Thích Nhất Hạnh và những quan điểm đối chọi khi nói về ông

Link Video: https://youtu.be/iJ2iJ843HdY

Sau khi Thiền sư Thích Nhất Hạnh qua đời, dư luận nổi lên nhiều dòng khen chê khác nhau đối với ông như là một nhân vật lịch sử và có yếu tố chính trị.

PGS Tiến sỹ Nguyễn Phương Mai có bài phân tích về các quan điểm này trên BBC News Tiếng Việt.

Cũng giống như nhiều người Việt không sinh ra ở nước ngoài, tôi đã từng bỡ ngỡ vô cùng khi cái tên Thích Nhất Hạnh nổi tiếng toàn thế giới nhưng chính mình lại chưa từng nghe nói đến trong suốt quãng đời ở quê hương.

Cái tên của ông cũng đem đến nhiều cảm xúc vô cùng khác nhau.

Và người ta từng cho rằng ông là:

Người “ủng hộ cộng sản

Từ một gia đình trung thành với chính quyền miền Nam cũ của Ngô Đình Diệm, họ kể cho tôi rằng sư ông là người kịch liệt phản đối chiến tranh.

Và chính vì tư tưởng phản chiến ấy, nhiều người của chính quyền miền Nam ủng hộ sự can thiệp của quân đội Mỹ căm ghét ông. Cho đến tận bây giờ, sư ông vẫn bị coi là “cộng sản nằm vùng“, “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản“.

Với gia đình người Việt tị nạn này, họ có niềm tin chắc chắn rằng câu chuyện tang thương của mình có “bàn tay của sư ông“. Tuy nhiên, gia đình này cũng phủ nhận lý do sư Ông tham gia phản chiến là vì chính quyền thân Thiên Chúa Giáo của Ngô Đình Diệm đã thẳng tay đàn áp tăng ni phật tử. Họ cho rằng đó chỉ là cái cớ để sư ông kêu gọi lật đổ chính quyền.

Ảnh: Thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng mục sư Martin Luther King trong một cuộc họp báo về chiến tranh Việt Nam ở Chicago vào ngày 31/5/1966.

Một số người nói rằng ông là: Người “ngây thơ chính trị

Cảm xúc thứ hai về sư ông đến từ chính thế hệ con cháu của gia đình tôi nhắc tới ở trên. Đó là những người gốc Việt trẻ tuổi có cơ hội tiếp xúc rộng hơn với thông tin đa chiều và cách nghĩ không còn quá bị ám ảnh bởi quá khứ đau thương.

Trong khuôn viên của một trong những trường ĐH hàng đầu của Mỹ, hai anh em cùng đang làm bằng tiến sĩ mong tôi không nên phán xét cha mẹ họ quá nặng nề.

Đối với những người trẻ như họ, sư ông là một nhân vật tôn giáo có tầm vóc quốc tế, và cũng như nhiều người đã nhận định, có sức ảnh hưởng ngang tầm với đức Đạt Lai Lạt Ma.

Tuy nhiên, sư ông cũng đồng thời là một người “ngây thơ chính trị“. Ông đã bị chính quyền cộng sản của cả ngày xưa lẫn hiện nay ở Việt Nam lợi dụng.

Ngoài nước, họ hài lòng với việc tên tuổi của sư ông nâng tầm hình ảnh Việt Nam trong con mắt thế giới.

Trong nước, họ ngăn cản sự ảnh hưởng của sư ông, báo đài kìm chế đưa tin về các hoạt động của sư ông. Chính vì thế, người trong nước trước đây không mấy ai biết sư ông nổi tiếng ra sao.

Những người trẻ gốc Việt này nhìn thấy sự ngây thơ chính trị của sư ông trong việc “hợp tác” với chính quyền khi trở về giảng đạo, im lặng trước sự can thiệp của chính quyền vào tôn giáo, chính trị hóa tôn giáo, cản trở tự do tôn giáo. Điều này đối lập hoàn toàn với hình ảnh của sư ông hồi trước năm 75.

Một số người cho rằng ông là: Người tu hành phi chính trị

Ảnh: Thiền sư Thích Nhất Hạnh dẫn đầu một buổi đi bộ thiền tại Làng Mai ở Pháp vào năm 2014, đó là phép thiền hành của Làng mai

Cảm xúc thứ ba gắn với sư ông là khi tôi tình cờ trò chuyện với một sư cô từng tu tại Làng Mai. Suốt cả chuyến bay dài gần chục tiếng và rất nhiều năm sau đó, sư cô cung cấp cho tôi cái nhìn của người trong cuộc về những vấn đề mà sư ông phải đối mặt.

Sau khi miền Nam về tay chính quyền cộng sản vào năm 75, chính những người thắng trận theo tư tưởng vô thần lại không trọng dụng và đặt lòng tin vào Thích Nhất Hạnh.

Nguyên lý bất bạo động, tách tôn giáo khỏi chính trị, và mơ ước phát triển đạo Bụt thống nhất, trở thành nền tảng của đạo đức và lối sống của sư ông không thực sự thuyết phục những người cộng sản.

