Kênh đào Phù Nam giúp Campuchia giảm phụ thuộc vào Việt Nam và đến gần Trung Quốc hơn

Ngày 18/3, BBC Tiếng Việt bình luận “Siêu dự án kênh Phù Nam Techo khiến Campuchia rời xa Việt Nam, ngả về Trung Quốc?”

Theo đó, Thủ tướng Campuchia Hun Manet được cho đang muốn giảm dần sự phụ thuộc vào Việt Nam, qua siêu dự án lịch sử – kênh đào Phù Nam Techo.

BBC nhận xét, tên của siêu dự án gợi nhắc đến Vương quốc Phù Nam cổ xưa, tồn tại từ trước Công nguyên cho đến thế kỷ thứ 7, bao trùm một phần Malaysia, Thái Lan, hạ lưu sông Mekong gồm Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay.

Vương quốc này đóng một vai trò quan trọng trong những diễn ngôn dân tộc chủ nghĩa tại Campuchia, khi muốn khẳng định sự hiện diện của dân tộc Khmer cách đây hàng ngàn năm tại vùng hạ lưu sông Mekong và tại Đồng bằng sông Cửu Long.

BBC cho rằng, dự án kênh đào Phù Nam Techo xuất hiện trong bối cảnh Campuchia đang ngày càng xích lại gần với Trung Quốc, và Bắc Kinh tiếp tục gia tăng sức ảnh hưởng ở các quốc gia lưu vực sông Mekong, nổi bật là Lào và Campuchia.

Theo BBC, đến nay, cả Ủy hội sông Mekong và chính quyền Việt Nam đều chưa nhận được nghiên cứu khả thi về siêu dự án kênh đào Phù Nam Techo, từ phía Campuchia.

BBC dẫn nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Văn Phạm Đăng Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Đại học Cần Thơ, cho rằng, kênh đào Phù Nam sẽ làm thay đổi dòng chảy tự nhiên trên một con sông nhánh của Mekong, sẽ có ảnh hưởng rất đáng kế đối với hệ sinh thái tự nhiên bản địa của đồng bằng, cũng như sinh kế của cộng đồng địa phương.

BBC cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long đã đối mặt với những đợt hạn hán dẫn đến thiếu hụt nguồn nước và gây hậu quả nặng nề về nông nghiệp, thuỷ sản, môi trường sinh thái, cũng như đời sống hàng ngày của người dân, từ nhiều năm qua.

Trong khi đó, BBC cũng cho biết, Thủ tướng Hun Manet đã khẳng định siêu dự án Phù Nam Techo sẽ do các đối tác Trung Quốc, cụ thể là Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc, xây dựng theo hợp đồng BOT. Bộ Giao thông Vận tải Campuchia mới đây thông báo, đang thương lượng với đối tác Trung Quốc để ký một thỏa thuận nhượng quyền, trong tháng 6 hoặc tháng 7 tới, trước khi tiến hành động thổ xây dựng kênh đào. Đồng thời, Campuchia luôn bác bỏ việc vay tiền Trung Quốc để xây kênh đào.

BBC dẫn lời nhà nghiên cứu Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Năng lượng, Nước và Tính Bền vững của Trung tâm Stimson, nhận định: “Nếu công ty vận hành kênh đào là Trung Quốc thì tiền sẽ đổ vào túi công ty này”.

Ông nhấn mạnh, cần phải dừng dự án này, cho đến khi có những đánh giá đầy đủ về tác động kinh tế và môi trường đối với Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, BBC cho hay, Campuchia và Trung Quốc luôn khẳng định mối quan hệ sắt son, tham gia “Cộng đồng chia sẻ tương lai” và “nhiệt tình đón nhận” các dự án trong Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc.

Trong một thập niên qua, đã có quan ngại về sự phụ thuộc của Campuchia ngày càng nhiều hơn vào các khoản vay cơ sở hạ tầng lớn của Trung Quốc, khiến Phnom Penh ngả hơn về phía Bắc Kinh, bị chi phối đối với những lợi ích chiến lược.

Gần đây, căn cứ hải quân Ream ở Campuchia cũng làm dấy lên quan ngại gia tăng về khả năng Trung Quốc tài trợ cho căn cứ này.

BBC bình luận, mối quan hệ ngày càng gắn kết giữa Trung Quốc và Campuchia đang tạo một thách thức ngày càng lớn cho Việt Nam, trong khi, Thủ tướng Hun Manet ngày càng muốn giảm phụ thuộc vào Việt Nam hơn.

BBC cũng dẫn quan điểm của nhà nghiên cứu độc lập Rim Sokvy từ Campuchia, về hàm ý chính trị từ siêu dự án Phù Nam Techo:

“Nếu kết quả nghiên cứu mà phía Việt Nam khác với Campuchia, thì điều này có thể khiến Việt Nam thách thức Campuchia liên quan đến dự án này.”

Theo ông Rim Sokvy, với việc công khai đề cập những quan ngại của Việt Nam về kênh đào, đồng thời khẳng định không gì có thể ngăn cản nổi Campuchia thực hiện dự án, có thể giúp tăng cường vị thế và tầm ảnh hưởng của Thủ tướng Hun Manet hơn, giúp Campuchia “thở bằng mũi của mình” như ông từng tuyên bố.

Siêu dự án kênh Phù Nam Techo khiến Campuchia rời xa Việt Nam, ngả về Trung Quốc?

Hoàng Anh – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023