Tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài trong nhiều năm nhưng không được cải thiện

Link Video: https://youtu.be/KHCF3RW340M

Ngày 10/12, RFA Tiếng Việt loan tin “Ô nhiễm không khí tại Hà Nội kéo dài một tháng trời, nhiều ngày lên mức báo động”.

Theo đó, ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã kéo dài gần một tháng qua, và vào ngày 10/12, đã lên mức báo động, sau khi bị xếp vào mức ô nhiễm hàng đầu thế giới vào ngày 8/12 vừa qua (theo ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới – IQAir).

RFA cho biết, chỉ số chất lượng không khí (AQI) nhiều nơi ở Hà Nội vào ngày 10/12 đã vượt ngưỡng 223, là mức rất không tốt, có hại cho sức khỏe. Nồng độ bụi mịn – PM2.5 tại Hà Nội hiện cao gấp 34.5 lần giá trị, theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO. Ở ngưỡng này, người dân được khuyến cáo tránh tập thể dục ngoài trời, đeo khẩu trang khi ra ngoài, đóng cửa sổ để tránh không khí bẩn bên ngoài, chạy máy lọc không khí.

Một bản tin trên RFA ngày 8/12 cho biết, theo thống kê của AirVisual, từ ngày 18/11 đến ngày 3/12, chỉ số ô nhiễm theo ngày của Hà Nội đều được cảnh báo có chỉ số ô nhiễm ở mức đỏ – có hại cho sức khỏe. Hà Nội luôn nằm trong top đầu các thành phố ô nhiễm nhất toàn cầu, với nồng độ bụi mịn PM2.5 cao gấp hàng chục lần giới hạn cảnh báo của WHO.

Theo RFA, truyền thông Nhà nước vào cùng ngày đăng tải các hình ảnh cho thấy, bầu trời Hà Nội mịt mù như trong khói sương, thậm chí kéo dài đến tận trưa khi có nắng lên. Người dân thủ đô đang bị ảnh hưởng bởi mức bụi gấp 5 lần tiêu chuẩn của WHO và hơn gấp đôi mức quy chuẩn quốc gia.

Vẫn theo RFA, truyền thông trong nước trích dẫn phân tích của các chuyên gia về môi trường cho biết, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí, là do khí thải từ phương tiện giao thông.

Theo thống kê, Hà Nội có 7,8 triệu phương tiện, trong đó ô tô hơn 1 triệu, xe máy hơn 6,6 triệu. Chưa kể khoảng 1,2 triệu xe từ các tỉnh, thành tham gia giao thông tại Thủ đô.

Ngoài ra, còn có khí thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, đốt rác, từ các làng nghề tái chế không được kiểm soát, khí thải từ các công trình xây dựng.

Hình: Bản tin ngày 10/12 trên RFA

Trước đây, vào tháng 5/2021, mức nguy hại về ô nhiễm không khí ở Hà Nội từng lên đến ngưỡng cảnh báo cao nhất, khi chỉ số AQI lên đến 463, xếp thứ nhì trong danh sách 10.000 thành phố ô nhiễm không khí nhất trên thế giới.

Không chỉ Hà Nội, các thành phố khác của Việt Nam cũng trong tình trạng tương tự.

RFA vào tháng 2/2021 cho hay, nhiều thành phố trên cả nước Việt Nam có chỉ số tia cực tím (UV) và nồng độ bụi mịn ở mức gây hại cao.

Chỉ số tia UV ở mức từ 3 đến 5 là nguy cơ gây hại trung bình, từ 6 đến 8 có nguy cơ gây hại cao, trên 8 là nguy cơ gây hại rất cao. Trong khi, một số thành phố ở mức 9 như Sài Gòn, Cần Thơ, Nha Trang. Nhiều thành phố khác ở mức 8 như Huế, Đà Nẵng..

Bụi mịn ở 18/63 tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2,5 vượt mức báo động. Top 5 tỉnh, thành phố ô nhiễm nhất được ghi nhận là Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình và Hà Nội. Sài Gòn cũng nằm ở ngưỡng xấu về bụi mịn.

Tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ đến mức được coi là mối đe doạ lớn hơn đại dịch Covid-19, vào năm 2021.

RFA dẫn Chỉ số Hiệu suất Môi trường năm 2020 của Đại học Yale, Việt Nam xếp thứ 115 trong số 180 quốc gia trên toàn cầu về chất lượng không khí, thấp hơn nhiều so với nhiều nước ở Đông Nam Á khác.

Thống kê của tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát hiện rằng, hơn 60.000 ca tử vong ở Việt Nam mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí, gấp khoảng 6 lần số người chết vì tai nạn giao thông. Theo WHO, chất bụi mịn bao gồm sunphat, nitrat, amoniac, bụi khoáng và nước, có thể xâm nhập sâu vào phổi và máu, trong thời gian lâu dài có thể làm tăng phát triển các bệnh tim mạch và hô hấp cũng như ung thư phổi.

Tuy nhiên, dường như chính quyền không hề có động thái nào để làm giảm tình trạng ô nhiễm này.

Hình: Ô nhiễm không khí còn nguy hiểm hơn đại dịch Covid

Xuân Hưng

>>> Danh hão Nghệ sĩ Nhân dân để làm gì?

>>> Hồng vệ binh và vụ Nhân văn Giai phẩm

>>> Hệ lụy của việc bơm nóng triệu tỷ vào nền kinh tế thời điểm cuối năm

>>> Tập sẽ hối thúc Việt Nam tham gia tích cực hơn vào Sáng kiến Vành đai Con đường

Tập Cận Bình sẽ đạt được gì trong chuyến thăm Việt Nam

Kasse animation 7.8.2023