Cờ bí, Tổng Trọng thẳng tay “thí” Võ Văn Thưởng, có đảo ngược được thế cờ không?

Người Việt thời 4.0 có câu, “tin đồn không chồn cũng cáo”, để mô tả về mức độ chính xác của những tin đồn trên mạng xã hội, đặc biệt là các tin đồn liên quan đến chính trường Việt Nam.

Trong những ngày gần đây, xuất hiện các đồn đoán về việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phải từ chức, và nay, tin đồn đã thành sự thật.

Báo Tuổi Trẻ ngày 21/3 đưa tin, “Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng”. Bản tin cho biết, sáng 21/3, tại kỳ họp bất thường lần thứ 6, Quốc hội khóa 15, Quốc hội đã thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 – 2026, và cho thôi làm Đại biểu Quốc hội khóa XV, đối với ông Võ Văn Thưởng.

Theo đó, Quốc hội đã bỏ phiếu kín và biểu quyết thông qua nghị quyết về việc này.

Vẫn theo báo Tuổi Trẻ, trước đó, vào chiều 20/3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, nhiệm kỳ 2021 – 2026.

BBC Việt ngữ bình luận, “Ông Võ Văn Thưởng từ chức Chủ tịch nước là “cơn địa chấn chính trị” của Việt Nam”. BBC dẫn đánh giá của các chuyên gia khoa học chính trị, bình luận về chuyển động nhân sự quan trọng trong “Tứ Trụ”, sau khi ông Võ Văn Thưởng từ chức.

Giáo sư Carl Thayer, từ Đại học New South Wales, Úc, đánh giá với BBC rằng, đây là một động thái tương đối bất thường, vì chỉ trong vòng 2 năm, mà Việt Nam đã có 2 Chủ tịch nước phải từ chức. Đồng thời, ông Thayer cho biết, “Sẽ rất khó giải thích việc số lượng ủy viên Bộ Chính trị giảm từ 18 xuống còn 14 trong vòng 2 năm. Bởi vậy, người lãnh đạo cấp cao nhất sẽ phải chịu một phần trách nhiệm về việc này”.

Đánh giá của Giáo sư Carl Thayer như vừa kể, do nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ 13 mới đi được 3/5 thời gian, nhưng đã mất 4/18 uỷ viên Bộ Chính trị,  20/200 uỷ viên Trung ương Đảng. Điều đó cho thấy, việc lựa chọn nhân sự của người đứng đầu Đảng Cộng sản rất có vấn đề. Vậy mà, Tổng Bí thư Trọng dường như vẫn vô can.

Câu hỏi, tại sao lại để xảy ra tình trạng bi đát đến như vậy? Thì “công tác cán bộ” chắc chắn là một phần của câu trả lời. Lâu nay, công luận luôn luôn hoài nghi, vì sao Tổng Trọng không ít lần phát biểu, “kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người không đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, những phần tử tha hóa, cơ hội…”, nhưng cuối cùng đâu lại vào đấy.

Theo giới thạo tin, mới đây, tại phiên họp của Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14, ngày 13/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã “trở giọng”, rằng, từ nay, cấp ủy nào đề cử ai vào Trung ương, thì cấp ủy ấy phải chịu trách nhiệm, chứ không phải là Đại hội Đảng chịu trách nhiệm theo Điều lệ Đảng.

Ngoài ra, ông Trọng tiếp tục răn đe các quan chức cấp dưới rằng, không nên, làm việc gì, giữ chức vụ gì, cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình, quên cả thanh liêm, danh dự. Nghĩa là, ông muốn sập xí, xập ngầu, cho rằng mình vô can.

Luật sư Trần Đình Triển – Trưởng Văn phòng Luật Vì dân, đồng thời là đồng môn với Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, đã viết trên Facebook cá nhân rằng:

“Ông Võ Văn Thưởng bị kỷ luật là chính xác. Nhưng tôi tin, nếu có “thánh thần” phơi bày ra hết những vụ việc mà nhiều người nói với tôi, thì một số kẻ mưu mô và vi phạm pháp luật còn gấp hàng 100 hàng ngàn lần ông Võ Văn Thưởng!”

Công luận cho rằng, điều đáng lo ngại hơn, dù tại Hội nghị Trung ương 8 khóa 13, Tổng Trọng đã chính thức tuyên bố sẽ nghỉ sau khi nhiệm kỳ Đại hội 13 kết thúc. Nhưng ông Trọng vẫn đảm nhiệm vai trò Trưởng tiểu ban Nhân sự Đại hội 14, với ý đồ tìm cách để ngồi lại ghế Tổng Bí thư lần thứ 4.

Trên thực tế, toàn bộ 200 uỷ viên Trung ương Đảng, chính thức cũng như dự khuyết, đều nhúng chàm, với vô vàn tội danh và sai phạm tương tự như Võ Văn Thưởng. Nhưng tùy theo tình thế, Tổng Trọng lựa chọn để trảm ai đó, dù ở chức vụ nào, miễn là phục vụ lợi ích trong cuộc tranh giành quyền lực của cá nhân ông ta.

Trong bối cảnh hiện nay, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy, Bộ trưởng Công an Tô Lâm không còn giấu diếm tham vọng muốn giành chiếc ghế Tổng Bí thư, và ép ông Trọng phải nghỉ sớm. Vì thế, chuyện Nguyễn Phú Trọng “thí” Võ Văn Thưởng – một đệ tử ruột, là điều dễ hiểu.

Đúng là, “còn tiền, còn bạc còn đệ tử. Hết tiền hết bạc, hết ông tôi.”./.

Cờ bí Tổng Trọng thẳng tay “thịt” V.V Thưởng có đảo ngược được thế cờ?

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023