Chạy chức: Bộ Công thương – con ngựa què kéo cỗ xe kinh tế (phần 7)

 

Trong chiến tranh, nơi quyết định vận mệnh còn mất của đất nước là Bộ Quốc phòng. Trong hoà bình phát triển kinh tế, nơi quyết định sự giàu nghèo của đất nước, quyết định sự no đói của dân, quyết định sự phát triển hay trì trệ của nền kinh tế, là Bộ Công thương.

Bộ Công thương là sở chỉ huy, là bộ tham mưu quyết định sự thành bại của công cuộc công nghiệp hoá. Đòi hỏi người đứng đầu Bộ Công thương – tư lệnh chiến dịch công nghiệp hoá – phải là người cầm quân thao lược, phải là nhà kỹ trị có kiến thức quản trị kinh doanh của thời đại công nghiệp, đã được thử thách, rèn giũa trong đời sống kinh tế đất nước.

Nhưng bất hạnh thay cho đất nước, cho người dân Việt Nam, lãnh đạo Bộ Công thương thời đất nước công nghiệp hoá, lại chỉ đơn thuần là nhà chính trị công nông. Những bí thư tỉnh uỷ, những thái tử Đảng con ông cháu cha dòng dõi Cộng sản, đã làm cho những dự án công nghiệp hoá đều thất bại, đổ vỡ, và chỉ để lại tội trạng trong lịch sử, chỉ để lại tai tiếng lưu truyền trong dân gian.

Bí thư Tỉnh uỷ Lạng Sơn Vũ Huy Hoàng trở thành Bộ trưởng Bộ Công thương trong 10 năm, từ 2007 đến 2016, là chủ đầu tư 5 dự án công nghiệp, với nguồn vốn 30.000 tỷ đồng, đều thua lỗ nặng nề, đều chênh vênh bên vực thẳm phá sản.

Làm thất thoát một lượng lớn trong nguồn vốn đầu tư cho các dự án công nghiệp, kìm hãm sự nghiệp công nghiệp hoá, năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng phải nhận bản án 11 năm tù.

Kế nhiệm Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, từ năm 2016 đến năm 2021 là thái tử Đảng Trần Tuấn Anh, quý tử của cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Sau 5 năm trên ghế Bộ trưởng Bộ Công thương, vừa kém cỏi trong vai trò tư lệnh chiến dịch công nghiệp hoá, vừa tai tiếng trong đời sống gia đình, nhưng vì là thái tử Đảng, nên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú trong lúc chủ trì Hội nghị toàn uỷ ban, từ ngày 28 đến 30/9/2021, phải dè dặt kết luận:

“Bộ trưởng Công Thương nhiệm kỳ 2016 – 2021 Trần Tuấn Anh đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu, thực hiện bổ sung quy hoạch, quản lý phát triển năng lượng điện, nhất là các dự án điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ và vừa; trong xây dựng cơ chế, chính sách về giá điện, giá xăng dầu.” (Trần Tuấn Anh – Wikipedia tiếng Việt)

Nếu coi nền công nghiệp của đất nước là một cơ thể sống, thì điện là máu nuôi cơ thể đó. Với những Bộ trưởng Bộ Công Thương không xứng, không đủ tầm so với đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hoá, đã làm cho ngành công nghiệp điện Việt Nam thành vựa ve chai, chồng chất dây chuyền công nghệ điện than lỗi thời của Trung Quốc, vừa kém hiệu quả kinh tế, vừa xả thải đầu độc môi trường. Đây là thứ công nghệ đã bị thế giới loại bỏ từ lâu.

Sau 20 năm làm công nghiệp hoá, đất nước vẫn không chủ động được nguồn điện, điện vẫn thiếu trước, hụt sau. Tập đoàn Intel của Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam 1,5 tỷ đô la để xây dựng nhà máy sản xuất điện tử, sản xuất chip. Họ cũng đã công bố kế hoạch đầu tư thêm 1 tỉ đô la để mở rộng sản xuất. Nhưng gần đây, Intel đã dừng kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Lý do được đưa ra là sự bất ổn cho sản xuất do nguồn điện cung cấp không đầy đủ và không ổn định, sự mệt mỏi do thủ tục hành chính nhiêu khê, lắt léo, trì trệ, của nền hành chính cửa quyền ở Việt Nam, và trên hết là do sự bất nhất của hệ thống luật pháp Việt Nam.

Dừng kế hoạch mở rộng sản xuất ở Việt Nam, Intel liền chuyển 4,6 tỉ đô la để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chip ở Ba Lan!

Thiếu điện, phải chạy vạy ăn đong nguồn điện. Mua điện của Trung Quốc từ phương Bắc. Mua điện của Lào từ phía Tây. Như nhà nghèo vác rá ăn đong từng bữa gạo.

Công nghiệp hoá là sự nghiệp làm giàu của những người biết lo toan, vừa nhạy bén, vừa biết nhìn xa trông rộng. Một gia đình quanh năm an phận với nếp sống chạy ăn từng bữa, với tư duy manh mún, thì không thể làm giàu.

Về nguồn điện đã thế, còn nguồn xăng dầu cũng nhiều lần đối diện thiếu hụt. Kho dự trữ không bảo đảm nguồn cung nếu có bất ổn xảy ra.

Bao nhiêu năm qua, Bộ Công thương không đảm bảo được năng lượng cho nền kinh tế, khiến nền kinh tế đất nước thiệt hại rất lớn, không thể cân đo đong đếm được. Có thể nói, Bộ Công thương không khác gì con ngựa què đang giữ trọng trách kéo cỗ xe èo ọp là nền kinh tế Việt Nam.

Ý Nhi – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023