Người Việt mất gần chục ngàn tỷ do bị lừa trên mạng

Ngày 8/5, RFA Tiếng Việt loan “Khoảng 10.000 tỷ đồng bị lừa đảo trên không gian mạng trong năm 2023”.

Theo đó, tổng số tiền người dân bị lừa đảo chiếm đoạt trên mạng vào khoảng 8.000 – 10.000 tỷ đồng trong năm 2023, tăng gấp rưỡi so với năm 2022.

Theo RFA, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ Công an, cho truyền thông hay tin trên trong ngày 8/5, đồng thời xác nhận, đó là con số dựa trên những sự việc do người dân đến trình báo cơ quan công an.

RFA dẫn tin từ Bộ Công an cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra liên tục, tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Các đối tượng theo đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, liên tục thay đổi, sử dụng số điện thoại rác, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội ảo, nhằm trốn tránh, xóa dấu vết sau khi chiếm đoạt tiền.

Bộ Công an cũng cho biết, trong năm qua đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng.

RFA dẫn thống kê của Kaspersky – Công ty cung cấp tính năng bảo vệ máy tính, cho hay, tại Việt Nam, trong năm 2023, có đến hơn 17 triệu trường hợp lây nhiễm cục bộ, tin tặc xâm nhập máy tính của người dùng. Ước tính, mỗi ngày có hơn 15.000 mã độc xuất phát từ Việt Nam. Tần suất tấn công mạng cũng tăng lên, đặc biệt nhắm vào các doanh nghiệp, tổ chức ở lĩnh vực tài chính và chứng khoán.

RFA dẫn lời ông Ngô Tấn Vũ Khanh, Giám đốc mảng doanh nghiệp của Kaspersky tại Việt Nam, cho biết, chỉ trong quý 1/2024, tần suất của các cuộc tấn công mạng đã gia tăng, với các phương thức cực kỳ tinh vi. Các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều phần mềm tiên tiến, ứng dụng công nghệ hiện đại, nghiên cứu sâu vào “con mồi” và tìm cách tăng lòng tin. Ngay cả những nhân viên IT trong chính các doanh nghiệp cũng là mục tiêu của các đối tượng lừa đảo.

Ông Khanh cũng nhận định, một trong những thách thức lớn mà đa phần các doanh nghiệp Việt đang gặp phải hiện nay, là vấn đề thiếu nhân lực trong việc bảo vệ an ninh mạng.

Cũng liên quan đến lừa đảo qua mạng, ngày 2/4, RFA cho hay “Công an Phú Thọ bắt 4 người lừa đảo qua mạng”.

Theo đó, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Phú Thọ, ngày 1/4 thông báo, khởi tố, bắt giam 4 người theo cáo buộc “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của Shopee”, theo Điều 290 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015.

RFA cho biết, 4 người bị khởi tố và bị bắt giam, gồm Lưu Thành Luân – sinh năm 1998; Tẩn Anh Hiệp – sinh năm 1998, cùng trú tại Bát Xát, Lào Cai; Lê Văn Hiếu – sinh năm 1984, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội; và Dương Văn Chính – sinh năm 1996, trú tại Từ Sơn, Bắc Ninh.

RFA dẫn thông báo của Công an Phú Thọ cho biết, từ tháng 11/2023, Phòng An ninh mạng và Phòng chống Tội phạm Sử dụng Công nghệ cao đã phối hợp với Cục An ninh Mạng và Phòng chống Tội phạm Sử dụng Công nghệ cao thuộc Bộ Công an, phát hiện một số hội nhóm trên mạng xã hội, trong và ngoài địa bàn tỉnh Phú Thọ, kêu gọi đặt đơn ảo và trả công cho người thực hiện; cũng như áp dụng voucher giảm giá khi mua hàng trên Shopee.

RFA tiếp tục cho hay, qua đơn hàng ảo, các hội nhóm tạo ra các giao dịch ảo với giá trị hàng chục tỷ đồng, thông qua đó thực hiện chiếm đoạt giá trị các mã giảm giá mà Shopee tài trợ cho người mua hàng.

Theo kết luận ban đầu của Công an, những hội nhóm đó có hành vị lừa đảo theo thủ đoạn mới, chuyên nghiệp, tinh vi, với quy mô mở ra toàn quốc.

Cơ quan chức năng khuyến cáo mọi người không nên tham gia các hội nhóm đặt đơn hàng ảo trên các nền tảng mạng xã hội, gồm Facebook, Zalo, Telegram… qua chào mời “việc nhẹ, lương cao”.

 

Minh Vũ – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023