Tiễu trừ Cộng sản – Mỹ cấm cửa 14 quan chức cấp cao Trung Quốc

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=AqOPJDnB-TA

Hôm 07/12/2020, chính quyền Trump công bố loạt trừng phạt mới nhắm vào 14 giới chức cao cấp Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc áp đặt Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông, làm «xói mòn quy chế tự trị» của đặc khu.

Mười bốn quan chức cùng các thành viên trong gia đình họ sẽ không được phép đặt chân dến Hoa Kỳ.

Bộ Tài Chính Mỹ phong tỏa tài sản, nếu có, của các đương sự tại Mỹ, cũng như không cho phép các đương sự sử dụng hệ thống tài chính Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh là các biện pháp này cho thấy Hoa Kỳ « tiếp tục cùng các đồng minh và đối tác buộc Bắc Kinh phải trả giá cho những hậu quả của quyết định gây xói mòn quy chế tự trị, được hứa hẹn, cho Hồng Kông ».

Thông tín viên Stéphane Lagarde hôm 8-12, tường trình từ Bắc Kinh như sau:

«Không phải là hình ảnh của cảnh sát, mà là hình ảnh các giới chức cao cấp Trung Quốc, được đưa lên Twitter đêm hôm nay. 14 người: 13 nam và 1 nữ. Tất cả đều mang chức danh phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc Hội Trung Quốc. Nói cách khác, đây là các giới chức cao cấp trong hệ thống quyền lực của chế độ Cộng Sản Trung Quốc, trong đó có ủy viên Bộ Chính Trị Vương Thần (Wang Chen), hay Tào Kiến Minh (Cao Jianming), viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao.

Theo ngoại trưởng Hoa Kỳ, đây là những người chịu trách nhiệm về ‘‘các hành động tấn công liên tục vào tiến trình dân chủ Hồng Kông’’.

Đây không phải là lần đầu tiên Nhà Trắng trừng phạt các giới chức của chế độ Bắc Kinh.

Mới đây, lãnh đạo đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã than phiền với đài HKIBC là các biện pháp của chính quyền Mỹ giới hạn việc sử dụng thẻ tín dụng khiến cuộc sống của bà lâm vào tình thế khó khăn.

Kể từ giờ, lãnh đạo Hồng Kông phải nhận một phần lương tháng bằng tiền mặt, do các trừng phạt “phi lý”.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ không chỉ nhằm vào túi tiền của các quan chức, mà còn liên quan đến tài khoản của con cái tầng lớp chóp bu của chế độ, đang học tập tại Hoa Kỳ.

Hồi tháng 7 vừa qua, 3 đảng viên Cộng Sản Trung Quốc đã bị chính quyền Trump trừng phạt về vai trò trong chiến dịch đưa vào trại ‘‘cải tạo’’ hàng trăm nghìn người Duy Ngô Nhĩ.

Ảnh: Trung Quốc đã cho xây dựng hàng loạt trại tập trung ở Tân Cương, giam giữ bất hợp pháp hàng trăm ngàn người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Các đối tượng bị trừng phạt cùng gia đình không được phép vào lãnh thổ Mỹ.

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hứa hẹn sẽ trả đũa. Tuy nhiên, hiện giờ Bắc Kinh đang chờ tân chính phủ chính thức kế nhiệm tại Nhà Trắng.

Trên các mạng xã hội Trung Quốc, dân mạng tự coi là ‘‘người yêu nước’’ nhận xét là, cho dù Hoa Kỳ đóng cửa với các lãnh đạo Trung Quốc, công nghệ Trung Quốc cũng sẽ sớm đưa được một phi hành gia lên Mặt Trăng ».

Trong danh sách trừng phạt nói trên, các nhà quan sát ghi nhận không có tên ông Lật Chiến Thư (Li Zhansu), chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc, ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Thêm 8 nhà tranh đấu Hồng Kông bị bắt

Ít giờ sau khi chính quyền Trump ban hành trừng phạt mới nhiều lãnh đạo cao cấp Trung Quốc, có thêm 8 nhà tranh đấu Hồng Kông bị bắt hôm nay, 08/12/2020, trong một đợt bố ráp mới, theo Luật An ninh Quốc gia ban hành hồi tháng 7.

Theo AFP, trong số các nhà tranh đấu bị bắt có ông Lương Quốc Hùng (với biệt danh «Lương tóc dài»), ông Hồ Chí Vĩ (Wu Chiwai), cựu lãnh đạo đảng Dân Chủ, đảng đối lập chính tại Hồng Kông, cựu nghị sĩ Chu Khải Địch (Eddy Chu) và nhà tranh đấu Trần Hạo Hoàn (Figo Chan).

