Ai có khả năng chặn đứng cơn “thịnh nộ” của Tô Đại vào lúc này?

Ai có khả năng chặn đứng cơn “thịnh nộ” của Tô Đại vào lúc này?

Cho đến lúc này, vẫn chưa có thông tin chính thức từ phía nhà nước Việt Nam, xác nhận “chuyện nội bộ”, khiến họ phải yêu cầu Vua và Hoàng hậu Hà Lan hoãn chuyến thăm, là chuyện gì.

Tuy nhiên, giới thạo tin cung đình Việt Nam khẳng định với thoibao.de rằng, theo kế hoạch, trong các ngày từ 21 đến 23/3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Quốc hội khóa 15 sẽ tổ chức các phiên họp bất thường, để thông qua việc cho ông Võ Văn Thưởng – Chủ tịch nước Việt Nam – thôi tất cả các chức vụ đang nắm giữ.

Thoibao.de không có khả năng kiểm chứng những thông tin vừa kể. Tuy nhiên, trong bối cảnh có những tin đồn về việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã làm đơn xin từ chức, theo giới quan sát, Thường trực Ban Bí thư kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã bắt đầu thay thế ông Võ Văn Thưởng, trong một số công việc trên cương vị Chủ tịch nước.

Báo Quân Đội Nhân Dân ngày 14/3 loan tin, “Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai tiếp Đại sứ Lào”. Bản tin cho biết, ngày 14/3, tại Trụ sở Trung ương Đảng, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đã tiếp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào – bà Khamphao Ernthavanh, đến chào nhân dịp sang nhận công tác tại Việt Nam.

Theo giới quan sát, tin tức vừa kể cho thấy, đây là dấu hiệu bất thường. Vì việc tiếp các đại sứ đến chào lúc nhận chức, hay từ biệt khi kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, theo quy định, là công việc của Chủ tịch nước. Trong khi, bà Mai là người giữ chức vụ cấp cao trong bộ máy của Đảng.

Điều này càng khiến công luận thêm tin vào khả năng như đồn đoán. Đó là, ông Võ Văn Thưởng đã có đơn xin thôi tất cả các chức vụ đang nắm giữ. Giới phân tích và công luận hết sức ngạc nhiên, vì lâu nay, ông Võ Văn Thưởng vẫn được đánh giá là một nhân vật khá trong sạch, chưa có các bê bối liên quan đến tiền bạc.

Hơn thế nữa, ông Thưởng hiện là nhân vật số 2 trong bộ máy lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng thời là nhân sự được Tổng Trọng trực tiếp chọn lựa và bồi dưỡng trong một thời gian dài. Việc ông bất ngờ ngã ngựa chỉ sau 13 tháng trên cương vị Chủ tịch nước, là điều quá “bất thường”.

Giới thạo tin khẳng định, ông Võ Văn Thưởng có liên quan đến việc C03 của Bộ Công an khởi tố, bắt giam ông Đặng Văn Minh – Chủ tịch Quảng Ngãi, và ông Cao Khoa – cựu Chủ tịch tỉnh này, với cáo buộc “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, vào ngày 8/3.

Đáng chú ý, ông Đặng Văn Minh từng là cấp dưới trực tiếp của ông Thưởng, trong thời gian ông Thưởng giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ.

Vụ án vừa kể có liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn của ông Nguyễn Văn Hậu, tức Hậu “pháo”, con nuôi của cựu Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Cùng ngày 8/3, ông Đặng Trung Hoành ở Vĩnh Long cũng bị bắt. Ông Hoành là Chánh Văn phòng Huyện ủy Mang Thít, là anh em họ và cũng là cánh tay phải của ông Võ Văn Thưởng. Ông Hoành được cho là đã nhận 60 tỷ của Hậu “pháo”, để xây nhà thờ tổ cho ông Thưởng ở quê, là huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Đổi lại, Tập đoàn Phúc Sơn được nhận các công trình đầu tư tại tỉnh Quảng Ngãi.

 

Theo nhận định của giới quan sát, nếu tin đồn ông Thưởng mất chức là thật, thì chắc chắn, do bàn tay của Tô Lâm đạo diễn. Ông Tô lâm được đánh giá là một ứng viên sáng giá nhất, trong số những ứng viên tham gia cuộc đua giành ghế Tổng Bí thư.

Bộ trưởng Tô Lâm có trong tay đầy đủ các bằng chứng “nhúng chàm”, của tất cả các lãnh đạo các cấp trong bộ máy Đảng và nhà nước Việt Nam. Đó là lý do vì sao, mọi yêu cầu do Bộ Công an đưa ra, đều đạt được “đồng thuận” cao. Dù rằng, có rất nhiều đề xuất vô lý và công luận không tán thành. Ngân sách dành cho Bộ Công an cao gấp 13 lần ngân sách cho Bộ Y Tế và Bộ Giáo dục, là các minh chứng.

Hơn thế nữa, Tô Lâm được sự hậu thuẫn vững chắc của Ban lãnh đạo Bắc Kinh. Tuy nhiên, chính những lý do vừa kể cũng là lý do khiến Tô Lâm phải chật vật để trụ lại trong danh sách nhân sự “chủ chốt” của Đại hội 14. Nguồn thạo tin tiết lộ, các phe phái khác trong Đảng hiện nay, có một quyết tâm chung: “Ai là Tổng Bí thư cũng được, nhưng người đó không phải là Bộ trưởng Tô Lâm!”

Đó cũng là lý do vì sao, tin từ báo Quân đội Nhân dân ngày 14/3, về việc “Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai tiếp Đại sứ Lào”, được cho là một thông tin rất nhạy cảm trong thời điểm hiện nay.

Phải chăng, đây là tín hiệu của Bộ trưởng Phan Văn Giang – một nhân vật được đánh giá là có uy tín cao; và Bộ Quốc phòng – cơ quan duy nhất có khả năng kiềm chế được tham vọng “đội đá vá trời” của ông Tô Lâm?

Chúng ta hãy chờ xem!./.

 

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023