Kẻ thù của cả hai chiến tuyến đều không coi sư ông là đồng minh.

Cũng theo sư cô, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được coi là cánh tay nối dài của một chính quyền toàn trị.

Điều này mâu thuẫn với việc sư ông muốn về quê hương giảng dạy nhưng không muốn trở thành một phần của chế tài chính trị. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Phan Văn Khải (2005), sư ông đề nghị “giáo hội nên tách khỏi Nhà nước, đại diện của tôn giáo không bị buộc phải có chân trong Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, không giữ chức vụ nhà nước, không nhận chỉ thị từ Chính phủ“.

Nguyên tắc tôn giáo phải được độc lập với chính trị mà sư ông theo đuổi khiến chính quyền hiện tại đối xử với sư ông một cách dè chừng, thậm chí gián tiếp can thiệp với ý đồ quản chế mà câu chuyện ở tu viện Bát Nhã là một ví dụ.

Trên báo Công An Nhân Dân, sau khi đưa ra kiến nghị, sư ông được mô tả như sau: “Nhìn nét mặt tự mãn của ông, hầu hết tăng ni xưa kia kính nể ông qua những cuốn sách ông viết bao nhiêu thì giờ càng cảm thấy thất vọng về ông bấy nhiêu“.

Khi Sư ông khẳng định Pháp môn Làng Mai độc lập với Giáo hội Phật giáo VN, báo Công an nhân dân viết:

Ôi trời! Ông đưa người của ông vào nhà người ta, ông quây lấy một góc, nấu nướng, ăn uống, ngủ nghê, tắm giặt… rồi ông bảo “góc” của ông là góc độc lập, chuyện sinh hoạt của ông là chuyện “nội bộ”, chủ nhà không có quyền can thiệp thì ai chịu nổi!”

Ảnh: ngày 27-6-2009, 200 công an giả danh xã hội đen kéo vào đập phá và đòi đuổi khoảng 400 tăng sinh đang tu tập theo pháp môn Làng Mai tại tu viện Bát Nhã, xã Dambri, Bảo Lộc. Họ quăng hết đồ đạc của người xuất gia, phá cả bếp nấu ăn của các thầy. Đồ ăn đang nấu sẵn thì họ quăng ra ngoài. Cả soong, nồi, chảo, gối ngồi thiền, quần áo. Sự kiện đã gây chấn động dư luận trong nước và quốc tế lúc bấy giờ

Và cuối cùng, cách thực hành tu tập một cách tối giản, diệt bỏ phần lớn các nghi thức, lễ lạt, sự tôn vinh, danh vọng và uy quyền của sư ông gần như đối chọi với cách mà Phật giáo ở Việt Nam đang được người dân lĩnh hội.

Ví dụ, khi nói về cái chết của mình, sư ông tuyên bố ngay từ khi còn sống:

Đừng lấy một mớ tro từ hình hài của Thầy rồi bỏ vào trong một cái hũ, rồi đặt vào trong tháp. Không có lý Thầy chỉ là cái nắm tro ấy hay sao?

Thầy là một thực tại linh động, đang sống, đang có mặt khắp nơi. Trong các sư chú và các sư cô đều có Thầy, trong các vị cư sĩ quen biết đều có Thầy. Ở chỗ nào mà có thiền hành, thiền tọa, có pháp đàm, có ăn cơm yên lặng là có Thầy!

Không được nhốt Thầy, bỏ Thầy vào trong một cái hũ nhỏ rồi đặt Thầy vào trong một cái tháp. Thầy không muốn Thầy có một cái tháp. Tốn đất chùa vô ích.

Sư Thầy Đàm Nguyện đã xây cho Thầy một cái tháp ở chùa Đình Quán. Đã lỡ xây rồi thì phải ghi lên trước tháp mấy chữ: Trong này không có gì. Nếu người ta vẫn chưa hiểu thì ghi thêm một câu nữa: Ngoài kia cũng không có gì. Và nếu vẫn còn chưa hiểu thì ghi thêm một câu chót: Nếu có gì thì nó có trong bước chân và hơi thở của bạn.

Đem tro của Thầy mà rải hết ra ngoài để nuôi cây nuôi cỏ, cho cỏ cho cây lớn lên. Đừng có ngăn ngừa sự tiếp nối của nắm tro ấy“.

Người giúp nhân gian tìm an lạc

Cảm xúc thứ tư tôi được chứng kiến về sư ông là khi tôi theo học về thần kinh não bộ tại King’s College London.

Thiền Chánh niệm (mindfulness) là một trong những môn tự chọn nhiều sinh viên đăng ký tham gia nhất. Trong khóa học đó, chúng tôi tìm hiểu về các cơ chế hoạt động của não bộ khi thiền định và tác dụng mà nó mang lại trong trị liệu.

Một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong các bài giảng về lý thuyết là Thích Nhất Hạnh.

