Chính trường Việt Nam sẽ diễn biến như thế nào?

Ngày 20/3, RFA Tiếng Việt có bài về “Chính trường Việt Nam sau khi phế truất ông Võ Văn Thưởng?”.

RFA dẫn lời Giáo sự Zachary M. Abuza tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Mỹ, nhận xét về vụ phế truất Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, rằng:

“Đó chính xác là lặp lại những gì đã xảy ra vào tháng 2/2023, với việc phế truất Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.”

“Chúng ta có thể thấy… trong Bộ Chính trị, những người như Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã sử dụng quyền điều tra của mình. Ông ấy có nhiều quyền lực và nguồn lực điều tra, để truy lùng những vi phạm chính trị.”

“Ông [Thưởng] được xác định là có tiềm năng làm Tổng Bí thư. Ông là gương mặt trẻ, là Uỷ viên trẻ nhất của Bộ Chính trị, mới 54 tuổi.”

“Đối với một đảng chính trị bị cho là ngày càng xa rời quần chúng, ông ta là một chàng trai có gương mặt trẻ trung, tươi tắn hơn.”

“Hiện nay, theo Điều lệ của Đảng, ngoài ông Tô Lâm, chỉ còn 3 người có tiềm năng làm Tổng Bí thư, là Trương Thị Mai, Vương Đình Huệ, Phạm Minh Chính – người hiện nay là Thủ tướng. Vì vậy, tôi nghĩ, ông Tô Lâm đang cố gắng loại bỏ từng người một.”

Theo Giáo sư Zachary Abuza, hiện tại có 2 ứng cử viên Chủ tịch nước, là Đại tướng Phan Văn Giang – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; và Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an.

Ông Zachary cho rằng, những nhà lãnh đạo quân sự có xu hướng không bó buộc vào một phe phái nào. Vì vậy, ở một khía cạnh nào đó, họ được coi là trung lập hơn. Nếu ông Giang nắm vị trí Chủ tịch nước, thì Đảng Cộng sản Việt Nam không gặp khó khăn trong việc tìm người lấp vào chỗ trống Bộ trưởng Bộ quốc phòng.

Tuy nhiên:

“Tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra. Tôi đoán là ông Tô Lâm sẽ trở thành Chủ tịch nước tiếp theo. Ông ấy sẽ trở thành Chủ tịch nước vì ông ấy thực sự muốn vị trí đó.”

“Bây giờ, tôi đoán là ông ấy cũng coi đây là một cách để nắm giữ quyền lực trong Bộ Công an. Đừng quên rằng, người tiền nhiệm của ông, Trần Đại Quang, cũng từng là Bộ trưởng Bộ Công an. Sau khi ông ấy trở thành Chủ tịch nước, ông vẫn cố gắng điều hành Bộ Công an và duy trì một văn phòng ở đó. 

Vì vậy, tôi nghĩ, ông Tô Lâm cũng sẽ làm điều gì đó tương tự. Thực tế là, chẳng bao lâu nữa, ông sẽ bị giới hạn nhiệm kỳ Bộ trưởng Bộ Công an. Nếu lên nắm vị trí Chủ tịch nước, ông sẽ có một vị trí vẫn mang lại cho mình ảnh hưởng đối với Bộ. Điều đó sẽ tốt cho ông ấy.”

“Đối với vị trí Tổng Bí thư, chúng ta có các quy định của Đảng rằng, một người phải phục vụ trọn một nhiệm kỳ Bộ Chính trị trở lên, để được coi là đủ tư cách làm Tổng Bí thư.”

“Chỉ có 4 ứng cử viên Tô Lâm, Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ và Trương Thị Mai đáp ứng điều kiện này.”

Theo Giáo sư Zachary, bà Trương Thị Mai thực sự là ứng cử viên sáng giá nhất, tuy nhiên, trong nền chính trị Việt Nam, phụ nữ khó đạt được vị trí cao nhất.

Đối với trường hợp ông Phạm Minh Chính, Giáo sư Zachary cho rằng, ông Chính “có khả năng làm Tổng Bí thư”, nhưng “luôn có những cáo buộc tham nhũng treo lơ lửng trên đầu ông”.

“Tôi từ lâu đã tin rằng, một trong những điều đã cứu ông ấy, là thực sự không có người nào khác trong Bộ Chính trị hiện nay có thể đảm nhận vị trí Thủ tướng.”

Như vậy, theo góc nhìn của Giáo sư Zachary, chỉ còn 2 ứng viên có tiềm năng cao nhất, là ông Vương Đình Huệ và ông Tô Lâm. Ông Huệ có lẽ là người có nhiều khả năng nhất, vì rõ ràng, ông này đã được chuẩn bị cho việc đó. Nhưng chính trường Việt Nam không dễ đoán trước. Giáo sư Zachary phán đoán:

“Tô Lâm là một người rất tham vọng. Ông ấy sẽ sử dụng chức vụ Chủ tịch nước như một bước đệm để lên vị trí cao nhất.” 

Chính trường Việt Nam sau khi phế truất ông Võ Văn Thưởng

Xuân Hưng – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023