Cảnh sát Hồng Kông thông báo những người này bị tình nghi đã tổ chức một cuộc «tập hợp không được phép» vào ngày 01/07, tức một ngày sau khi Luật An ninh Quốc gia mới có hiệu lực tại Hồng Kông.

Ngày 01/07, hàng nghìn người Hồng Kông đã xuống đường phản đối luật này, đòi dân chủ cho đặc khu. Hơn 370 người bị bắt ngày 01/07. Theo giới quan sát, việc Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh Quốc gia mới đã báo tử quy chế bán tự trị của Hồng Kông.

Ảnh: Cảnh sát Hồng Kông bắt giữ ông trùm truyền thông Jimmy Lai khi ông tham gia vào cuộc biểu tình tọa kháng ở quận Admiralty vào ngày 11/12/2014

Hôm thứ Năm tuần trước, tỉ phú Jimmy Lai, 73 tuổi, một gương mặt nổi tiếng trong giới tranh đấu, đã bị tạm giam.

Cũng hồi tuần trước, ba gương mặt trẻ tiêu biểu của phong trào dân chủ, trong đó có Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), bị kết án tù giam.

Liên Hiệp Châu Âu không loại trừ các biện pháp trừng phạt mới

Hôm qua, 07/12, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu, Josep Borrell, lên án tình trạng tự do bị đàn áp ở Hồng Kông, và không loại trừ các biện pháp trừng phạt mới. Tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp ngoại trưởng các thành viên Liên Âu tại Bruxelles.

Cho đến nay, Liên Âu đã có một số quyết định liên quan đến Hồng Kông, như giới hạn việc xuất khẩu sang Hồng Kông các phương tiện có thể được sử dụng vào việc kiểm soát và đàn áp, cũng như thông qua một loạt biện pháp hỗ trợ xã hội dân sự Hồng Kông.

Trump tiếp tục trừng phạt Bắc Kinh, buộc Biden cứng rắn thêm với Trung Quốc

Hoa Kỳ vào hôm qua, 07/12/2020, đã công bố các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào 14 quan chức cao cấp trong Quốc Hội Trung Quốc về tội “làm suy yếu quyền tự chủ của Hồng Kông“.

Biện pháp này nằm trong một loạt động thái cứng rắn của chính quyền Trump nhắm vào quốc gia được coi là “mối đe dọa lớn nhất đối với nền dân chủ“, một quan điểm đang nhận được sự đồng thuận ngày càng tăng giữa ê-kíp của tổng thống mãn nhiệm và chính quyền tương lai của ông Joe Biden.

Theo các biện pháp trừng phạt mới, các phó chủ tịch ủy ban thường vụ Quốc Hội và các thành viên gia đình của họ sẽ không còn được phép nhập cảnh vào Hoa Kỳ, trong khi tài sản của họ, nếu có, ở Mỹ sẽ bị phong tỏa và quyền sử dụng hệ thống tài chính Mỹ sẽ bị chặn.

Ảnh: bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga trưởng đặc khu Hồng Kông

Từng được áp dụng đối với các quan chức Hồng Kông, đứng đầu là trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga, các biện pháp này như vậy đã được mở rộng ra để nhắm vào các quan chức tại Bắc Kinh.

Như để cho thấy sự đồng thuận rộng rãi trong chính giới Mỹ về quyết tâm chống Trung Quốc, Hạ Viện Hoa Kỳ hôm qua cũng đã nhất trí bỏ phiếu ủng hộ biện pháp đón nhận người dân Hồng Kông đến Hoa Kỳ trong thời hạn 5 năm, với quyền được làm việc. Biện pháp này còn phải được Thượng Viện thông qua để có hiệu lực.

Trong những tháng gần đây, chính quyền Donald Trump đã gia tăng tấn công Trung Quốc, tố cáo vai trò của Bắc Kinh trong việc để cho dịch Covid-19 lây lan, vi phạm quyền của người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ, quân sự hóa Biển Đông, cạnh tranh thương mại bất chính, đánh cắp tài sản trí tuệ hoặc thậm chí có hoạt động gián điệp ở Hoa Kỳ.

Hôm thứ Sáu 04/12, Washington còn cắt bỏ các chương trình trao đổi văn hóa do Trung Quốc tài trợ, gọi đó là “công cụ tuyên truyền“.

Chiến dịch đối phó với Bắc Kinh do ngoại trưởng Mike Pompeo dẫn đầu. Ông Pompeo đã xác định rõ ràng rằng gã khổng lồ châu Á là đối thủ chiến lược số một của Washington.

Điều này đã được giám đốc tình báo Mỹ, John Ratcliffe, nhắc lại vào tuần trước trên một diễn đàn của nhật báo Wall Street Journal, cho rằng Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất đối với dân chủ và tự do trên thế giới“.

