Mặt trận hóa “mặt dày”, cắn 110 tỷ của nạn nhân hóa than, bao giờ mới nhả?

Khi bà Nguyễn Phương Hằng livestream moi chuyện làm từ thiện của nghệ sĩ Hoài Linh, thì lúc đó mới lòi ra việc nghệ sĩ này gom 14 tỷ đồng của các mạnh thường quân, nhưng không phát đồng nào cho nạn nhân lũ lụt. Sau đó, ông nghệ sĩ này mới thực hiện việc phát quà qua loa, như là cách chữa cháy, đối phó dư luận. Tuy nhiên, cách làm này không có ý nghĩa. Bởi lúc nạn nhân cần tiền nhất thì ông nghệ sĩ này đã không hành động.

Việc các nghệ sĩ kêu gọi từ thiện rồi ỉm đi, hoặc phát chiếu lệ, đã làm mất lòng tin của các mạnh thường quân. Chính những hành động trục lợi đấy đã khiến các nhà hảo tâm chùn tay, và nạn nhân thực sự là người chịu thiệt thòi nhất.

Có người nhìn thấy cơ hội làm giàu từ việc kêu gọi từ thiện, thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng nhìn thấy. Từ trước đến nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn là cơ quan nhân danh nhà nước để tiếp nhận tiền từ thiện từ các mạnh thường quân. Tuy nhiên, họ để lại quá nhiều tai tiếng, từ việc ăn chặn một vài gói mì tôm cho đến việc tham nhũng hàng tỷ đồng.

Sau khi các nghệ sĩ làm từ thiện gây mất niềm tin cho các nhà hảo tâm, thì các nhà hảo tâm quay trở lại gửi gắm niềm tin vào Mặt trận Tổ quốc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Mặt trận Tổ quốc không học được bài học nào từ quá khứ. Họ tiếp tục trục lợi dưới sự bảo kê của pháp luật.

Theo Khoản 3 Điều 5 của Nghị định 64/2008/NĐ-CP về việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện, hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo có quy định như sau:

“Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được các ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép. Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.”

Đây là một nghị định giúp các tổ chức Mặt trận, từ Trung ương đến địa phương, được phép lùa hết gà vào chuồng của chính mình. Mọi nguồn quyên góp đều được nhà nước Cộng sản luật hóa, để tiền đổ về cho Mặt trận Tổ quốc. Còn đơn vị này phân phát như thế nào thì không ai có thể kiểm chứng được.

Sau trận hỏa hoạn ngày 12/9 xảy ra tại một chung cư mini ở phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội, làm 56 người chết, Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội đã gom được 110 tỷ đồng, hỗ trợ cho nạn nhân. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là, đến nay, Mặt trận vẫn chưa phát cho nạn nhân đồng nào. Lý do vì sao?

Có ý kiến đề xuất là, nếu chưa giải ngân được, thì cũng nên tạm ứng cho mỗi hộ 100 triệu đồng để họ vượt qua những khó khăn trước mắt. Từ hơn 110 tỷ đồng này, có thể chia hơn 2,4 tỷ đồng cho mỗi hộ, trong số 45 hộ, để họ mua nơi ở mới. Đây là việc làm thiết thực nhất. Nhưng, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội lại không làm.

Tại sao cứ mãi viện những lý do như “thủ tục”? Trong khi, thủ tục là do chính con người tạo ra. Chỉ có vì muốn giam tiền lại, thì mới cố tình tạo ra hàng rào thủ tục rắc rối, phiền nhiễu.

Đến nay, đã 45 ngày trôi qua kể từ vụ cháy, tổ chức này vẫn chưa chịu nhả tiền. Sau khi báo chí đồng loạt lên tiếng mạnh mẽ, thì mới đây, họ chỉ nhả ra số tiền rất nhỏ, chỉ 6 tỷ đồng, chiếm 5% tổng số tiền mà Mặt trận đang giữ. Cách chi mang tính đối phó dư luận.

Số tiền 110 tỷ là số tiền do cả xã hội đóng góp, những mong giúp các gia đình nạn nhân sớm ổn định cuộc sống. Nhưng nay lại rơi vào tay của Mặt trận thì không biết khi nào mới đến được tay nạn nhân, chưa kể có bị xà xẻo, hao hụt hay không.

Để làm từ thiện bằng cái tâm trong xã hội Việt Nam là điều rất khó. Mà khó là chuyện bình thường, vì sẽ bị nhà nước ngăn cản, để lùa vào tay Mặt trận Tổ quốc. Cho nên, nếu có ai còn tin cái gọi là Mặt trận Tổ quốc, thì cũng nên xem lại cái tổ chức này. Bởi tiền rơi vào đó không ai kiểm soát được. Nếu tin tưởng, giao tiền vào tay tổ chức này thì cũng chỉ để nuôi cho các quan tham trong tổ chức này béo thân mà thôi.

Ý Nhi – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023