Một năm sau khi trụ Phúc đổ, nhưng sao vẫn chưa nát?

Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2023, chính trường Việt Nam sôi động với sự thay đổi nhân sự ở tầng cao nhất – tứ trụ. Ông Nguyễn Xuân Phúc đã từ chức Chủ tịch nước, kết thúc sự nghiệp chính trị đầy tai tiếng.
Việc loại bỏ ông Phúc khỏi chính trường vào những ngày giáp Tết, được người dân kỳ vọng là việc dọn đường để ông Tô Lâm có thể sờ tới phu nhân của ông cựu Chủ tịch nước. Bởi thông tin ngoài luồng cho biết, bà Trần Thị Nguyệt Thu, phu nhân ông Phúc, có dính líu đến cả 2 vụ, Việt Á và chuyến bay giải cứu. Tuy nhiên, cả hai vụ án này đều đã được đưa ra xét xử, nhưng bà Trần Thị Nguyệt Thu không hề hấn gì.

Đáng chú ý là, câu phát biểu của ông Phúc vào ngày 4/2/2023, tại buổi lễ bàn giao ở Phủ Chủ tịch. Ông Phúc nói: “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á. Điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng”.

Lời phát biểu này phần nào bộc lộ một số điều trong hậu trường chính trị, với việc các phe phái đã thỏa thuận ra sao. Câu hỏi đặt ra là, tại sao ông Nguyễn Xuân Phúc phải tận dụng cơ hội để lên truyền thông khẳng định, bênh vực vợ con ông?

Trong trò chơi chính trị, mọi sự bất cẩn đều có thể trả giá rất đắt. Câu nói của ông Nguyễn Xuân Phúc như là cách ông tung “bằng chứng” ra trước công chúng, để tự bảo vệ gia đình mình. Điều này cho thấy, giữa các đồng chí với nhau, họ cũng chẳng tin tưởng nhau. Nếu ông Phúc không tung hê trước “Điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng”, thì sau này, khi phe ông Tổng lật lọng, ông Phúc có thể làm được gì?

Câu nói của ông Phúc, mặc dù đã bị Tuyên giáo cho thu hồi nhanh chóng, nhưng giống như “nước đổ ra đất”, không có cách nào hốt lại được nữa. Tất cả các trang mạng, các tờ báo nằm ngoài sự kiểm duyệt của Đảng, đã sao chụp lại. Do đó, câu nói này đã trở thành một chốt chặn, bảo vệ gia đình ông Nguyễn Xuân Phúc, ngăn không cho phe ông Tổng lật lọng.

Vụ Việt Á còn một câu hỏi quan trọng, đó là, ai là người sở hữu 80% cổ phần của Công ty Việt Á?

Hiện nay, các vụ án kinh tế lớn đều liên quan đến những nhân vật lớn trong chính quyền. Người đứng tên và đại diện pháp lý cho doanh nghiệp là thường dân, còn người trong bóng tối hỗ trợ, thậm chí là thao túng, lại là quan lớn. Khi khui những vụ án như vậy, ông Trọng cho đánh phần dân thật mạnh, còn phần quan, ông lại nương tay. Có những quan nhỏ thì ông khui ra và ném vào lò, còn quan lớn thì ông lại ém.

Vụ án Vạn Thịnh Phát là ví dụ, cho thấy, ông Trọng đánh Trương Mỹ Lan, lôi ra một bà Vụ trưởng, rồi lôi thêm Nguyễn Cao Trí, và từ đó lôi ra dàn lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, ông chừa lại nhân vật Lê Thanh Hải. Vụ án Việt Á cũng thế, ông lôi những quan chức cấp tỉnh, cấp thứ trưởng, nhưng với “cá gộc” bên trên, đặc biệt là nhân vật bí ẩn sở hữu 80% cổ phần Việt Á, thì ông lại che giấu.

Vụ ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trọng chỉ làm đến mức cho ông Phúc từ chức. Việc xử lý tham nhũng như thế, khiến các quan chức cấp cao không sợ, họ sẽ nghĩ ra cách đối phó nếu chẳng may bị khui ra. Chỉ cần nắm được những thông tin có giá trị, thì dù ăn đậm thì cũng có thể đem những thứ đó ra ngã giá, để được rút êm. Cho nên, chống tham nhũng như ông Trọng hiện nay chỉ có thể làm cho tham nhũng tinh vi hơn, thủ đoạn thâm hiểm hơn, chứ không thể diệt được tham nhũng.

Ở chế độ này, nếu không tham nhũng thì chẳng thể leo cao được, bởi lấy tiền đâu ra đút lót cho quan trên? Chỉ có ăn thật bạo và thủ những “con bài tẩy”, để ra giá khi bị lộ. Thế là hạ cánh an toàn.

Chỉ có dân là thiệt.

Ý Nhi – Thoibao.de

30.1.2024

Kasse animation 7.8.2023