Ngày 5/8, RFA Tiếng Việt bình luận “SJC không mua lại vàng do chính mình sản xuất để gây sức ép với nhà nước?”.
Theo đó, vào đầu tháng 8/2024, các cửa hàng bán vàng của Công ty SJC đã không mua lại vàng miếng SJC một chữ, vàng miếng SJC bị móp méo, cong vênh… Vàng miếng SJC một chữ là mẫu mã vàng được Công ty SJC sản xuất giai đoạn 1992 – 1996.
RFA cho hay, Công ty SJC là doanh nghiệp kinh doanh vàng 100% vốn Nhà nước, trực thuộc Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, được Ngân hàng Nhà nước chọn là thương hiệu để sản xuất vàng miếng.
RFA dẫn lời bà Hồng Lan, chủ một tiệm vàng ở quận Bình Thạnh, cho biết, trước đây, khi SJC mua lại vàng cũ, móp méo, bung bao bì của họ, thì được nhà nước cho dập lại để gia công mã hàng mới.
“Bây giờ Nhà nước siết SJC, nên không cho gia công trở lại, nên SJC không thu mua vàng móp méo, là một hình thức gây sức ép lại nhà nước. Và họ đã thành công, bởi ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức gia công, đối với số vàng mà SJC đang tồn kho” – bà Lan nói.
Theo bà Hồng Lan, bây giờ, nhà nước yêu cầu khách hàng mua vàng SJC phải đăng ký online, để họ kiểm soát lượng bán và cả người mua.
RFA cho biết, đây không phải lần đầu Công ty SJC ngưng mua vàng miếng móp méo từ khách hàng. Năm 2012, Công ty SJC đã từng ngưng mua vàng miếng móp méo, với lý do là máy móc thiết bị gia công vàng miếng của Công ty, thuộc quản lý của Ngân hàng Nhà nước sau Nghị định 24, nên Công ty không thể dập lại các miếng vàng SJC bị móp méo, mua vào cũng chỉ để cất trong kho.
RFA trích dẫn báo nhà nước mới đây, cho hay, đại diện Công ty SJC nói rằng, trong khoảng gần 2 tháng qua, Công ty đã thu mua vào khoảng 1.000 lượng loại một chữ và móp méo. Số vàng này mua với giá bán vàng bình thường, nhưng không được bán ra lưu thông trên thị trường. Đại diện Công ty SJC khẳng định, Công ty đang chờ đợi Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho gia công trở lại số vàng móp méo, một chữ.
RFA cũng cho biết, tại Việt Nam, hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng phụ thuộc hoàn toàn vào Nghị định 24/2012/NĐ-CP được ban hành năm 2012. Tại Khoản 2 và 3, Điều 4, quy định: “Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định này. Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng”. Như vậy, có thể hiểu là, không có tổ chức, cá nhân nào được sản xuất vàng miếng, kể cả Công ty SJC.
RFA dẫn nhận định của Tiến sĩ Ngô Trí Long:
“Nghị định 24 có rất nhiều cái bất cập. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước là Ngân hàng Trung ương, mà lại độc quyền sản xuất và kinh doanh vàng miếng, trong khi Nhà nước chỉ có chức năng quản lý thôi, chứ không có chức năng kinh doanh. Thứ hai, nhà nước chỉ lấy một thương hiệu vàng SJC là thương hiệu quốc gia. Chính vì sự độc quyền như thế làm cho giá vàng trong nước tăng cao so với giá vàng thế giới.”
Theo RFA, đầu tháng 6/2024, trang web của Ngân hàng Nhà nước ra thông báo, nêu rõ 4 ngân hàng quốc doanh, là Agribank, BIDV, Vietcombank, và VietinBank, được bán trực tiếp vàng miếng cho người dân, nhưng không mua vàng miếng SJC từ khách hàng. Riêng Công ty SJC được phép giao dịch mua và bán vàng miếng.
Thông tin cũng nêu rõ, khách hàng đăng ký mua vàng miếng SJC trực tuyến, phải có tài khoản thanh toán mở tại các ngân hàng trên, và tài khoản phải đang hoạt động.
Vẫn theo RFA, tháng 3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
RFA dẫn lời Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Phạm Thanh Hà, cho biết, việc xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, tăng cung vàng miếng trên thị trường, và giải quyết được vấn đề chênh lệch giá.
Ý Nhi – thoibao.de