Trung Quốc hãy ra khỏi lãnh hải Việt Nam

Link Video: https://youtu.be/wwiQZ9jYXa4

Ngày 26/5, RFA Tiếng Việt đăng tải bài “Trung Quốc hãy mang 4 tốt 16 vàng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam” của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc.

Tác giả cho biết, ngày 25/5 người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông, thì ngay sau đó, ngày 26/5 Trung Quốc nói, tàu khảo sát của họ hoạt động hợp pháp và có quyền tài phán.

Tác giả nhắc lại Phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế vào tháng 7/2016. Một trong những nội dung quan trọng trong Phán quyết của Tòa là bác bỏ “quyền lịch sử của Trung Quốc đối với tài nguyên trong đường 9 đoạn”…

Theo tác giả, phía Trung Quốc vẫn luôn nhai đi nhai lại những luận điệu cũ. Theo đó, Trung Quốc cho rằng, họ “xưa nay đều có chủ quyền không thể tranh cãi” đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Họ viện dẫn việc Nhật Bản từng chiếm đóng Trung Quốc trong Thế chiến Thứ 2, sau đó, trong văn kiện trao trả lãnh thổ cho Trung Quốc, đã liệt kê cả quần đảo Nam Sa.

Thậm chí, Trung Quốc cho rằng, “Trước năm 1975, Việt Nam đã rõ ràng công nhận Trung Quốc có chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Nam Sa”.

Tác giả Đinh Kim Phúc đặt vấn đề: Sự thật lịch sử như thế nào?

Tác giả cho biết, năm 1945, Nhật Bản bại trận và đầu hàng, vì vậy phải từ bỏ tất cả các đất đai ở nước ngoài mà họ đã chiếm đóng, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trung Quốc lần đầu tiên lên tiếng về vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo này vào ngày 19/5/1949, cho rằng, 2 quần đảo này là của họ. Trước đó 2 ngày, ngày 17/5/1949, Tổng thống Philippines Quirino tuyên bố, vì quần đảo Trường Sa ở kế cận quần đảo Philippines nên nó phải thuộc về Philippines.

Hình: Bài trên RFA

Tuy nhiên, tác giả cho biết, Trung Quốc chỉ nói chứ không đưa ra được một bằng chứng nào, dù là lịch sử hay pháp lý, cho thấy Trường Sa thuộc quyền Trung Quốc làm chủ.

Đến cuối năm 1950, chuẩn bị cho Hội nghị Hòa bình do Hoa Kỳ chủ trì nhóm họp vào tháng 9/1951 tại San Francisco, nhằm chấm dứt tình trạng chiến tranh và tái lập bang giao với Nhật Bản, Hoa Kỳ đã mời 51 quốc gia từng liên quan đến cuộc chiến chống xâm lược Nhật Bản, từ năm 1939 đến năm 1945. Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Đài Loan đều không được mời. Vì thấy mình bị Hoa Kỳ gạt ra ngoài Hội nghị, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã có phản ứng. Họ lên án việc không mời Trung Quốc tham dự Hội nghị này, để trình bày quan điểm của Trung Quốc về một số vấn đề cần phải được thảo luận, trong đó có vấn đề chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tác giả cho hay.

Vẫn theo tác giả, khi nghiên cứu Dự thảo Hòa ước San Francisco gửi cho các quốc gia được mời tham dự Hội nghị, Chính phủ Trung Quốc thấy Điều 2 của bản Dự thảo này không quy định là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Nhật Bản từ bỏ phải được trao cho quốc gia nào.

Vì thế, ngày 15/8/1951, Chu Ân Lai, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc lúc đó, đã tuyên bố:

“… cũng như các quần đảo Nam Sa, quần đảo Trung Sa và quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa và đảo Nam Uy lúc nào cũng là lãnh thổ của Trung Quốc.”

Trong tuyên bố này, theo tác giả, Chu Ân Lai cũng không nêu ra một chi tiết nào để chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo này. Thứ hai, bản tuyên bố này, cũng như các bản tuyên bố khác sau này của Trung Quốc, và cả của Ðài Loan, đã đề cập tới việc Chính phủ Trung Hoa thu hồi Hoàng Sa và Trường Sa sau khi Nhật Bản đầu hàng vào tháng 8 năm 1945. Tuy nhiên, điều này không đúng sự thật.

Hình: Hải đăng Việt Nam trên đảo Hoàng Sa từ thời Pháp thuộc

Tác giả cho biết, Bản Tuyên cáo Cairo và Tuyên ngôn Potsdam mà Trung Quốc coi là bằng chứng quốc tế công nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Trung Quốc, thực tế hoàn toàn không đề cập tới vấn đề hoàn trả cho Trung Quốc hai quần đảo này. Các văn kiện này chỉ đề cập đến việc “trục xuất” quân Nhật đang chiếm đóng, khỏi những quần đảo này mà thôi.

Trong khi đó, theo tác giả, tại Hội nghị San Francisco, ngày 7/9/1951, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần văn Hữu, Trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam, đã lên tiếng tái xác định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước 51 phái đoàn ngoại giao, đại ý như sau:

Chúng tôi xác nhận chủ quyền của chúng tôi trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đã luôn luôn từ xưa thuộc lãnh thổ Việt Nam”.

Lời tuyên bố đó đã được Hội nghị San Francisco long trọng ghi vào biên bản và trong tất cả 51 phái đoàn, không có một phái đoàn nào phản đối.

Tác giả kết luận, tất cả các vấn đề trên là quá rõ ràng, những luận cứ và luận chứng mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra trong vấn đề hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa, chỉ có thể lừa được một số người, chứ không thể phủ nhận được các văn kiện của Bản Tuyên cáo Cairo, Thỏa ước Yalta, bản Tuyên ngôn Potsdam và sự thật lịch sử. Chính phủ Trung Quốc hãy chấm dứt ngay mọi hành động xâm lược lãnh thổ của Việt Nam.

Hình: Truyền thông Việt Nam phân tích về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa theo Tuyên cáo Cairo

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Tiến triển mới trong vụ án cô giáo Lê Thị Dung

>>> Dư luận phản đối đề xuất bù lỗ cho ngành điện của ông Nguyễn Thiện Nhân

>>> Cấm cán bộ gặp dân ngoài trụ sở có chống được tham nhũng?

Phải chăng Đảng muốn quay lại thời kỳ toàn trị sau 1975?


Kasse animation 7.8.2023