Vì sao lò của ông Tổng đốt mãi vẫn không hết củi?

Link Video: https://youtu.be/lvzHsYvTLQQ

Cụ Tổng tức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng – người được xem là một quan chức thanh liêm nhất trong bộ máy cầm quyền của Đảng. Cụ đã khởi xướng một chiến dịch vĩ đại từ năm 2013 đến nay, được gọi là “Chiến dịch đốt lò” nhằm trong sạch hoá bộ máy lãnh đạo của Đảng và củng cố lòng tin của dân chúng đối với Đảng.

Cụ Tổng dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn rất kiên trì đốt lò. Lò của cụ đã ném vào cả những con sâu đại bự như Đinh La Thăng – đương kim Uỷ viên Bộ Chính trị tại thời điểm bị bắt. Cụ kiên cường “không để ai thoát”, đến mức những kẻ đã cao chạy xa bay như Trịnh Xuân Thanh, Hồ Thị Kim Thoa và mới đây theo đồn đoán là bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, dù đã trốn ra nước ngoài cũng bị cụ lôi cổ về cho bằng được, bất chấp việc những hành vi đó là vi phạm luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, dường như chiến dịch của cụ không hiệu quả cho lắm. Dù cụ đã khởi động cái lò của cụ từ 2013, nhưng đến nay vẫn liên tục xảy ra những vụ đại án tham nhũng. Mới đây là những vụ “Chuyến bay giải cứu” hay vụ “Việt Á”, không chỉ một vài con sâu bị bắt mà cả đàn sâu bị hốt vô lò

Hình: Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng

Đánh giá về chiến dịch đốt lò của cụ Tổng, luật gia, nhà báo bất đồng chính kiến Trịnh Hữu Long cho rằng: “Nhà nước pháp quyền sẽ xử lý tham nhũng mà không cần quan tâm đến các phe phái chính trị, còn chiến dịch “đốt lò” của Đảng Cộng sản Việt Nam rõ ràng là một chiến dịch mang tính chất chính trị thuần tuý, chứ không phải là một chiến dịch trấn áp tội phạm gì cả, đó là hai vấn đề rất khác nhau”.

Thật vậy, trong thể chế dân chủ với sự cai trị của nhà nước pháp quyền, việc trấn áp tội phạm tham nhũng là công việc của nhánh tư pháp, cùng với những vị thẩm phán không đảng phái. Khi một quan chức tham nhũng, họ sẽ bị điều tra và đảng của họ không can thiệp vào quá trình này. Những vị lãnh đạo đảng phái không cần phải khởi xướng những chiến dịch chống tham nhũng, mà họ chỉ tập trung vào việc cạnh tranh chính trị trong các kỳ bầu cử.

Trong thể chế dân chủ, quyền lực nhà nước không tập trung vào một đảng, một tổ chức. Các nhánh quyền lực được phân chia rõ ràng và có cơ chế kiểm soát lẫn nhau. Không một đảng nào có đủ quyền lực tuyệt đối để dễ dàng tham nhũng như ở chế độ độc tài. Các đảng chính trị luôn kiểm soát lẫn nhau, đảng cầm quyền đưa ra chính sách và đảng đối lập kiểm soát quá trình thực hiện chính sách, cũng như sự vận hành của bộ máy nhà nước.

Trong thể chế dân chủ, hệ thống tư pháp hoàn toàn độc lập với bộ máy hành pháp và lập pháp. Một vị thẩm phán có thể do một tổng thống đề cử, nhưng vị thẩm phán đó không bị tổng thống khống chế, không bị buộc phải nghe lời tổng thống hay đảng của tổng thống đó, vì tổng thống không có quyền phế truất họ. Vị thẩm phán hoàn toàn tự do làm việc theo đúng lương tâm và chức trách của họ, không chịu sự áp đặt của bất kỳ ai.

Hình: Sơ đồ bộ máy tam quyền phân lập Mỹ

Trong thể chế độc tài Cộng sản thì ngược lại, cả ba nhánh quyền lực nhà nước đều do Đảng Cộng sản nắm giữ. Dù là nhánh quyền lực nào thì cũng phải nhận chỉ thị, chỉ đạo từ Đảng Cộng sản. Các vị trí lãnh đạo cao cấp đều do Bộ Chính trị phê chuẩn, việc bầu bán chỉ là hình thức. Điều nguy hại hơn cả là hệ thống tư pháp không chỉ lệ thuộc đảng mà còn lệ thuộc luôn cả hành pháp và lập pháp. Bởi các vị chánh án, thẩm phán các cấp trực thuộc bộ máy hành pháp theo từng cấp và được bổ nhiệm cũng như có thể bị phế truất bởi cấp hành pháp tương ứng. Như vậy, làm sao có chuyện các vị chánh án, thẩm pháp có thể công tâm khi làm việc và xét xử. Họ chỉ như những con rối để thực hiện theo ý chỉ của Đảng, của lãnh đạo cấp trên của họ. Từ đó, dễ hiểu là chiến dịch “đốt lò” của cụ Tổng chỉ là một chiêu bài nhằm che đậy quá trình đấu đá giữa các phe phái bên trong nội bộ của Đảng Cộng sản mà thôi. Nếu thực sự chống tham nhũng, e rằng toàn bộ bộ máy, không có ai thoát tội.

Ở Việt Nam, từ lâu đã có chuyện thiên hạ râm ran truyền tai nhau về những cái “giá” trên trời cho những “cái ghế” công quyền. Và điều tất nhiên, ai cũng hiểu, một người đã bỏ ra chi phí lớn cho một khoản “đầu tư”, thì tất nhiên sẽ tìm mọi cách “thu lại”. Cứ như thế, bộ máy chính trị Việt Nam đã thối nát mục ruỗng từ trên xuống dưới, dù cụ Tổng có mạnh tay đến thế nào thì cũng không thể diệt trừ hết những bầy sâu nhung nhúc đang sinh sôi nảy nở.

Cách duy nhất để làm trong sạch bộ máy nhà nước là Đảng Cộng sản Việt Nam phải chấp nhận chia sẻ quyền lực với các đảng phái khác, chấp nhận đa nguyên đa đảng và xây dựng một bộ máy tư pháp hoàn toàn độc lập. Nếu không, sớm muộn gì cũng đến ngày mà Đảng không còn sức để lèo lái, để bưng bít và che đậy nữa. Nếu Đảng sớm chấp nhận một tiến trình dân chủ hoá, thì quá trình này sẽ diễn ra nhẹ nhàng cho cả Đảng, cho cả những đảng viên đang nắm quyền lực và cho cả người dân. Tránh xảy ra tình trạng khi những uất ức tích tụ trong dân ngày một lớn, sẽ đến một ngày bộc phát. Lúc đó, sợ rằng kết cục của Đảng sẽ không hơn gì những câu chuyện cách mạng đã từng diễn ra trong lịch sử.

Hình: Những bị cáo trọng vụ tham ô đất vàng ở Bình dương

Nguyễn Trí – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Xăng vẫn thiếu dù Chính phủ đã nhiều lần họp, chỉ đạo và ban hành nghị quyết

>>> Những nạn nhân của SCB – viễn cảnh nào cho họ – “thương quá dân mình”

>>> Chứng khoán: rớt, rớt, rớt… rồi lại rớt – đỏ, đỏ, đỏ… rồi lại đỏ…

Tài liệu mật về Tô Lâm: Nhân vật bí ẩn bên cạnh Tô Lâm bị lộ mặt Ông Tổng giận dữ!


Kasse animation 7.8.2023