Giải pháp để ông Tổng hết giật mình khi nghe “còi hụ” và chịu rời ghế?

Công cuộc chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thất bại là điều “biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Nhưng vấn đề cấp thiết hiện nay là, liệu có giải pháp nào để vượt qua, hay tối thiểu, các lãnh đạo Việt Nam ở mọi tầng, mọi cấp, từ Trung ương đến địa phương, bơn bớt chuyện “ăn không từ thứ gì của dân”.

Cần phải thừa nhận, tham nhũng ở nước nào cũng có, đây là vấn nạn chung của toàn cầu. Giải pháp chống tham nhũng thì có rất nhiều, nhưng áp dụng được hay không lại là vấn đề “thể chế” của mỗi quốc gia.

Chỉ số Nhận thức Tham nhũng năm 2023 của Việt Nam, trên bảng xếp hạng do tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố ngày 30/1, đã tụt hạng so với năm trước. Cụ thể, năm 2023, xếp hạng của Việt Nam tụt xuống hạng 83 trên danh sách 180 quốc gia, so với hạng 77 trong năm 2022.

Theo giới quan sát, chỉ số Nhận thức Tham nhũng của Việt Nam tụt hạng khi công cuộc “đốt lò” chống tham nhũng của ông Tổng Trọng hoạt động hết công suất. Theo tổng kết của Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng, ngày 1/2, cho biết kết quả chống tham nhũng năm 2023, cụ thể:

“Trong năm 2023, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kỷ luật 606 tổ chức Đảng và 24.162 đảng viên, số lượng đảng viên kỷ luật năm 2023 đã tăng 12% so với năm 2022. Số đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng là 459 người; 8.863 đảng viên bị kỷ luật do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Đã kỷ luật 105 người thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, bị xử lý kỷ luật, khởi tố, bắt giam do liên quan đến tham nhũng.”

Điều đó cho thấy, công cuộc chống tham nhũng của Tổng Trọng trong hơn 8 năm qua, đã thực sự lâm vào bế tắc. Càng chống, tham nhũng càng tăng, chứ không hề có dấu hiệu suy giảm.

Công luận cho rằng, càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng tăng theo cấp số nhân, ví như “nấm mọc sau mưa” và không có hồi kết.

Công cuộc “đốt lò” của Tổng Trọng, thực chất là bản sao của chính sách “đả hổ, diệt ruồi” của Tập Cận Bình ở Trung Quốc. Song, trên thực tế, công cuộc chống tham nhũng ở Trung Quốc đạt kết quả đáng kể, và vượt xa Việt Nam.

Việc ông Chu Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, và phụ trách công tác nội chính của Trung Quốc, mà còn bị Tập Cận Bình cho truy tố bắt giam, thì thấy, Ban lãnh đạo Bắc Kinh rất mạnh tay.

Ngược lại, ở Việt Nam, công cuộc đốt lò của Tổng Trọng chỉ nói nhiều chứ không làm mạnh. Ông Trọng nhiều lần tuyên bố, “Chống tham nhũng không có vùng cấm, không có vùng tránh”. Nhưng thực tế, ông né tránh vùng cấm rất nhiều. Thậm chí, ngay từ đầu, ông Trọng đã “chặn họng” các cơ quan chống tham nhũng bằng chỉ thị – “đánh chuột không để vỡ bình”.

Để giải cứu cho các quan tham, Tổng Trọng đã đưa ra chủ trương “nhân văn”: “Cán bộ nào đã có sai phạm rồi tự giác xin thôi, tự giác xin nộp lại tiền, thì mình “miễn xử hoặc xử nhẹ”; Không phải cứ xử nặng mới là tốt, cách chức hết tất cả mới là tốt…”

Vậy thử hỏi, làm sao Việt Nam có thể chống tham nhũng được?

Nhà báo Lưu Trọng Văn mới đây, đã có một status đăng trên trang Facebook cá nhân, với tiêu đề “HẾT GIẬT MÌNH KHI NGHE CÒI HỤ”. Bài viết bàn về việc phải làm sao để tiêu diệt triệt để vấn nạn tham nhũng ở Việt Nam. Tác giả Lưu Trọng Văn đưa ra đề xuất:

“Tham nhũng là vấn đề khó giải quyết vì nhiều yếu tố thời cuộc, do cơ chế để lại, vì vậy nên xóa bài làm lại. Tính thời điểm nào đó, sẽ không hồi tố tội tham nhũng bất cứ ai, nếu tự nộp toàn bộ số tiền hối lộ, tham nhũng, vào Quỹ thu hồi tiền hối lộ tham nhũng. Tên của người nộp này được cam kết bí mật.

Sau thời điểm đó, bất cứ ai bị phát hiện không nộp đầy đủ tiền hối lộ, tham nhũng, thì sẽ bị truy tố với án thật nghiêm khắc. Nếu trên 500 triệu thì bị tù 20 năm đến chung thân, trên 1 tỷ bị tử hình. Và cũng tính từ thời điểm đó, bất cứ ai nhận hối lộ, tham nhũng trên 1 tỷ, đều tử hình và tịch thu toàn bộ tài sản bất chính.”

Vẫn theo ông Lưu Trọng Văn, “Bảo đảm bác Cả [ông Trọng] khỏi vất vả đốt lò, hơn nữa, bất cứ ai từng nhúng chàm, khỏi cả đời nơm nớp âu lo, ăn không ngon, ngủ không yên, nghe xe còi hụ là giật mình toát mồ hôi hột”.

Công luận thấy rằng, đề xuất của nhà báo Lưu Trọng Văn hầu như gãi đúng “chỗ ngứa” của Tổng Trọng. Bởi chính ông Trong cũng đang ở trong tâm thế “nơm nớp”, không kém bất kỳ quan tham nào.

Ông Nguyễn Phú Trọng cứ ngồi lỳ không chịu dứt ra khỏi chiếc ghế Tổng Bí thư, cũng bởi lý do như vậy./.

 

Trà My – Thoibao.de

6.2.2024

Kasse animation 7.8.2023