Dù được tặng, nhưng tượng Lenin dựng lên để làm gì?

Ngày 7/4, BBC Tiếng Việt có bài bình luận “Tượng Lenin ở Nghệ An, dựng lên để làm gì?”

Theo đó, một bức tượng đồng Lenin sắp được dựng lên tại trung tâm thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) đang trở thành chủ đề tranh luận trên mạng xã hội.

BBC dẫn tin từ VTC News cho biết, bức tượng nhà lãnh đạo vô sản – người sáng lập Liên bang Xô Viết – Vladimir Illyich Lenin (1870 – 1924), được tỉnh Ulyanovsk (Liên bang Nga) “trao tặng hoàn toàn”, theo quyết định của tỉnh này từ năm 2019.

Trước đó, vào năm 2017, tỉnh Nghệ An đã cùng Ulyanovsk khánh thành tượng đài cố Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ulyanovsk.

Hai tỉnh Ulyanovsk và Nghệ An đã kết nghĩa với nhau, theo tuyên bố chung.

BBC cho hay, tượng các lãnh tụ Cộng sản như Lenin, Fidel Castro, được dựng lên tại Việt Nam, nhằm nhấn mạnh vai trò của Chủ nghĩa Cộng sản và tình hữu nghị giữa các quốc gia chung ý thức hệ.

Tuy nhiên, khác với thời quá khứ, việc xây dựng tượng đài lãnh tụ ngày nay thường gây ra những ý kiến trái chiều.

Theo BBC, Hà Nội có Công viên Lê-nin và tượng Lê-nin, nơi người dân thường đến tập thể dục, lớp thanh niên tới nhảy múa và thỉnh thoảng lãnh đạo tới đặt hoa trong vài dịp lễ liên quan đến chính trị và lịch sử của Chủ nghĩa Cộng sản.

Việt Nam đã hoàn thành tượng này vào năm 1985, sau đó vườn hoa Chi Lăng được đổi tên thành Công viên Lê-nin hồi năm tháng 10/2003.

Với công chúng, không ít người nhìn những bức tượng này với cặp mắt hài hước. Bức tượng Lenin tại Hà Nội đã đi vào một bài vè và được phổ biến rộng rãi trong dân gian (Ông Lenin ở nước Nga/Sao ông lại đến vườn hoa nước mình?).

Nhân dịp Nghệ An sắp dựng tượng Lenin, nhiều người đã nhắc lại bài vè này, cũng như đặt câu hỏi, có nên dựng tượng hay không.

Vậy di sản của Lenin có gì?

BBC nhắc lại, Lenin là một trong số các nhân vật chính trị và nhà tư tưởng Cách mạng hàng đầu của thế kỷ 20, người đã lãnh đạo Bolshevik lên nắm quyền tại Nga vào năm 1917, và là nguyên thủ đầu tiên của Liên Xô.

Lenin được cho là người mạnh tay với trí thức và văn hoá truyền thống của Nga, khi cưỡng bức họ phải rời bỏ quê hương.

BBC cho biết, từ năm 1919, chính quyền của Lenin đã ra lệnh bắt hàng loạt trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sĩ Nga, gồm cả những người theo Đảng Kadet – lực lượng chính trị trung hữu, ủng hộ tự do cá nhân, bảo vệ thiểu số Do Thái, có mặt trong Viện Duma Nga từ năm 1906.

Trong thời kỳ Cách mạng Tháng 10 và xảy ra nạn đói Nga Povolzhye vào năm 1921, Lenin đã bỏ mặc sự chịu đựng của nhân dân và đàn áp thẳng tay đối với bất kỳ sự phản kháng nào.

Mặc dù Lenin tàn nhẫn, nhưng ông cũng là nhà kinh tế thực dụng.

Vẫn theo BBC, khi các nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế Nga sang mô hình Xã hội Chủ nghĩa bị bế tắc, ông đã đề ra Chính sách Kinh tế mới, theo đó các doanh nghiệp tư nhân được phép hoạt động trở lại, chính sách này vẫn tiếp tục cho đến những năm sau khi ông qua đời.

Dù lấy cảm hứng từ lý tưởng Cộng sản của Karl Marx và tư tưởng Xã hội của Friedrich Engels, Chủ nghĩa do Lenin tạo ra, cả về lý luận và trên thực tiễn, được cho là “nhà nước toàn trị hiện đại đầu tiên”, theo Bách khoa Toàn thư Anh Britannica.

BBC cũng cho biết, tại Việt Nam, Đảng Cộng sản cầm quyền vẫn coi Lenin là lãnh tụ tiên phong của giai cấp công nhân. Việt Nam vẫn trung thành với chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong định hướng phát triển của đất nước.

Các môn học về Marx-Lenin được dạy trong chương trình chính khóa từ phổ thông tới đại học, theo kiểu giáo điều, tuyệt đối hóa chân lý, không hoặc ít có sự phản biện đúng mức.

BBC cho biết thêm, các tượng đài Lenin ở các nước Đông Âu và Liên Xô cũ đã bị giật sập và phá ủi hàng loạt.

Thông tin các nước giật sập tượng đài Lenin được Ban Tuyên giáo Việt Nam kiểm soát chặt chẽ, không cho báo chí đưa tin.

 

Minh Vũ – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023