Cựu đại sứ Ted Osius: ‘Tự do ngôn luận sẽ giúp Việt Nam thịnh vượng hơn’

Link Video: https://youtu.be/d9AzsXiUfys

Đại sứ Ted Osius nói rằng giới lãnh đạo Việt Nam không nên lo ngại các tiếng nói đối lập và rằng tự do ngôn luận có lợi cho phát triển.

Trong thời gian làm đại sứ tại Việt Nam từ năm 2014 đến 2017, ông Ted Osius đã có cơ hội tìm hiểu Việt Nam từ bên trong, ở cự ly gần.

Thông qua các cuộc gặp gỡ với giới chính trị gia, trí thức, nhà hoạt động, nhà bất đồng chính kiến và người dân thường, ông đã hiểu hơn đất nước và con người Việt Nam, cũng như các bất đồng giữa hai quốc gia trong các vấn đề như dân chủ, nhân quyền.

Trong phần hai của loạt phỏng vấn với Bùi Thư của BBC News Tiếng Việt, đại sứ Ted Osius đã trao đổi một cách cởi mở về hàng loạt vấn đề, về sự phát triển ấn tượng của Việt Nam cũng như những hạn chế trong không gian tự do biểu đạt.

Chính phủ không nên sợ tự do biểu đạt

BBC: Từ trải nghiệm cá nhân khi làm việc với giới học thuật và người dân Việt Nam, ông đánh giá thế nào về quyền lực mềm mà Mỹ đang sử dụng trong quan hệ với Việt Nam? Ảnh hưởng của Mỹ có bị giới hạn trong các lĩnh vực như giáo dục, nhân đạo và nhân quyền không?

Cựu đại sứ Ted Osius.

Cựu đại sứ Ted Osius: Tôi không bao giờ đánh giá thấp tầm quan trọng của sức mạnh mềm. Khi bạn nghĩ về tầm quan trọng của hợp tác giáo dục, thì trong 25 năm qua, đã có một chương trình, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, dạy cho các cán bộ tỉnh thành về kinh tế học hiện đại. Và bây giờ nó trở thành trường Đại học Fulbright của Việt Nam. Hợp tác về giáo dục hoàn toàn có lợi cho Việt Nam và khi Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới và phát triển kinh tế ngày càng nhanh, chương trình Fulbright đã trực tiếp đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam.

Tiếp đó là trao đổi giáo dục. Sự thật là có nhiều người Việt Nam đến Hoa Kỳ để học tập và nhiều người Mỹ đến Việt Nam để trao đổi giáo dục. Đó là điều vô cùng có lợi. Và bạn thử nghĩ xem, có khá nhiều lãnh đạo Việt Nam đã nhận học bổng Fulbright tại Hoa Kỳ. Điều đó cho phép tạo dựng tình bạn và để hai bên hiểu nhau hơn. Vì vậy, tôi nghĩ đó là những yếu tố cực kỳ quan trọng của mối quan hệ hai nước.

Có quan hệ an ninh tốt là quan trọng, nhưng nếu không dựa trên nền tảng tin tưởng lẫn nhau, mối quan hệ an ninh sẽ không phát triển. Chúng ta xây dựng lòng tin bằng cách hiểu biết lẫn nhau. Niềm tin là sản phẩm của mối quan hệ tốt đẹp. Thực tế là đang có rất nhiều người dành thời gian tìm hiểu về đất nước kia, họ đã đóng góp cho mối quan hệ tốt đẹp và tin cậy giữa hai quốc gia. Điều đó rất, rất có lợi.

BBC: Việt Nam là nhà nước cộng sản, trong khi Hoa Kỳ là quốc gia dân chủ, ông có nghĩ rằng hệ tư tưởng khác nhau vẫn có thể đưa hai nước xích lại gần nhau?

Cựu Đại sứ Ted Osius: Tôi không nghĩ rằng niềm tin được tạo ra trong một sớm một chiều. Tôi cho rằng cần phải nỗ lực rất nhiều để xây dựng, duy trì và phát triển lòng tin giữa hai nước và nhân dân hai nước.

Một bước tiến lớn đã diễn ra khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ, được đón tiếp và gặp Tổng thống Obama tại Phòng Bầu dục. Và Tổng thống Obama nói, chúng tôi tôn trọng các hệ thống chính trị khác nhau. Và điều đó được đưa vào trong tuyên bố chung sau đó.