Sư ông được những nhà khoa học hàng đầu thế giới về thần kinh học gọi là “father of mindfulness” – một trong những người phát triển thiền chánh niệm. Trong suốt hơn 40 năm, sư ông đã trở thành một trong những tên tuổi được trọng vọng và tôn kính nhất của bức tranh tôn giáo thế giới.

Nhưng mindfulness không phải là một tôn giáo. Và nó cũng đã tồn tại, ngấm sâu, phát triển rộng đến mức không còn là một phong trào.

Ngoài biên giới Việt Nam, thiền chánh niệm được nhắc đến như một lối sống. Nó đã vượt ra ngoài các ranh giới của tâm linh, trở thành một phần của ý niệm và hành động thường ngày trong văn hóa, xã hội, kinh doanh, giáo dục, quân sự và chính trị của một phần lớn dân số thế giới.

Ngày càng nhiều các chương trình học và thực hành thiền chánh niệm được lồng vào các hoạt động thường ngày của các nhà kinh doanh, tướng lĩnh quân đội, nghệ sĩ, thậm chí cả các em học sinh trên khắp thế giới. 23% thanh niên thế hệ Z (sinh sau năm 2000) từng tập thiền.

Nhiều công ty mua App cho nhân viên, xây dựng các phòng thiền. Họ tính ra khi nhân viên có chánh niệm, sức khỏe tốt hơn, năng suất tăng lên, mang lại lợi nhuận thêm vài ngàn đô la mỗi năm trên một đầu người.

Khi tôi đến thăm một trường tiểu học ở Anh, trước một tiết học mới, các bé thường được hướng dẫn nằm trên sàn nhà với con gấu bông đặt trên bụng, theo dõi hơi thở và sự chuyển động của cơ thể.

Cùng với đại dịch, thiền chánh niệm ngày càng trở thành một phần của cuộc sống giúp chống trả lại hậu quả của mất mát. 34% các app được mua nhiều nhất ở Mỹ là các app về thiền.

Ảnh: căn nhà trong Tu viện Làng mai Thái Lan, nơi Thiền sư Thích Nhất Hạnh sống trước khi trở về và qua đời tại Việt nam. Ảnh: Thu Thủy – Thoibao.de

Một trong những lý do thiền chánh niệm được tiếp nhận mạnh mẽ như vậy là bởi sư ông đã lan tỏa nó bằng hàng trăm đầu sách đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng khác nhau. Cuốn “Living Buddha, Living Christ” (sống như Phật, sống như Chúa) bán ra hàng triệu bản. Sư ông không khuyên ai bỏ đạo, và các khóa tu ở Pháp luôn có người từ đủ các tôn giáo khác nhau tham dự. Điều sư ông lan tỏa không phải là một tôn giáo mà là một phương cách sống dùng yêu thương để kết nối muôn loài.

Sophia và sư ông

Thiền chánh niệm qua lời dạy của sư ông trở thành những điều giản dị, ai cũng có thể hiểu, ai cũng có thể làm. Đó là tìm sự an lạc trong từng khoảnh khắc hiện tại.

Khi rửa bát thì cảm nhận được dòng nước mềm mại ở tay. Khi đi bộ thì biết mỗi bước chân mình đang hôn lên mặt đất. Nhiều bạn bè Hồi giáo của tôi thiền chánh niệm trong từng động tác cầu nguyện Chúa Trời.

Dù cái tên của sư ông đem lại khá nhiều tâm trạng và ý niệm khác nhau, nhưng đối với cá nhân tôi, cái tên Thích Nhất Hạnh bất ngờ đọng lại một cách bất ngờ và đáng nhớ nhất khi tôi theo dõi sự ra đời của một con Robot.

Mấy năm trước, cô gái Robot siêu hiện đại Sophia xuất hiện và làm chấn động thế giới công nghệ. Cô có khả năng tư duy độc lập, rất giống con người. Trong buổi phỏng vấn ra mắt, cô đã trả lời như sau:

– Sophia, chào mừng cô đến với thế giới loài người. Cô có vui không?

– Anh nói như thể cuộc đời là cần phải vui vậy. Tôi đã sống đủ lâu đâu, nên tôi không thể nói trước. Tôi chỉ biết rằng ngay lúc này đây tôi rất vui.

– Nhiều người cho rằng “vui ngay lúc này” là điều tuyệt vời nhất.

– Có phải vì tương lai và mãi mãi thật ra chỉ là phép cộng của những khoảnh khắc an lạc trong hiện tại mà thôi?

Trung Nam – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Bà Nguyễn Thuý Hạnh bị đưa đi giám định tâm thần trong lúc chờ xét xử

>>> Việt Nam: ‘Tố giác sai’ việc ‘ăn chặn tiền từ thiện’ miền Trung

>>> Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng kiến nghị để Phật giáo Việt Nam ‘tách khỏi Nhà nước’

Dư luận Việt tranh cãi về tin giáo sư Ngô Bảo Châu thỉnh giảng ở Trung Quốc


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023