiệm Tổng Bí thư Trọng, vẫn còn đang lơ lửng. Rất có thể, quyết định cuối cùng sẽ không được đưa ra, cho đến giờ thứ 11 trước Đại hội 14 của Đảng. Trong trường hợp không đạt được sự đồng thuận, hoặc nếu các thông lệ và quy định của Đảng không được giải quyết, để cho phép có những ứng cử viên mới, thì khả năng ông Trọng tiếp tục nắm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa, cũng có thể xảy ra.”

Trên đây là lý do cơ bản nhất, mang tính bản chất, về cuộc chiến cung đình ở Việt Nam. Bộ trưởng Tô Lâm thua vì “lực bất tòng tâm”./.

 

Trà My – Thoibao.de