Quốc hội, Hiến pháp chỉ là trò hề trong cuộc chơi quyền bính!

Ngày 22/5, blogger Gió Bấc có bài bình luận “Bộ Chính trị “lật kèo”, Tô Đại tướng rớt kiếm phút cuối”, trên trang RFA Tiếng Việt.

Tác giả nhắc lại những câu “danh ngôn của Tổng Trọng” – “Ba mươi chưa phải là tết”, “đừng thấy đỏ mà tưởng là chín” – và châm biếm rằng, nó cho thấy, chính trường Việt Nam trắc trở, biến ảo khôn lường.

Theo đó, những tuyên bố chắc nịch trước ngày họp Quốc hội cho thấy, Tô Đại tướng cầm chắc 2 suất Chủ tịch nước và Bộ trưởng Công an. Bất ngờ, ngay trước giờ đăng quang, Quốc hội trở cờ, bổ sung chương trình nghị sự, thu hồi thanh thượng phương bảo kiếm đầy quyền lực. Tô Đại tướng trúng kế điệu hổ ly sơn, mất hết binh phù, chơ vơ trên chiếc ghế quá nhiều xui rủi. Số phận chính trị tương lai không biết sẽ về đâu.

Với người dân, có thêm bài học mới, té ra Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất chỉ là trò chơi của “cơ quan có thẩm quyền”.

Tác giả cho hay, đến thời điểm này, điều nhiều người quan tâm là, ai sẽ làm Bộ trưởng Công an vẫn còn bỏ ngỏ.

Với tuyên bố của ông Bùi Văn Cường – Tổng Thư ký Quốc hội, trong cuộc họp báo ngày 19/5, mọi người đều nghĩ rằng, Tô Lâm sẽ một đít 2 ghế, vừa Chủ tịch nước vừa Bộ trưởng Công an, dù điều này bị nhiều nhà báo và các chuyên gia cho là vi hiến.

Tác giả mỉa mai, ấy vậy mà gần 500 đại biểu Quốc hội dũng cảm, thông thái, không hề có ý kiến thắc mắc, vẫn ngoan ngoãn thông qua chương trình, vẫn làm việc bình thường theo chương trình đã định.

Nhưng đến trưa ngày 21/5, gió bỗng đảo chiều. Báo chí đồng loạt thông tin, căn cứ ý kiến của “cấp có thẩm quyền”… đề nghị các đại biểu xem xét, thông qua, để thêm nội dung miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an đối với ông Tô Lâm (!?)

Tác giả châm chọc, ngay sau đó, như đàn cừu quen được chăn dắt, Quốc hội đã rụp rụp biểu quyết tán thành, với 468/469 đại biểu tham gia biểu quyết. Kẻ duy nhất cả gan không đồng ý với việc bổ sung chương trình kỳ họp, ắt hẳn có quyền lợi thiết thân với chương trình cũ.

Tác giả trào phúng, may mắn sao, vào phút 89 của trận đấu, “cơ quan có thẩm quyền” lại đổi ý, tình cờ cứu Hiến pháp khỏi vứt vào sọt rác. Trên sàn đấu, Tô Đại tướng đang hiên ngang như Quan Công đơn đao phó hội, bỗng nhiên thất thế như bị Lã Mông đánh úp Kinh Châu.

Theo tác giả, nhiều người thắc mắc, tại sao “cơ quan có thẩm quyền” lại đổi ý nhanh như vậy? Dù cho Quốc hội Việt Nam chỉ là sân khấu kịch, nhưng các diễn viên ở đây quen diễn vai chính kịch, luôn trịnh trong cân đai áo mão, bằng cấp toàn giáo sư tiến sĩ. Việc đàn cừu đại biểu tự vả vào mặt mình đến 2 lần, kém duyên xe so với Hoài Linh ngoáy mông hay Công Lý trề môi.

Tác giả huỵch toẹt, phải chăng “Cơ quan có thẩm quyền” cũ thiếu quân, ít tướng, không đủ phiếu ép Tô Đại tướng văng ra khỏi Bô Công an, nên theo kế Minh tri cố muội, giả vờ ngây dại yếu đuối, thuận theo yêu sách “một đít hai ghế” của Tô Đại tướng. Khi ván đã đóng thuyền, “cấp thẩm quyền” đã bổ sung 4 nhân lực, bèn ra kế mới “Du long chuyển phượng”, tách 2 ghế 2 nơi, đẩy Tô vô cửa tử.

Tác giả cảm thán, giấc mộng đổi ngôi của Tô Đại tướng e rằng bất thành. Dân Đông Lào không biết nên vui hay nên buồn. Thoát nguy cơ làm thần dân của bạo chúa từng xua quân giết cụ Lê Đình Kình, bắt bớ đàn áp biết bao người bất đồng chính kiến, dân vẫn phải tiếp tục sống trong ách cai trị của thái thú thiên triều, dâng biển cho Formosa, đem núi rừng Tây Nguyên nuôi bô xít,… Một thái thú theo gương Putin, Tập Cận Bình, nuôi giấc mơ hoàng đế suốt đời, bất chấp lợi quyền dân tộc, ngay cả kỷ cương phép nước. Hiển hiện cụ thể trong lần này, Quốc hội, Hiến pháp bị biến thành hề trong cuộc chơi quyền bính.

 

Minh Vũ – thoibao.de