Nhà văn Vũ Thư Hiên đã trở về nhà

Link Video: https://youtu.be/kVji_87sLZ4

Ngày 28/12, một số facebooker nổi tiếng đã đưa tin: Nhà văn, nhà bất đồng chính kiến Vũ Thư Hiên đã về đến Việt Nam sau gần 30 rời xa quê nhà.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập đưa tin ngắn gọn:

Đêm giữa ban ngày, ngày giữa ban đêm

Vui mừng đón Vũ Thư Hiên về nhà

Và kèm theo status đó là một tấm hình nhà văn Vũ Thư Hiên chụp cùng người thân tại Sài Gòn.

Luật sư Hồ Minh Kính thì có hẳn một status dài kể về cuộc hội ngộ thân tình giữa luật sư và những người bạn, với nhà văn Vũ Thư Hiên. Cuộc gặp xúc động diễn ra ở gần Nhà thờ Đức Bà, quận 1, trung tâm Sài Gòn.

Hình: Nhà văn Vũ Thư Hiên bên người thân ở Sài Gòn

Nhà văn Vũ Thư Hiên sinh năm 1933, đến nay đã gần 90 tuổi. Ông là tác giả cuốn hồi ký nổi tiếng “Đêm giữa ban ngày”, nhờ cuốn hồi ký này của ông và một số tác phẩm của những người cựu Cộng sản khác, mà người Việt Nam mới biết đến những chiêu trò độc ác, tàn nhẫn, bẩn thỉu của Cộng sản, đằng sau tấm màn sắt. Từ đó, nhiều người đã thức tỉnh.

Đêm giữa ban ngày” kể về “Vụ án Xét lại chống Đảng” – một vụ án mà người Cộng sản đàn áp người Cộng sản, xảy ra trong 2 thập niên 1960 và 1970. Bản thân nhà văn và cha của ông đều là nạn nhân trong vụ án này.

Nhà văn Vũ Thư Hiên là con của các cụ Vũ Đình Huỳnh và Phạm Thị Tề. Cả hai cụ đều là thành viên của Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cụ Vũ Đình Huỳnh từng là thư ký riêng của ông Hồ Chí Minh. Gia đình cụ từng là cơ sở nuôi dấu cán bộ Cộng sản từ thời Pháp thuộc, thời mà chế độ Cộng sản gọi là “Tiền Khởi nghĩa”. Họ từng có quan hệ mật thiết với nhiều lãnh đạo chóp bu trong chính quyền Cộng sản thế hệ đầu tiên. Thế nhưng, khi có sự mẫu thuẫn về quan điểm chính trị, những vị lãnh đạo Cộng sản – những người từng được ca tụng như thánh nhân – vẫn không tha cho những người từng là đồng chí, đồng đội của họ. Trong “Vụ án Xét lại”, cụ Vũ Đình Huỳnh bị bắt và biệt giam 5 năm, từ 1967 đến 1972, sau đó bị quản chế thêm 3 năm ở quê nhà Nam Định, đến năm 1975 mới cho về với gia đình ở Hà Nội. Trong suốt quá trình này, không có một lệnh bắt, lệnh giam giữ, không có một tòa án nào xét xử… tất cả đều là lệnh miệng từ những người lãnh đạo cấp cao.

Hình: Nhà văn Vũ Thư Hiên, nhà báo Lưu Trọng Văn và luật sư Hồ Minh Kính

Không những vậy, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn bắt cả người con là nhà văn Vũ Thư Hiên, sau khi bắt người cha 2 tháng. Ông Hiên bị bắt theo hình thức bắt cóc, khi ông đang đạp xe đạp trên phố Hà Nội để trở về nhà. Rất lâu về sau, gia đình ông mới biết tin. Ông bị giam giữ 9 năm, trải qua các nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), Bất Bạt (Sơn Tây), Tân Lập (Phú Thọ) và Phong Quang (Hoàng Liên Sơn). Tại Hỏa Lò, ông bị nhốt trong xà lim cá nhân 4 năm rưỡi, không liên lạc, không gặp gỡ ai. Giống như cha mình, từ khi bắt vào năm 1967 đến lúc thả ra năm 1976, chính quyền không hề có lệnh bắt, lệnh giam giữ, cũng như không hề đưa ông ra xét xử. Bắt lúc nào và thả lúc nào hoàn toàn do ý muốn của họ quyết định.

Sau khi ra tù, nhà văn vẫn tiếp tục bị quản chế bằng lệnh miệng của chính quyền, mãi tới năm 1980 mới cho phép ông vào Nam. Năm 1993, ông sang Nga với tư cách là phiên dịch cho một công ty xuất nhập khẩu rồi ở lại Moskva làm việc. Trong thời gian ở Nga, ông đã viết cuốn hồi ký “Đêm giữa ban ngày”, kể về 9 năm tù tội của mình, về những tình tiết liên quan vụ án, cũng như những mối quan hệ trong chính quyền Cộng sản.

Hình: “Miền thơ ấu” – một tác phẩm của nhà văn Vũ Thư Hiên trước khi bị bắt

Đến cuối năm 1995, ông bị một nhóm mật vụ Việt Nam tấn công, vì vậy, ông tìm cách đi sang Ba Lan rồi tỵ nạn chính trị tại Pháp. Tháng 4/1997, hồi ký “Đêm giữa ban ngày” của ông được Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương ở Hoa Kỳ xuất bản lần đầu. Tác phẩm này mang tính phản tỉnh rất lớn, bởi nó được viết từ chính một người xuất thân từ một gia đình đại công thần của chế độ. Cũng vì vậy mà nó lột trần hết bộ mặt dơ dáy của những kẻ luôn tỏ ra đạo mạo, luôn tự tung hô là thần thánh.

Đến năm 2019, người Việt Nam lần đầu tiên có được bản in tác phẩm này do Nhà xuất bản Tự Do – một nhà xuất bản không kiểm duyệt – tái bản. Tuy nhiên, những cuốn sách này vẫn luôn bị chính quyền Cộng sản truy lùng khắp nơi.

Ở tuổi gần đất xa trời và mang nhiều căn bệnh hiểm nghèo trong người, nhà văn Vũ Thư Hiên cuối cùng đã được trở về bên người thân, trở về với đất nước sau 30 năm lưu lạc. Mừng cho ông và gia đình.

Hình: Từ Paris, Nhà văn Vũ Thư Hiên ký tặng sách cho độc giả của Nhà xuất bản Tự Do

Kim Giang – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Sốc! Ăn đậm hưởng án nhẹ được dùng làm “tấm gương giáo dục”, xã hội thời mạt pháp

>>> Dự trữ xăng dầu quốc gia chỉ đủ dùng 7 ngày, an ninh năng lượng có được bảo đảm?

>>> Phản bội khách hàng tiên phong, VinFast đang tự thít cổ chính mình

Ngân hàng Nhà nước mua đô la để tăng dự trữ ngoại hối và những chỉ số kinh tế cuối năm


Kasse animation 7.8.2023