Lạm thu trong trường học dưới vỏ bọc “tự nguyện” – một gánh nặng cho phụ huynh học sinh

 

Vào những dịp khai giảng năm học mới, các vị phụ huynh học sinh ở Việt Nam lại phải oằn mình với các khoản chi phí quá lớn phải nộp. Ngoài các khoản học phí theo quy định của nhà nước, các bậc phụ huynh còn phải đóng thêm các khoản theo yêu cầu của nhà trường và hội phụ huynh học sinh, dưới danh nghĩa “tự nguyện” với số tiền không nhỏ, thậm chí là rất lớn.

Đó là các khoản như: tiền quỹ ban phụ huynh, tiền xây dựng sửa chữa trường lớp, bổ sung đèn chiếu sáng, mua sắm điều hòa v.v… Ðể hợp thức hóa, không ít cơ sở giáo dục đã có những “quy định ngầm” dưới hình thức thu “tự nguyện”.

Mới nhất, ngày 29/9, báo Dân Trí có bài viết “Chịu hết nổi đóng góp “tự nguyện”, mẹ dắt con ra khỏi trường công”. Theo đó, “trải nghiệm nhiều khoản tiền “tự nguyện” trong trường học đến mức mệt mỏi, chán ghét, chị M.D. quyết định chuyển con sang trường tư”.

Dư luận xã hội thấy rằng, các khoản thu này là gánh nặng cho nhiều gia đình, đặc biệt là người lao động nghèo. Mặc dù biết nhiều khoản thu là không hợp lý, nhưng với tâm lý sợ ảnh hưởng đến con cái, nhiều phụ huynh vẫn phải nhắm mắt đi vay mượn với lãi suất cao để đóng góp.

Sau một vài năm lạm thu, bản thân các trường cũng thấy việc thu tiền của học sinh là khó coi, nên đã đưa ra biện pháp để đối phó, là nhờ ban phụ huynh học sinh “thu tiền hộ” nhà trường. Từ khi để cái ban phụ huynh này “thu tiền hộ”, thì việc thu tiền càng “thoải mái”, vì hiệu trưởng và nhà trường hoàn toàn chẳng có trách nhiệm gì. Dù rằng ai cũng biết, ban phụ huynh muốn thu bao nhiêu và thu vào các khoản gì, đều phải thông qua và được hiệu trưởng đồng ý.

Đánh giá về tình trạng lạm thu trong các trường học hiện nay, một chuyên gia thuộc Viện Khoa học Giáo dục đã nghỉ hưu, từ Hà nội, không muốn nêu danh tính, cho thoibao.de biết: “Trong mấy năm gần đây, với chủ trương xã hội hóa giáo dục, việc lạm thu tràn lan đã tới mức không thể kiểm soát nổi. Điều đáng nói là việc các hội cha mẹ học sinh đứng ra thu tiền dưới hình thức vận động, nhưng lại là tự nguyện một cách bắt buộc”.

Vị này còn cho biết thêm, “Giáo viên cũng chỉ được hưởng chút ít trong quỹ hội cha mẹ học sinh thôi. Còn ban giám hiệu nhà trường hưởng nhiều nhất, ai tham gia vào những công việc này thì người đó hưởng lợi. Thường là ban giám hiệu và các nhân viên kế toán, thủ quỹ.”

Trong khi đó, chủ trương của Bộ Giáo dục và lãnh đạo các trường luôn ủng hộ việc thu tiền học sinh. Họ lý giải rằng, việc thu thêm các khoản là cần thiết, với mục đích nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy vậy, đa số các giáo viên còn có tâm với sự nghiệp “trồng người” thì cho rằng, đó là việc không nên làm, vì sẽ làm xấu đi hình ảnh của nhà trường.

Trả lời câu hỏi cần có biện pháp nào để hạn chế và dần tiến tới chấm dứt tình trạng lạm thu trong các trường học hiện nay, vị chuyên gia giáo dục khẳng định:

“Kể từ năm học 2011 – 2012, Bộ Giáo dục ban hành quy định cấm thu tiền “xây dựng trường” và cấm thu tiền “trái tuyến”, cũng như các điều lệ dành cho ban đại diện phụ huynh học sinh, để ngăn ngừa tình trạng lạm thu núp bóng danh nghĩa hội phụ huynh. Nhưng tình trạng lạm thu tại các trường công lập vẫn không ngăn chặn được, là do chủ ý của ban giám hiệu nhà trường”.

Nói về giải pháp, vị này khẳng định, “Vô cùng đơn giản. Chỉ cần cách chức ngay lập tức hiệu trưởng, khi xác minh có tình trạng này trong nhà trường do ông ta phụ trách. Chỉ cần cách chức một ông thì trật tự được lập lại ngay. Nhưng khổ nỗi cấp trên không dám cách chức, vì sao thì ai cũng đã rõ.”

Vấn đề công luận hiện quan tâm là, trong thực tế, những khoản thu được nói là “tự nguyện”, nhưng nếu học sinh không đóng theo yêu cầu, thì sẽ bị nhà trường gây khó dễ, thậm chí là kỷ luật.

Điều đó đã khiến nhiều người hoài nghi, đặt ra câu hỏi: Liệu môi trường giáo dục Việt Nam đã bị biến thành một môi trường kinh doanh, nhằm trục lợi cho một số cá nhân trong ngành giáo dục, mà cha mẹ học sinh là những miếng mồi ngon của họ./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023