Cuộc đua chức Tổng Bí thư: Tô Đại và Phan Đ. Trạc đang “ăn miếng trả miếng”?

Việc Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, thoắt ẩn, thoắt hiện, và ẩn nhiều hơn hiện, đã làm cho vấn đề người kế nhiệm chức Tổng Bí thư trở thành một chủ để quan trọng. Không chỉ là sự quan tâm của công luận, mà còn là vấn đề của các cá nhân ứng viên và phe cánh của họ, trong nội bộ Đảng.

Tổng Trọng “bất ngờ” xuất hiện tại phiên Khai mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội, ngày 15/1, sau hơn 3 tuần mất dạng. Giới thạo tin cho rằng, sự xuất hiện đó là theo đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thủ lĩnh của phe Nghệ An và Hà Tĩnh.

Ông Huệ muốn mời Tổng Trọng xuất hiện, để “dằn mặt” Bộ trưởng Công an Tô Lâm, rằng, ông Tô đừng thể hiện quá lộ liễu tham vọng “tranh quyền, đoạt vị” chức Tổng Bí thư.

Báo Dân trí ngày 2/2 đưa tin, “ Xử lý các đại án tham nhũng: “Nghiêm minh không có nghĩa là xử quá nặng”’. Bản tin cho biết, Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên đã biện hộ cho việc gần đây, trong các phiên xét xử các đại án tham nhũng, dư luận cho rằng, Đảng “giơ cao đánh khẽ” đối với các quan chức tham nhũng.

Ông Nguyễn Văn Yên nói: “Nghiêm minh không có nghĩa là xử quá nặng, mà đảm bảo xử lý đúng bản chất của vi phạm; xử lý công khai, không úp mở, không giấu giếm, không có án bỏ túi,”. Đồng thời, Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cũng nhắc lại rằng, chủ trương xử “nghiêm minh không có nghĩa là xử quá nặng”, đối với quan chức tham nhũng, là việc làm theo lời chỉ đạo “nhân văn, nhân ái, nhân tình” của Tổng Trọng.

Theo giới phân tích, hành động vừa kể của Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên, là hành động mang tính chất “biểu dương lực lượng” của phe Nghệ Tĩnh. Phe này do ông Phan Đình Trạc, trên cương vị Trưởng ban Nội chính Trung ương, kiêm Phó trưởng ban Chỉ đạo Chống tham nhũng và tiêu cực dẫn đầu, và Tổng Trọng đứng trên cương vị tổng chỉ huy.

Điều đó có liên quan gì đến các phản ứng mới đây của Bộ Công an trong việc đã hướng mũi dùi vào ông Trần Tuấn Anh, cựu Trưởng ban Kinh tế Trung ương, vừa được Ban Chấp hành Trung ương đồng ý cho nghỉ hưu sớm trước tuổi 60?

Tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024, khi báo chí đặt câu hỏi về tiến độ điều tra một số vụ án lớn, trong lĩnh vực điện, xăng dầu của Bộ Công thương, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết, có tình trạng chủ đầu tư và nhà thầu bắt tay nhau để nâng giá vật tư, thiết bị điện, có những vật tư được nâng giá lên 300%. Đó là một trong những nguyên nhân khiến giá điện tăng cao, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Việc phe Nghệ Tĩnh đưa ông Nguyễn Văn Yên – người phát ngôn, đại diện cho Ban Nội chính Trung ương, ra mặt đối đáp với người phát ngôn của Bộ Công an – Trung tướng Tô Ân Xô, theo giới quan sát, là việc làm có tính toán của ông Phan Đình Trạc. Mục đích chuyển đi một thông điệp, “phe Nghệ Tĩnh là người đang làm chủ cuộc chơi, đó là điều không thể đảo ngược”.

Gần đây, có những đồn đoán liên quan đến mối bất hòa giữa Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc – một trong những lãnh đạo chủ chốt của phe Nghệ Tĩnh, cánh tay phải của Tổng Trọng – với Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Giới thạo tin tiết lộ, trước sự lộng hành của ông Tô Lâm, Tổng Trọng đã tiết lộ với những nhân vật thân cận rằng, ông rất muốn đưa ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương, về thay thế cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm, trước khi ông Trọng nghỉ hưu.

Trong lúc, Tướng Nguyễn Duy Ngọc – Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Thứ trưởng Bộ Công an – là một đồng hương và là người trước đây được Bộ trưởng Tô Lâm tin dùng. Nhưng đến nay, ông Ngọc đã “quay xe”, chuyển sang phục vụ cho ông Phan Đình Trạc để chống lại ông Tô Lâm. Ngày 12/12/2023, Tướng Nguyễn Duy Ngọc vừa được phong quân hàm Thượng tướng.

Đó là chưa kể, sau khi xuất hiện những đồn đoán về việc Tổng Trọng chắc chắn sẽ nghỉ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã mở quá nhiều mặt trận, để tấn công hầu hết các ứng viên tiềm năng cho chiếc ghế Tổng Bí thư. Điều đó vô tình đã thúc đẩy các phe nhóm khác buộc phải liên kết lại với nhau, để đáp trả ông Tô.

Mới đây, đã xuất hiện các tin tức về cuộc đua vào vị trí thay thế cho Tổng Bí thư, giữa Đại tướng Công an Tô Lâm, với Đại tướng Quân đội Phan Văn Giang, và lợi thế đang nghiêng về bên quân đội. Theo đó, Bộ trưởng Phan Văn Giang đang nhận được sự ủng hộ của đa số, trong tổng số 16 uỷ viên Bộ Chính trị còn lại hiện nay.

Theo giới phân tích, ông Tô Lâm đã và đang biến “bạn thành thù”, và với tham vọng “leo cao”, thì rồi sẽ ngã đau là điều khó tránh khỏi. Chúng ta hãy chờ xem sự thất bại của Tô Lâm trong giai đoạn nước rút, sẽ diễn ra như thế nào./.

 

Trà My – Thoibao.de

3.2.2024

Kasse animation 7.8.2023