Người Việt trộm cắp tràn lan ở nước ngoài lỗi tại ai?

Trong những năm vừa qua, tin tức về việc người Việt đi làm việc, đi du lịch ở các quốc gia khác, phạm pháp gia tăng. Điều này khiến người dân ở các nước sở tại, như Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, Singapore, Thái Lan… có cái nhìn không tốt về người Việt Nam.

Báo Tuổi Trẻ ngày 7/2 đưa tin “4 người Việt bị bắt ở Nhật vì ăn trộm quần áo ở nhiều cửa hàng”. Bản tin cho biết, 4 người Việt Nam đã bị cảnh sát Nhật Bản bắt giữ, vì đã liên tục trộm cắp tại Uniqlo và các cửa hàng quần áo khác. Thiệt hại ước tính lên tới 20 triệu yên, tương đương 135.000 USD.

Theo hãng tin Kyodo News, nhóm 4 người bị bắt kể trên, gồm 2 người đàn ông và 2 phụ nữ, ở độ tuổi từ 30 đến 40. Một trong 4 người bị bắt có tên là Nguyen Hoang Anh, 38 tuổi, được cho là đã đánh cắp 5.237 món đồ, bao gồm áo len và áo khoác, trong nhiều chuyến thăm Nhật Bản, từ tháng 12/2018 đến tháng 10/2023.

Vẫn theo báo Tuổi Trẻ, các nghi can đã thừa nhận cáo buộc của cảnh sát địa phương, và nói rằng, họ “đang gặp khó khăn về tài chính”.

Trong khi đó, theo trang Asahi Shimbun, Cảnh Sát tỉnh Fukuoka cũng đã có lệnh bắt giữ một phụ nữ khoảng 40 tuổi, hiện đang sống ở Việt Nam, vì tin rằng, bà này là người cầm đầu, điều khiển nhóm 4 nghi can trên. Theo mô tả, đồ ăn cắp được “nhiều đến mức ngày nào họ cũng chất đồ đầy vali”.

Qua tìm hiểu của phóng viên thoibao.de, dữ liệu do Chính phủ Nhật công bố hôm 26/1 cho biết, số lượng lao động ngoại quốc tại Nhật, tính đến cuối tháng 10/2023, đạt mức 2 triệu người. Trong đó, người Việt Nam đứng đầu, với tổng số 518,364 người.

Có rất nhiều cửa hàng trong hệ thống UNIQLO ở Nhật cho tự thanh toán. Ở nơi đặt máy tính tiền tự động không có nhân viên quản lý, và đó là một trong những “lỗ hổng” khiến cho người Việt Nam dễ dàng chôm đồ, rồi gửi về nước để tiêu thụ.

Đó là lý do vì sao, ở những thành phố có đông người Việt sang lao động hay du lịch, đã xuất hiện rất nhiều những tấm bảng khuyến cáo về việc người Việt ăn cắp, được viết bằng hai thứ tiếng Việt và Nhật.

Được biết, việc trộm cắp ở Nhật rất dễ, bởi xã hội Nhật xây dựng trên nền tảng văn hóa là sự lương thiện. Đó là lý do vì sao, người Nhật không nghĩ đến chuyện đề phòng trộm cắp. Người Nhật tin tưởng vào sự minh bạch và sự lương thiện của mọi người. Bất kể đứa trẻ nào ở Nhật, từ tấm bé đã được giáo giục 2 vấn đề về đạo đức, đó là: Văn hóa xếp hàng và không lấy bất kỳ thứ gì không phải là của mình.

Một câu hỏi đặt ra, tại sao, một số đông người Việt khi ra nước ngoài làm việc tạm thời, hay đi du lịch, luôn tìm mọi cách để trốn ở lại và hành nghề trộm cắp?

Kể cả những người đến Nhật với tư cách là sinh viên cũng đi ăn cắp.

Lý giải tình trạng này ở Nhật Bản nói riêng và các quốc gia khác nói chung, nhiều người cho rằng, một trong các nguyên nhân là tình trạng người lao động, người du học mắc phải nợ nần vì phải trả phí cho các công ty môi giới.

Một người Nhật gốc Việt đã định cư hơn 30 năm ở Nhật, cho thoibao.de biết, do ông có khả năng tiếng Nhật tốt, nên thường được cảnh sát địa phương mời làm phiên dịch trong các phiên thẩm vấn đối với người Việt Nam phạm tội. Ông nói:

“Tôi là người trực tiếp nghe điện thoại, được biết gia đình anh này đã vay mượn, thế chấp Ngân hàng được 200 triệu, để lo lót cho anh này du học bên Nhật. Người nhà ở Việt Nam cho biết, để trả nợ 160 triệu cho ngân hàng thì người nhà họ buộc phải đi ăn cắp.”

Công luận thấy rằng, trái với việc ông Tổng hồ hởi đánh giá, “chưa bao giờ Việt Nam có một cơ đồ sán lạn như hôm nay”, là tình trạng người Việt, từ hàng chục năm nay, phải chen nhau để giành suất đi xuất khẩu lao động, mà thực chất là đi làm những công việc tay chân nặng nhọc cho nước ngoài. Chưa hết, dù đến được nước phát triển, họ lại phải đi ăn cắp để trả nợ.

Ngược lại, người đẹp – nữ Biên tập viên Kiều Trinh, không bị hoàn cảnh bắt buộc, vẫn bị bắt 2 lần về tội trộm cắp, một lần ở Thuỵ Điển năm 2001 và một lần ở Anh Quốc năm 2006. Nhưng đến nay, cô này vẫn còn được “chường mặt” trên VTV, thậm chí, còn lên chức Trưởng phòng Văn hoá – Thể thao – Du lịch của VTV1. Được biết, Kiều Trinh là con gái rượu của ông Vũ Văn Hiếu, cựu Tổng Giám đốc Đài truyền hình VTV, cựu Ủy viên Trung ương Đảng.

Tương tự, Lãnh đạo Đảng và nhà nước Việt Nam, ở mọi cấp, tiền lương không đủ sống, vậy mà ai ai cũng có nhiều nhà cho thuê, có biệt thự “khủng” nguy nga, tráng lệ, cho con cái du học ở nước ngoài, sở hữu xe hơi đắt tiền… Tất cả đều đến từ tiền ăn cắp tài nguyên quốc gia, tài sản của nhân dân.

Vì thế, xin đừng trách người lao động Việt Nam ở nước ngoài, do bần cùng phải đi trộm cắp để trả nợ. Có chăng, hãy trách nền giáo dục đã tạo ra một lớp người Việt với triết lý sống “tiền là trên hết, tiền là tất cả”, hệ quả của việc trăm năm trồng người của nhà trường Xã hội Chủ nghĩa./.

 

Trà My – Thoibao.de

10.2.2024

Kasse animation 7.8.2023