GS Carl Thayer: Việt Nam có thể đánh mất bạn bè và sự tín nhiệm với ngoại giao ‘cây tre’

Ngày 4/1, VOA Tiếng Việt có bài “Giáo sư Carl Thayer: Việt Nam có thể đánh mất bạn bè và sự tín nhiệm với ngoại giao “cây tre”’. Đây là bài phỏng vấn Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia thuộc Đại học New South Wales, một chuyên gia về chính trị Việt Nam.

Giáo sư Thayer gọi việc Việt Nam có thể đón tiếp cả Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc trong năm 2023 là “một thành tựu” ngoại giao.

Theo ông, Việt Nam đưa Hoa Kỳ lên ngang hàng với Trung Quốc và sau đó tiếp đón Tập Cận Bình, thêm Nhật Bản và có các tiến triển khác. Vâng, đó là điểm nổi bật của năm.

Việt Nam đã xây dựng chính sách “vừa hợp tác vừa đấu tranh”. Và họ có những “đối tác hợp tác” và những “đối tượng đấu tranh”.

Vì vậy, [Việt Nam] trở nên linh hoạt hơn và điều đó dẫn đến sự phát triển quan hệ với Mỹ, và động lực ở đó là kinh tế.

Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và đang gặp rắc rối.

Cách duy nhất mà Việt Nam có thể nhìn ra được, là nâng cấp và dỡ bỏ các hạn chế với các nền kinh tế hùng mạnh. Vì vậy, [nâng cấp quan hệ với] Hàn Quốc năm 2022 là bước đi nhỏ đầu tiên. Sau đó, Việt Nam thêm Hoa Kỳ, thêm Nhật Bản và [sắp tới là] Úc vào danh sách này.

Vẫn theo Giáo sư Thayer, đó là sự thay đổi trong quan điểm của Việt Nam, tìm cách tối đa hóa vị thế của mình về mặt kinh tế, và thu hút các quốc gia khác tham gia vào “bữa tiệc” của mình.

Đánh giá về chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam, Giáo sư Thayer cho rằng, thứ nhất, “ngoại giao tre” chủ yếu hướng tới khán giả trong nước; thứ hai, nó có một chân lý vĩnh cửu nào đó, kiên định về nguyên tắc nhưng linh hoạt về chiến lược.

Lấy ví dụ về “cộng đồng chia sẻ tương lai”, Giáo sư Thayer cho biết, trong thông cáo chung, Việt Nam không cam kết thực hiện. Vì vậy, Giáo sư gọi nó là “bày hàng tủ kính”.

Việt Nam đã làm ở mức tối thiểu. Họ đã “uốn cong” chiến lược của mình. Họ hơi cúi mình một chút, nhưng họ không cam kết với bất cứ điều gì khó.

Nhưng với cuộc chiến ở Ukraine, Giáo sư Thayer đánh giá, “ngoại giao tre” của Việt Nam không giúp ích được gì.

Bởi Việt Nam không muốn hủy hoại mối quan hệ với Nga. Tuy nhiên, Việt Nam nằm trong ASEAN, và Việt Nam không bỏ phiếu cùng với đa số các nước ASEAN nhưng vẫn muốn tận dụng ASEAN. Điều này cho thấy, “ngoại giao tre” có những mâu thuẫn nội tại.

Điểm bất cập nữa, Giáo sư Thayer nhận định, Việt Nam thuộc Hội đồng Nhân quyền [Liên Hợp Quốc] và Việt Nam không bỏ phiếu loại bỏ Nga. Trong khi, đối với các nền dân chủ phương Tây, sẽ là một sự nguyền rủa khi để Nga trong Hội đồng, trong lúc chúng ta đang phẫn nộ vì [tình hình] Gaza.

Ông cũng cho rằng, Việt Nam không thể giữ thái độ trung lập mãi mãi. Nếu cuộc chiến ở Ukraine và Gaza làm gia tăng sự cạnh tranh, Giáo sư nghĩ, Việt Nam sẽ gặp khó khăn. Chính quyền Biden có thể bị thay thế, hoặc Quốc hội Mỹ có thể tức giận với Việt Nam về một số vấn đề cụ thể, hoặc lập trường của Việt Nam sẽ là trở ngại cho việc cải thiện quan hệ song phương với Mỹ. Ngoài ra, mối quan hệ với Israel – một trong những nhà cung cấp vũ khí cho Việt Nam – sẽ bị ảnh hưởng.

Giáo sư tiết lộ, Việt Nam đã ký thỏa thuận với Nga để mua vũ khí. Họ phải đáp ứng những nghĩa vụ đó. Nhưng nếu mua vũ khí Nga, Việt Nam sẽ nhận được lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Mặt khác, Việt Nam sẽ mất đi sự tín nhiệm nếu không lên tiếng về các vấn đề nhân quyền, điển hình là trong trường hợp của Nga và Ukraine.

Vì vậy, “ngoại giao cây tre” không phải là liều thuốc chữa bách bệnh tuyệt vời.

Giáo sư Thayer kết luận, Việt Nam sẽ tiếp tục với chính sách “ngoại giao cây tre” và tuân theo “Năm nguyên tắc chung sống hòa bình”, bảo đảm duy trì quyền tự chủ, độc lập và không liên kết.

Thu Phương – thoibao.de

4.1.2024

Kasse animation 7.8.2023