“Sự thật không bằng phẳng” là sự thật nào?

Ngày 29/1, blog Gió Bấc trên RFA Tiếng Việt có bài bình luận ‘“Sự thật không bằng phẳng” là sự thật nào?”

Tác giả đề cập đến status “BIẾT NGHE SỰ THẬT KHÓ HƠN” của nhà báo Lưu Trọng Văn, một KOLs đình đám với gần 120.000 người theo dõi. Đó là việc Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên gặp gỡ một số trí thức văn nghệ sĩ, theo lời mời của Viện Nghiên cứu Phương Đông.

Tác giả dẫn tường thuật của ông Văn, mở đầu cuộc gặp, ông Nên chân thành và mộc mạc nói:Hôm nay gặp các anh chị tôi chỉ muốn nghe, kể cả những điều không bằng phẳng.”

Tác giả đánh giá, lãnh đạo Cộng sản thường hay trình diễn màn lắng nghe. Thành phố Hồ Chí Minh từng có chương trình “Nói và làm”, và hiện đang có chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” phát hàng tháng trên HTV. Nhưng, cũng giống như màn trình diễn đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, tất cả đều nằm trong kịch bản của người tổ chức, nhằm tuyên truyền cho bộ mặt dân chủ của nhà nước toàn trị. Hỏi chuyện không đâu và trả lời chung chung theo nghị quyết.

Tác giả cho rằng, riêng với ông Nguyễn Văn Nên, trong chừng mực nào đó, ông biết lắng nghe. Ngay trong những ngày căng thẳng của đại dịch COVID-19, khí thế chống dịch như chống giặc, ông Nên đã gặp gỡ các nhà khoa học để lắng nghe, trong số khách mời có cả người không chống dịch như chống giặc. Từ sau cuộc gặp ấy, giải pháp chống dịch của thành phố từng bước cởi mở, mềm mại hơn.

Tuy nhiên, tác giả nhận xét, trong cuộc gặp với các văn nghệ sĩ, theo tường thuật của ông Văn, các văn nghệ sĩ này chỉ nói được một số chuyện quá khứ, hay khen ngợi ông Nên biết lắng nghe sự thật. Ví dụ như, nhà thơ Trần Mạnh Hảo nhắc lại chuyện ngày xưa không bị bắt nhờ Võ Văn Kiệt can thiệp. Nhà thơ Nguyễn Duy đọc lại bài thơ cũ hàng chục năm trước…

Không ai trong số các văn nghệ sĩ kia nói lên những sự thật nhức nhối đã và đang đè nặng lên số phận người dân thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

Tác giả cảm thán, giá như nhà thơ Trần Mạnh Hảo giới thiệu với ông Nên về nhà văn Võ Đắc Danh, người bị kỷ luật thu thẻ nhà báo vì phiếm luận “Kính thưa nhà thơ Trần Mạnh Hảo” đăng trên báo Văn Nghệ Trẻ vào năm 2003.

Sau bản án nặng nề ấy, Võ Đắc Danh vẫn là người nông dân cầm bút và tiếp tục viết nhiều bút ký gai góc, nổi bật nhất là bút ký “Đất Thủ Thiêm”, tuy không được phép xuất bản chính thức ở Việt Nam, nhưng lan truyền thu hút hàng triệu người đọc trên mạng xã hội.

Tác giả nhắc đến lời ông Nên về việc ông tặng ông Đại sứ Mỹ cuốn “Thời xa vắng” của Lê Lựu.

“Thời xa vắng” quả là tiểu thuyết hay, nhưng vấn đề của nó là quan niệm hủ lậu về hôn nhân, tình yêu, đề tài muôn thuở. Tiếc là nhà văn Bích Ngân không nhắc với ông Nên một sự thật khác gần gũi, bức xúc hơn nhiều. Đó là sự kiện chính quyền cưỡng chế trái pháp luật Vườn rau Lộc Hưng, ở ngay quận Tân Bình.

Tác giả khẳng định, nhà văn Bích Ngân không thể không biết bản chất của sự việc, vì em ruột bà, Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc là một trong 5 luật sư hỗ trợ pháp lý cho dân oan Vườn rau Lộc Hưng.

Chính quyền đã tạo dựng nhiều màn trình diễn để che lấp sự thật, trong đó, nổi bật là ngày 18/8/2022, Uỷ ban Nhân dân quận Tân Bình tổ chức tiếp công dân, liên quan đến khu Vườn rau Lộc Hưng, nhằm lắng nghe và trao đổi các vấn đề mà người dân quan tâm.

Nhưng thực chất, đây chỉ là những màn trình diễn để đọc cho người dân nghe bài diễn văn viết sẵn của chính quyền.

Tác giả kết luận, sự thật không bằng phẳng mà các trí thức văn nghệ sĩ nói với ông Nên là sự thật của thời xa lắc, ở nơi không xác định. Thủ Thiêm, Vườn rau Lộc Hưng là vết thương mưng mủ tiêu biểu cho căn bệnh ung thư tham nhũng của xã hội hiện nay. Không riêng của Sài Gòn mà cả nước. Có lẽ quá gai góc nên nó thành bằng phẳng.

Tiếc cho ông Nên, trong số những nghệ sĩ, trí thức mà ông được chọn để nghe sự thật, không có đứa trẻ hồn nhiên thắc mắc “nhà vua không mặc quần” như chuyện ngụ ngôn phương Tây.

 

Xuân Hưng – thoibao.de

1.2.2024

Kasse animation 7.8.2023