Người Campuchia nghĩ gì về cuộc chiến của Việt Nam với Khmer Đỏ?

Ngày 3/1, RFA Tiếng Việt có bài “Người Campuchia nghĩ gì về cuộc chiến của Việt Nam với Khmer đỏ?”

Đây là bài phỏng vấn ông Sorky Sum, một nhà nghiên cứu về lịch sử hiện đại Campuchia và là Biên Tập viên của Ban Khmer, Đài Á châu Tự do RFA. Bài phỏng vấn cho thấy góc nhìn của ông Sorky Sum nói riêng và công chúng Campuchia nói chung, đối với cuộc chiến cách đây 45 năm, kết thúc vào ngày 7/1/1979, khi Việt Nam tiến quân vào Phnom Penh lật đổ chế độ Khmer Đỏ.

Theo ông Sorky Sum, cuộc chiến của Việt Nam với Khmer Đỏ ở Campuchia là một vấn đề rất gây tranh cãi ở Campuchia.

Ông đã đọc nhiều nghiên cứu và nói chuyện với nhiều học giả, nhà báo, nhà chính trị Campuchia có liên quan đến sự kiện này. Một số người cho rằng, mục đích của Việt Nam khi tấn công Campuchia chỉ là thay thế lãnh đạo Khmer Đỏ khi đó quá thân Trung Quốc và thù ghét Việt Nam.

Ông Sorky Sum từng phỏng vấn ông Bùi Tín – người từng là Phó Tổng Biên tập báo Nhân dân và từng theo đội quân Việt Nam đến Campuchia năm 1979. Ông Tín nói, lý do Việt Nam tấn công Campuchia vì Khmer Đỏ tấn công Việt Nam. Sau năm 1975, Việt Nam không có lợi ích gì để tấn công Campuchia.

Một số học giả Khmer khác cũng có ý kiến tương tự, cho rằng, Việt Nam không cứu người Campuchia mà tấn công Campuchia vì Khmer Đỏ xâm lược Việt Nam.

Tuy việc cứu người dân Campuchia chỉ là “một kết quả phụ”, nhiều người Campuchia vẫn biết ơn Việt Nam vì đã cứu họ khỏi nạn diệt chủng.

Ông Sorky Sum cho biết, giá như, sau khi lật đổ Khmer Đỏ, Việt Nam liên lạc với Liên Hiệp Quốc, đề nghị cộng đồng quốc tế giúp đỡ, còn mình thì rút quân.

Nhưng Việt Nam đã không làm như vậy, Việt Nam dựng lên một chính quyền mới ở Phnom Penh, nhưng lại can thiệp sâu vào chính quyền đó, bắt giam cả Thủ tướng, không cho Campuchia quyền độc lập chính trị thực sự.

Đó là điều người Campuchia không đồng ý.

Vị Thủ tướng Campuchia khi đó là ông Pen Sovann, được Việt Nam đưa lên vào tháng 7/1981, nhưng đến tháng 12 lại bị đưa tới Hà Nội để bỏ tù và giam giữ suốt 10 năm, từ cuối năm 1981 đến 1992.

Ông Pen Sovann tập kết ra miền Bắc Việt Nam từ năm 1954, lấy vợ là người Việt và rất thân thiết với Việt Nam. Nhưng ông phản đối chính sách của Việt Nam đối với Campuchia, sau khi chiếm đóng. Đó là việc Việt Nam cho phép một dòng người Việt di cư sang Campuchia, sống thành cộng đồng ở Phnom Penh và Biển Hồ Tonlé Sap.

Ngoài ra, Hà Nội không hài lòng về việc ông Pen Sovann nói chuyện thẳng với Liên Xô, chứ không thông qua Hà Nội, vì ông muốn quyền tự chủ của Campuchia.

Việc đưa người Việt sang Campuchia cũng tạo ra tâm lý sợ hãi cho người dân Campuchia. Và cộng đồng người Việt ở hồ Tonle’ Sap đang trở thành vấn đề lớn đối với Campuchia ngày nay.

Ông Sorky Sum nghĩ, hai nước phải tìm cách sống hòa bình cùng nhau, hòa hợp với nhau, vì chắc chắn, hai nước sẽ là láng giềng mãi mãi.

Việt Nam rất mạnh so với Campuchia. Campuchia hiện có 17 triệu người, còn Việt Nam là hơn 100 triệu người. Campuchia lại bị Việt Nam xâm lược nhiều lần trong quá khứ, cho nên, tâm lý người Campuchia luôn lo lắng, phòng thủ.

Đối với công chúng Campuchia, để quan hệ hai nước tốt đẹp hơn, Việt Nam phải trở nên “có thể tin cậy được”.

Ông Sorky Sum lấy một ví dụ. Người Campuchia không đủ mạnh để nói về cộng đồng Khmer Krom ở Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam. Nhưng họ rất quan tâm đến những người Khmer Krom ở Việt Nam bị truy tố ra tòa, vì các quyền con người cơ bản.

Khi lãnh đạo hai nước gặp nhau, Việt Nam thường yêu cầu Campuchia đối xử tốt với cộng đồng người Việt Nam ở Campuchia. Nhưng ngược lại, Campuchia không thể yêu cầu Việt Nam đối xử tốt hơn với cộng đồng người Khmer bản địa ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Hai bên có sự chênh lệch về quyền lực. Một bên lớn, một bên nhỏ hơn.

Ông Sorky Sum cho rằng, chúng ta cần một mối quan hệ bình đẳng giữa hai nước, không phải theo cách quan hệ giữa “anh lớn” và “em nhỏ”. Việt Nam và Campuchia nên cố gắng duy trì một mối quan hệ hài hòa giữa hai bên.

Ý Nhi – thoibao.de

4.1.2024

Kasse animation 7.8.2023