Tiếp đến, Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry đã công khai nói rằng Hoa Kỳ có thể tôn trọng các hệ thống chính trị khác biệt với hệ thống chính trị của chúng tôi. Điều đó rất quan trọng đối với việc xây dựng lòng tin với các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản, bởi vì nó đã nói rõ rằng trên thực tế, mục tiêu của Hoa Kỳ là để Việt Nam phát triển và thịnh vượng hơn, thành công hơn và độc lập hơn, chứ không phải để phá hoại chính phủ Việt Nam hoặc tìm cách thay đổi nó. Chúng tôi đã cố gắng thay đổi chính quyền (Nam VN) trong những năm 1960 và 1970, nhưng đã không thành công. Và những gì Tổng thống Obama đã nói là chúng ta sẽ không đi theo con đường đó nữa. Và với hệ thống chính trị khác nhau, cả hai nước chúng ta đều phải tôn trọng hệ thống chính trị của nước kia.

Tổng thống Obama cũng nói rằng bạn phải hiểu chúng tôi là ai. Và ông ấy nói về nhân quyền và tầm quan trọng của tự do ngôn luận. Ông ấy nói rằng người Mỹ chúng tôi quân tâm sâu sắc đến những điều này. Chúng tôi quan tâm sâu sắc đến quyền con người và quyền tự do biểu đạt của mọi người. Và trên thực tế, điều đó nằm trong hiến pháp của Việt Nam. Cam kết tôn trọng quyền con người và quyền tự do ngôn luận cùng những cam kết đối với Việt Nam được thực hiện trong công ước quốc tế về quyền con người. Vì vậy, tôi nghĩ một phần nguyện vọng cơ bản của Việt Nam là tôn trọng nhân quyền và cho phép tự do ngôn luận nhiều hơn.

Nhưng có những người trong giới lãnh đạo và lực lượng an ninh của Việt Nam lo lắng về quyền tự do ngôn luận và rất lo lắng về các blogger và về việc các blogger nói những điều chỉ trích Đảng Cộng sản. Tôi nghĩ họ nên thư giãn. Thành thật mà nói, tôi nghĩ họ không cần phải lo việc các blogger sẽ lật đổ chính phủ hoặc lật đổ đảng. Tôi nghĩ tự do ngôn luận rất là lành mạnh và điều đó sẽ chỉ làm cho Việt Nam mạnh hơn và thịnh vượng hơn khi quyền tự do ngôn luận ngày càng được cho phép nhiều hơn. Nhưng tôi hiểu có những quan điểm khác nhau về vấn này.

BBC: Những nhà hoạt động ở Việt Nam luôn mong muốn chính phủ Hoa Kỳ sẽ làm nhiều hơn nữa nhưng có vẻ như Hoa Kỳ quan tâm nhiều hơn về địa chính trị của Việt Nam trong tương giao với Trung Quốc và giá trị hợp tác quân sự với Việt Nam hơn là vận động cho dân chủ hóa?

Cựu đại sứ Ted Osius:Khi còn là đại sứ, tôi luôn tranh luận rằng Việt Nam nên tự tin và biết rằng việc cho phép người dân lên tiếng sẽ không có hại, sẽ không làm cho đất nước trở nên bất ổn.

Và điều mấu chốt là Hoa Kỳ không muốn Việt Nam bất ổn, Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng, độc lập và đóng góp vào an ninh khu vực cũng như những thách thức toàn cầu mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt. Tôi hoan nghênh tiếng nói của các nhà hoạt động. Tôi nghĩ họ cần được lắng nghe. Và tôi biết rằng những người trong chính phủ Hoa Kỳ luôn lắng nghe các nhà hoạt động nhân quyền và tôn trọng công việc mà họ đang làm.

Đôi khi tôi lên án khá gay gắt giới lãnh đạo Việt Nam về việc đã bỏ tù các nhà hoạt động, bỏ tù các blogger. Tôi phê bình gay gắt, nhưng tôi thường không nói điều đó một cách công khai vì tôi không nghĩ rằng nó hiệu quả. Tôi nghĩ việc tương tác qua lại sẽ hiệu quả hơn. Và sau đó chúng tôi cũng giải thích rằng, đấy chính là nước Mỹ, nếu bạn muốn có mối quan hệ đầy đủ nhất có thể với chúng tôi và với phần còn lại của thế giới, bạn cần tuân thủ các cam kết mà bạn đã đưa ra với cộng đồng quốc tế theo các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và rằng Việt Nam có những khát vọng kinh tế rất lớn.

