Quy trình nhân sự của Đảng

Link Video: https://youtu.be/rNAUMSxOe20

Ngày 19/10, RFA Tiếng Việt có bài phỏng vấn Giáo sư Carlyle Thayer ở Trường Khoa học Xã hội Nhân văn, Đại học UNSW Canberra, Úc, về cách thức Đảng Cộng sản Việt Nam chọn nhân sự kế cận. Bài viết với tựa đề “Ông Trọng chọn người kế cận thế nào?”

Giáo sư Carlyle Thayer cho biết, trên cương vị Tổng Bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng có trách nhiệm bồi dưỡng, tiến cử người kế nhiệm. Với tư cách là Trưởng ban Nhân sự, ông Trọng cũng xác định quy mô của Ban Chấp hành Trung ương mới, cơ cấu tuổi, và thành phần theo “khối” hoặc ngành. Ngoài ra, ông Trọng còn xác định cơ cấu của chính quyền cấp tỉnh và địa phương, cán bộ giữ các chức vụ trong Chính phủ Trung ương và các cơ quan Trung ương, quân đội, công an và các lĩnh vực khác.

Người đứng đầu Tiểu ban Nhân sự sẽ chủ trì các cuộc họp của Tiểu ban, để đánh giá xem, những người được đề cử vào các vị trí trong Ban Chấp hành Trung ương có đáp ứng các yêu cầu thiết yếu do Điều lệ và quy định của Đảng đặt ra hay không. Họ cũng có trách nhiệm đảm bảo việc chọn người sẽ đáp ứng các chỉ tiêu về đại diện ngành và độ tuổi.

Sau khi Tiểu ban Nhân sự thông qua, những đề xuất nhân sự đó phải được Bộ Chính trị chuẩn y, rồi trình Ban Chấp hành Trung ương phê duyệt. Ban Chấp hành Trung ương có tiếng nói cuối cùng.

Những người được đề cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa tiếp theo, phải nhận được ít nhất năm mươi phần trăm cộng với một phiếu bầu. Tháng 11/2020, Ban Chấp hành Trung ương từng bác bỏ việc Tổng Bí thư đề cử ông Trần Quốc Vượng làm người kế nhiệm.

Tuy nhiên, tiếng nói cuối cùng vẫn thuộc về các đại biểu dự Đại hội 14 của Đảng.

Giáo sư Carlyle Thayer dẫn lại Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2021. Mỗi đại biểu khi đó được phát một danh sách tất cả các ứng cử viên đã được Ban Chấp hành Trung ương sắp mãn nhiệm phê duyệt, để bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới. Danh sách này được chú thích chi tiết về vị trí mà ứng cử viên sẽ đảm nhiệm, nếu được bầu.

Hình: Bài phỏng vấn Giáo sư Carlyle Thayer trên RFA

Tại Đại hội không có hoạt động vận động tích cực của cá nhân, và các đại biểu không được đề cử bất kỳ ứng cử viên mới nào vào danh sách đã được thông qua. Đồng thời, cuộc bỏ phiếu là bí mật.

Sau khi Ban Chấp hành Trung ương mới được bầu, Ban Chấp hành mới này sẽ tổ chức phiên họp toàn thể đầu tiên vào ngày cuối cùng của Đại hội, để bầu Bộ Chính trị mới. Sau đó, họ bỏ phiếu xem thành viên Bộ Chính trị nào sẽ làm Tổng Bí thư.

Theo Giáo sư Carlyle Thayer, các đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc chỉ có tác động không đáng kể đến thành phần ban lãnh đạo mới. Họ được quyền lựa chọn nhiều ứng cử viên hơn số lượng cần thiết để phục vụ trong Ban Chấp hành Trung ương. Kết quả cuối cùng chỉ khác một chút so với hạn ngạch đặt ra cho giới tính, độ tuổi và khối ngành cho Ban Chấp hành Trung ương mới.

Nhóm ứng cử viên cho “tứ trụ” lãnh đạo – gồm Tổng Bí thư Đảng, Thủ tướng, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội – phải phục vụ một nhiệm kỳ 5 năm trong Bộ Chính trị mới đủ tiêu chuẩn.

Chính Bộ Chính trị mới sẽ quyết định ai sẽ được đề cử vào Quốc hội để phê chuẩn làm Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.

Giáo sư Carlyle Thayer cho biết thêm, ông Nguyễn Phú Trọng sắp kết thúc nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ, và rất có thể sẽ nghỉ hưu tại Đại hội toàn quốc lần thứ 14.

Ông Trọng muốn để lại di sản của mình cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc ông được đề cử vào chức vụ Trưởng Tiểu ban Nhân sự cũng như Trưởng Ban Văn kiện cho thấy, ông được đa số ủng hộ trong Ban Chấp hành Trung ương. Xây dựng Đảng, chống tham nhũng và chống các hiện tượng tiêu cực sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu của thế hệ cán bộ Đảng tiếp theo.

Xuân Hưng

>>> Nga tuyển mộ một cựu chiến binh IS như thế nào

>>> Xách mai thúy được tha, tập mô tô thì tóm. Ngọc Trinh bị Tướng Nam biến thành “chân dài oan”!

>>> Hãng xe điện hấp hối, dùng thuốc ông Vượng, chuyển sang “từ trần”

>>> Quốc hội Việt Nam đã đánh mất vai trò cơ quan lập pháp theo hiến định như thế nào?

Một quỹ đầu tư của Mỹ cam kết mua 1 tỷ cổ phiếu của VinFast

Kasse animation 7.8.2023