Câu chuyện dự án xây dựng khu đô thị của Công ty Đỗ Gia Capital, chủ đầu tư dự án ở thành phố Cẩm Phả, với tổng diện tích gần 32 ha, đang làm xôn xao dư luận cả nước.
Dự án này bao gồm 451 căn biệt thự và nhà ở liền kề, cùng với các công trình thương mại, dịch vụ hỗ trợ, trong đó có khách sạn cao 7 tầng. Trong diện tích của dự án này có 4 ha nằm trong vùng đệm vịnh Hạ Long.
Bỏ qua vấn đề có vi phạm hay không vi phạm Luật Bảo vệ Di sản hay Luật Bảo vệ Môi trường… của dự án. Vấn đề cho thấy rõ nhất ở dự án tai tiếng này, là việc đấu giá quyền sử dụng đất. Đây là một lỗ hổng lớn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân bắt tay với các quan chức nhà nước các cấp, từ Trung ương tới địa phương, để tham nhũng.
Cụ thể, báo chí cho biết, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đỗ Gia Capital được thành lập vào ngày 18/11/2021. Nhưng đến ngày 30/12/2021, thời điểm được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất, doanh nghiệp này mới chỉ được “42 ngày tuổi”, vậy mà đã loại được 8 đối thủ nặng ký để trúng đấu giá khu đất nghìn tỷ này.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên Môi trường và Thanh tra Chính phủ trong những năm gần đây, khẳng định, tham nhũng đất đai là một trong những hình thức tham nhũng phổ biến nhất ở Việt Nam. Đó là tình trạng các giới chức các địa phương giao đất công cho tư nhân, thực hiện các dự án không đúng quy định, để trục lợi.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khi tiếp xúc cử tri ở Đà Nẵng, hồi cuối tháng 4/2023, đã công khai thừa nhận rằng, “… tham nhũng, tiêu cực trong chính sách đất đai thời gian qua diễn ra rất nhiều và phức tạp”.
Theo ông Võ Văn Thưởng, có nhiều quan chức, trong đó có cả bí thư tỉnh ủy, chủ tịch ở các tỉnh, thành, như: thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Thanh Hóa… đã bị kỷ luật, truy tố vì các vi phạm về đất đai trong thời gian qua.
Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa 13 (5/2022), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, trong phát biểu khai mạc, đã thừa nhận rằng, nhiều người trong nước giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất; thậm chí có người đi tù vì đất…, mất cả tình nghĩa cha con, anh em, đồng chí cũng vì đất.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là… nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Đất đai tại Việt Nam, theo Hiến pháp là “thuộc sở hữu toàn dân, nhưng do Nhà nước thống nhất quản lý”. Theo giới chuyên gia, đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng đất đai mất kiểm soát lâu nay.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trước đây đã từng thừa nhận, sở hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam là một khái niệm chưa được định nghĩa rõ ràng. Chưa ai định nghĩa đất đai là sở hữu công cả. Nhà nước cứ tự nói nó là sở hữu công chứ có phải thế đâu. Theo Giáo sư Võ, phải đưa ra một cái định nghĩa về sở hữu công là như thế nào, bởi có chữ “toàn dân”, nghĩa là có dân trong đó. Mà có dân ở đấy thì vai trò của người sử dụng đất được xác định như thế nào?
Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua, có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong những năm gần đây, có đến 98% đơn khiếu nại mà Bộ này nhận được thuộc về lĩnh vực đất đai.
Thực tế đã cho thấy, những vụ khiếu kiện đất đai kéo dài dai dẳng suốt nhiều chục năm qua, mấu chốt là vì mức đền bù quá rẻ mạt. Đó là lý do nảy sinh các điểm nóng, như Đồng Tâm, Thủ Thiêm, Dương Nội v.v… Từ đó đã tạo ra một đội ngũ dân oan đông đảo, mà nhà nước giải quyết không triệt để, gây phẫn nộ đối với người dân.
Do đó, việc đòi hỏi Quốc hội phải bàn về Luật Đất đai sửa đổi, theo hướng phải công nhận quyền tư hữu về đất đai, là vấn đề cấp bách. Không chỉ để đảm bảo quyền lợi cho số đông dân chúng, mà còn ngăn chặn lợi ích nhóm của các doanh nghiệp, do các quan chức cấp cao chống lưng./.
Trà My – Thoibao.de