Việt Nam muốn từ nhóm dưới của các quốc gia thu nhập trung bình vươn lên nhóm trên trung bình, cách duy nhất là cho phép đổi mới phát triển mạnh mẽ, bởi vì nền kinh tế ngày nay được thúc đẩy bởi tri thức và đổi mới sáng tạo, và điều đó diễn ra khi mọi người được phép thể hiện bản thân.

Và để thực hiện bước nhảy vọt đó, tôi nghĩ điều mà Việt Nam có thể làm để trở thành nước thuộc nhóm trên trung bình là phải cho phép sự đổi mới phát triển. Điều đó có nghĩa là cho phép những ý tưởng khác nhau hình thành mà không sợ chúng gây ra bất ổn.

Theo quan điểm của tôi, khi Việt Nam trở nên thịnh vượng hơn thì cũng sẽ trở nên ổn định hơn và sẽ giữ được quỹ đạo đi lên xét về khía cạnh ổn định, cởi mở hơn về kinh tế và cởi mở hơn với đổi mới sáng tạo và ý tưởng. Tôi không nghĩ rằng sự cởi mở sẽ gây bất ổn.

Tôi nghĩ rằng bạn có thể trở nên đổi mới hơn, đồng thời duy trì ổn định và thịnh vượng, bởi vì Việt Nam thành công về mặt kinh tế và đã rất thành công trong ngoại giao. Việt Nam đã rất thành công khi đạt được các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia. Phần đông các nhà tư tưởng chiến lược Đông Nam Á đều ở Việt Nam. Với tất cả những thành công đó, tôi hy vọng, Việt Nam sẽ có được niềm tin lớn để lựa chọn con đường của riêng mình, chứ không có ai khác lựa chọn giùm. Người dân Việt Nam có thể cất tiếng nói của mình. Và điều đó sẽ không đe dọa sự ổn định.

Hai nước có lợi ích đan xen

BBC: Ông có cho rằng Hoa Kỳ và Việt Nam có nhiều lợi ích đan xen và việc tăng cường quan hệ sẽ mang lại lợi ích cho hai phía?

Cựu đại sứ Ted Osius: Tôi hy vọng là như vậy. Tôi cũng tin như thế. Tôi nghĩ chúng ta có quá nhiều lợi ích đan xen. Lợi ích của chúng ta không giống nhau, nhưng có rất nhiều sự đan xen. Có rất nhiều lĩnh vực mà chúng ta cùng quan tâm.

Chúng ta có cùng mối quan tâm về tự do hàng hải và hòa bình trên Biển Đông. Chúng ta quan tâm về việc sông Mekong được quản lý như thế nào để những người ở hạ nguồn có tiếng nói về những gì xảy ra với môi trường của họ. Chúng ta có chung mối quan tâm trong việc chống lại đại dịch và chúng ta đã cùng nhau làm việc vì sức khỏe cộng đồng trong rất nhiều năm.

Chúng ta có mối quan tâm chung trong việc đối phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả. Chúng ta cùng mối quan tâm đến sự thịnh vượng và ổn định ở Đông Nam Á.

Chúng ta cùng quan tâm đến các lĩnh vực tư nhân vốn đang được gắn kết chặt chẽ hơn với nhau. Tôi đã thấy rất nhiều công ty và nhà đầu tư Hoa Kỳ đến Việt Nam và nhận thấy đây là một nơi chào đón họ. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta có lợi ích chung trong sự thịnh vượng và giao thương tốt hơn nữa giữa hai quốc gia.

Và chúng tôi có thể có những tranh luận về quyền con người và về mức độ mà mọi người nên được phép thể hiện bản thân một cách tự do. Nhưng đó là tranh cãi giữa những người bạn. Và chúng tôi thể hiện tranh luận đó một cách tôn trọng.

Chúng tôi tôn trọng sự khác biệt trong văn hóa và hệ thống chính trị. Nhưng tôi tin rằng những điều đó giúp cho quan hệ đối tác của chúng ta ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Và tôi thực sự nghĩ rằng nếu được điều hành tốt, nó sẽ tiếp tục phát triển.

Bùi Thư

Ngun: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-58169044