Diễn đàn của ông John Ratcliffe, người do tổng thống Donald Trump đề cử, đã được đón nhận với một sự đồng thuận hiếm có.

Các lãnh đạo đảng Cộng Hòa và Dân Chủ của các ủy ban tình báo trong cả hai viện Quốc Hội Hoa Kỳ đã đồng loạt ủng hộ cảnh báo của ông Ratcliffe, bất chấp giai đoạn chuyển giao quyền hành rất tế nhị ở Washington, giữa một tổng thống đương nhiệm không chịu thừa nhận thất bại của mình và một tổng thống đắc cử đang muốn nhanh chóng lật sang trang mới trên nhiều hồ sơ.

Có một dấu hiệu khác cho thấy khả năng chính quyền mới tại Washington sẽ tiếp tục chính sách đối đầu với Bắc Kinh của người tiền nhiệm: Mặc dù đối với Iran, một đối thủ khác của Hoa Kỳ, ông Biden cho biết sẵn sàng nhanh chóng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Teheran, đảo ngược hoàn toàn chính sách của nhà tỷ phú đảng Cộng Hòa, nhưng đối với Bắc Kinh, ông Biden lại khẳng định sẽ duy trì, ít nhất là trong giai đoạn đầu, các mức thuế do chính quyền mãn nhiệm đề ra nhằm gây áp lực đối với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại.

Diễn biến tại Mỹ đã khiến Trung Quốc lo ngại. Một tháng sau khi ứng viên đảng Dân Chủ Joe Biden được dự báo thắng cử vào Nhà Trắng, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào hôm qua, 07/12/2020, đã kêu gọi hình thành “một quá trình chuyển đổi suôn sẻ” để “tái khởi động đối thoại” và “xây dựng lại lòng tin” giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, hy vọng về sự hòa hợp trở lại có thể vấp phải thái độ ngày càng nghi kỵ của một tầng lớp chính trị Mỹ đến từ mọi xu hướng.

Trung Quốc phản ứng mạnh sau khi Mỹ tung đòn trừng phạt mới

Ảnh: Bà Hoa Xuân Oánh người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chiều 8/12, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh khẳng định, động thái trừng phạt 14 Phó Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc là hành vi can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng động thái của Mỹ vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc, gây tổn hại đến quan hệ Trung – Mỹ.

Bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh, vấn đề Hong Kong là công việc nội bộ của Trung Quốc, Mỹ không có bất cứ tư cách nào can thiệp. Việc Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc căn cứ vào Hiến pháp Trung Quốc để xây dựng Luật an ninh gia tại Hong Kong, thúc đẩy việc quản lý tình hình Hong Kong, trấn áp các phần tử tội phạm hoàn toàn nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc.

Bà Hoa Xuân Oánh yêu cầu Mỹ hủy ngay quyết định sai lầm, dừng ngay việc can thiệp vào công việc nội bộ Trung Quốc đồng thời cảnh báo nước này sẽ có những biện pháp đáp trả thích đáng để bảo vệ lợi ích phát triển và an ninh của bản thân.

Thời gian gần đây, Mỹ viện cớ bảo vệ tự chủ, nhân quyền và dân chủ tại Hong Kong, thông qua nhiều biện pháp khác nhau can thiệp vào vấn đề Hong Kong, ủng hộ các hành vi bạo lực chia rẽ quốc gia, gây rối trật tự xã hội, bây giờ lại ngang nhiên tiến hành cái gọi là trừng phạt đối với 14 Phó Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc, cho thấy ý đồ xấu của Mỹ trong việc can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, gây nhiễu loạn tình hình Hong Kong, ngăn cản sự phát triển và ổn định của Trung Quốc”, bà Hoa Xuân Oánh nói.

Dư luận cho rằng, động thái trừng phạt của Mỹ đối với quan chức Trung Quốc trước thời điểm chuyển giao quyền lực Tổng thống Mỹ sẽ khiến quan hệ Trung – Mỹ tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường.

Mặc dù thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục truyền tải nhiều tín hiệu với ê kíp của Tổng thống đắc cử Joe Biden về mong muốn “định vị” lại quan hệ Trung – Mỹ, tuy nhiên với những động thái của chính quyền Tổng thống Donald Trump, dường như “di sản” cứng rắn trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ khó bị thay đổi trong thời gian ngắn.

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Trump quyết “đánh” Tập đến cùng

>>> Đại hội 13: Sợ dân chủ – Đảng cản trở kinh tế thị trường

>>> Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc Facebook, YouTube ‘đồng loã’ kiểm duyệt của Đảng Cộng Sản Việt Nam

https://www.youtube.com/watch?v=-jW9Sg4Ff1U
Đại hội 13: Sợ dân chủ – Đảng cản trở kinh tế thị trường

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023