Nghịch lý Việt Nam xã hội càng bất an nhà Chùa càng giàu?

Trong nhiều năm qua, công luận hết sức bức xúc về những hoạt động mê tín dị đoan của chùa Ba Vàng và sư Thích Trúc Thái Minh. Những hoạt động này có biểu hiện về sự tuyên truyền mê tín dị đoan một cách có hệ thống, biến nhà chùa thành nơi cầu tài, cầu lộc, cầu an… với mục đích kiếm tiền về cho Chùa.

Ban Tôn giáo Chính phủ và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã có kết luận, Đại đức Thích Trúc Thái Minh – trụ trì chùa Ba Vàng – đã vi phạm Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và có biểu hiện mê tín dị đoan.

Báo Thanh niên ngày 11/2 đưa tin, “Hạ Long (Quảng Ninh): Vẫn chen nhau mua tử vi, đăng ký cầu an giải hạn”. Bản tin cho biết, hàng nghìn người dân vẫn đổ xô đến chùa Long Tiên (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) để chiêm bái và mua tờ tử vi được bày bán công khai. Sau đó, họ sẽ đăng ký cúng cầu an để giải hạn, với giá 200.000 đồng/hộ.

Theo báo Thanh Niên, đây là một số điều không đẹp, phản cảm, xảy ra tại chùa Long Tiên. Một tờ tử vi được photocopy trên giấy A4, bán với giá 3.000 đồng. Dư luận đánh giá, đó là một cách kinh doanh tâm linh, mang về một nguồn thu không hề nhỏ. Chỉ cần lấy 200 ngàn đồng/người, nhân với số lượng hàng ngàn người mỗi ngày thì biết con số là bao nhiêu? Và số tiền này đi đâu, chui vào túi ai?

Đáng chú ý, trước đó, ngày 31/1 truyền thông nhà nước đưa tin, Thủ tướng yêu cầu không để xảy ra mê tín dị đoan, cúng oan gia trái chủ dịp Tết. Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện, yêu cầu chủ tịch các tỉnh, thành phố, không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng vong… phản văn hóa và trục lợi tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội xuân 2024.

Điều đó cho thấy, mệnh lệnh của người đứng đầu cơ quan hành pháp bị cấp dưới coi thường.

Trước đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã yêu cầu các chùa, khi tổ chức các nghi lễ cầu an, phải đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan. Đặc biệt, phải tránh các yếu tố mang hình thức dịch vụ tâm linh.

Câu chuyện về chùa Ba Vàng và sư Thích Trúc Thái Minh là một dẫn chứng rõ ràng nhất về hoạt động mê tín dị đoan. Công luận cho rằng, chùa Ba Vàng không xấu, nhưng sư Thích Trúc Thái Minh, người đứng đầu chùa là kẻ xấu, bởi ông cố ý biến nhà chùa trở thành cơ sở kinh doanh tôn giáo nhằm thu lợi nhuận.

Liên quan đến hoạt động “thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ” trước đây, vào năm 2019, nhờ trò bịp này mà chùa Ba Vàng và sư Thích Trúc Thái Minh đã thu được hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Sau đó, sư Thích Trúc Thái Minh đã bị kỷ luật, đình chỉ mọi chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và phải sám hối.

Cuối năm 2023, chùa Ba Vàng lại tổ chức rước, trưng bày và chiêm bái “xá lợi tóc Đức Phật”, và thu hút được hàng vạn Phật tử. Dư luận đánh giá rằng, trong vụ này, chùa Ba Vàng chỉ trong một ngày cũng đã thu hàng chục tỷ đồng.

Dư luận xã hội Việt nam có những luồng ý kiến tin rằng, có chủ trương sử dụng hệ thống các chùa quốc doanh để tuyên truyền về mê tín dị đoan, cố ý để người dân hiểu sai về Phật giáo. Đó còn là một chủ trương xuyên suốt, mang tính chiến lược của Đảng, về các vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng.

Tương tự, truyền thông nhà nước không ít lần đưa tin về tình trạng, từ nhiều năm qua, các buổi lễ “dâng sao giải hạn” tại các chùa “luôn trong tình trạng quá sức chứa”. Theo đó, có đêm, hàng ngàn người ngồi kín quãng đường dài trước cửa chùa, để thực hiện nghi lễ này.

Đáng chú ý, chùa Phúc Khánh do nhà sư Thích Thanh Quyết trụ trì, và sư  Quyết hiện là Đại biểu Quốc hội khóa 15 – đại diện cho tỉnh Quảng Ninh.

Các chuyên gia xã hội học nhận thấy, theo quy luật, xã hội càng bất an thì mê tín sẽ nhiều hơn. Ở Việt Nam hiện nay, việc người dân đi chùa chiền để cầu khấn, cúng bái, không hẳn chỉ do tín ngưỡng, mà nhiều người chỉ muốn cầu một sự an lành cho bản thân.

Một khi xã hội không an toàn, bởi nhiều lý do khác nhau, cuộc sống khó khăn, bấp bênh, buộc người dân phải cầu, cúng, dâng sao… để bấu víu vào một điều gì đó, để có niềm tin vào cuộc sống và tương lai./.

 

Trà My – Thoibao.de

13.2.2024