Tiếc nuối sách cổ quý giá bị mất và hư nát tại Viện Hán Nôm

Link Video: https://youtu.be/vJYoA5s_k1E

Viện Nghiên cứu Hán Nôm vừa phải đối mặt với một vụ mất cắp lớn số sách cổ vào giữa tháng 3 vừa qua. Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, một nghiên cứu viên cao cấp tại Viện này cho biết, những cuốn sách đã mất là các cổ vật quý giá về lịch sử, văn hóa và khoa học, với tuổi đời trên trăm năm. Đây là thông tin mới nhất được đăng trên trang BBC Tiếng Việt ngày 13/4.

Đây là vụ mất sách lớn nhất trong vòng 53 năm kể từ ngày thành lập Viện. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là hàng trăm cuốn sách khác cũng bị hư hỏng, không thể phục hồi.

Sự việc này đã gây ra sự lo ngại và bức xúc lớn trong giới sử học. Bởi di sản Hán Nôm là những tài liệu vô giá, không thể thay thế được, như bản in năm 1729 của ‘Việt âm thi tập‘ và ‘Hoàng Việt địa dư chí‘ liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Kho sách cổ Hán Nôm này được giao cho Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam giữ gìn, bảo quản và Viện Nghiên cứu Hán Nôm trực tiếp được giao quản lý.

Tiến sĩ Xuân Diện cho biết, trong số những cuốn sách bị mất có 4 cuốn Toàn Việt thi lục . Toàn Việt thi lục là bộ sách lớn do nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 – 1784) sưu tập và biên soạn, theo lệnh của nhà vua; hoàn thành năm Mậu Tý (1768), dâng lên vua Lê Hiển Tông ngự lãm, nhưng chưa được khắc in. Với quy mô đồ sộ tới 2.303 bài thơ của 173 tác giả từ thế kỷ X đến thế kỷ XVI, với số lượng văn bản còn lại lớn nhất (trên 11.000 trang nguyên bản, kể cả các dị bản), đến nay bộ sách Toàn Việt thi lục chưa từng được biên dịch, công bố toàn bộ. Là sách viết tay, bộ sách là kho báu của nền văn hoá dân tộc Việt Nam, đỉnh cao về quy mô sưu tập và tính khoa học. Toàn Việt thi lục là một tài liệu hết sức quý để nghiên cứu văn hiến Việt Nam. “Toàn Việt thi lục” chuyển tải thông điệp, hồn cốt, tình tự, khí phách, tiếng lòng của cổ nhân tới hậu thế.

Một cuốn sách cổ vô cùng quý giá khác cũng bị mất, đó là Việt âm thi tập (Tập thơ ghi lại âm thanh của nước Việt). Đây là tuyển tập thơ viết bằng chữ Hán do Nhà sử học Phan Phu Tiên (1370 -1462) và Thị Ngự sử Chu Xa (1407 – ?) kế tục biên soạn. Đây là tuyển tập thơ đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Bản sách này mang ký hiệu kho là A.1925 là bản in, độc bản (không có bản thứ 2) và có tuổi đời là 293 năm. Đây chính là bản in năm Bảo Thái thứ 10 (1729). Trong Từ điển Văn học Việt Nam – Bộ Mới, đặt riêng một mục là Việt âm thi tập, khẳng định thi tập này: “Đó là niềm tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống văn hóa, nhất là về tiếng nói đặc sắc mang vẻ đẹp và tâm hồn con người Việt Nam… Ngày nay, có thể nói hầu như thơ ca của số lớn nhà văn ở thời đại Lý – Trần và đầu đời Lê còn giữ lại được, không bị mất đi, cũng là nhờ Việt âm thi tập“.

Hình: Bài trên BBC

Sách Nam Việt thần kỳ hội lục, A.761 cũng bị mất, là bản viết tay, độc bản. Sách này được soạn theo lệnh Vua Gia Long, có lai lịch sắc phong bài vị 1269 vị thần được thờ phụng ở miền Bắc.

Sách Hoàng Việt địa dư chí  (A.1475) bản viết tay. Tác giả là nhà bác học Phan Huy Chú.

Sách về Địa lí Việt Nam thời Nguyễn, gồm các trấn Thuận Hoá, Biên Hoà, Hà Tiên, Phiên An, Vĩnh Thanh, Định Tường, Hà Nội, Nam Định, Bắc Ninh, Sơn Tây, Hải Dương, Quản Yên, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thanh Hoá và Nghệ An. Mỗi trấn đều có ghi vị trí, giới hạn thổ sản dân sinh, núi sông, danh thắng, phong tục, di tích, số phủ, châu, huyện của từng trấn, tên đất thay đổi qua các đời… Bản sách này liên quan trực tiếp đến chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo Tiến sĩ Xuân Diện, việc mất đi những cuốn sách cổ này là một mất mát đáng tiếc của nền văn hóa Việt Nam. Những tác phẩm này là những kho báu quý giá chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử và tri thức của dân tộc.

Hàng trăm cuốn sách cổ bị hư hỏng ở nhiều cấp độ khác nhau tại Viện Hán Nôm, trong đó hơn một trăm cuốn đã nát vụn, không thể phục chế. Mỗi cuốn sách bị mất được đặt trong một hộp giấy rất cứng và có mã vạch để đánh dấu. Theo nhận định ban đầu của Tiến sĩ Diện, kẻ gian có kiến thức sâu rộng về kho sách và biết rõ vị trí của các cuốn sách này. Kẻ gian lấy sách cổ và bỏ lại các hộp giấy này tại vị trí cũ, điều này làm cho việc phát hiện vụ việc trở nên khó khăn hơn.

Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã lên kế hoạch xử lí vấn đề một cách công khai, minh bạch và xác định rõ trách nhiệm của các tập thể và cá nhân liên quan, theo VOV.

Ông Diện, một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện Hán Nôm, cho biết, ông cảm thấy rất đau xót vì hàng trăm cuốn sách cổ này đã được bảo quản an toàn qua bao cuộc chiến tranh, cả người Pháp lẫn người Việt đã dành nhiều công sức và tiền bạc để giữ gìn những kho sách này đến ngày nay.

Quang Minh Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Phong trào phản kháng ở Việt Nam quá yếu ớt và thất bại

>>> Phiên tòa xét xử kín với blogger Nguyễn Lân Thắng: Luật sư nhân quyền cho rằng chính quyền muốn né tránh quan chức ngoại giao

>>> Nhà đầu tư nước ngoài e ngại về sự bất ổn chính trị của Việt Nam

>>> Hàng thực phẩm Việt Nam có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá tiêu chuẩn

Khả năng Việt – Mỹ sẽ nâng tầm quan hệ và Trung Quốc sẽ không hài long


Kasse animation 7.8.2023