Một phụ nữ người Mỹ gốc Việt tử vong do nhiễm độc chì từ thuốc Đông Y Việt Nam

Ngày 4/4, RFA Tiếng Việt loan tin “Một phụ nữ ở California, Mỹ, tử vong sau khi dùng kem chưa bệnh trĩ gửi từ Việt Nam”.

Theo đó, một phụ nữ ở Sacramento, tiểu bang California (Mỹ), vừa qua đời vào tháng 3 vừa qua, do nhiễm độc chì nghiêm trọng, vì sử dụng kem chữa trĩ gửi từ Việt Nam. Hãng tin Fox News địa phương của Mỹ dẫn thông tin từ giới chức y tế tiểu bang California cho biết hôm 2/4.

RFA dẫn giới chức y tế Mỹ cho biết, kem được sử dụng có tên Cao bôi trĩ cây thầu dầu. Người phụ nữ đã mua hộp kem trên Facebook và hộp kem được người thân của người này gửi đến Mỹ từ Việt Nam.

Giới chức y tế California đã xét nghiệm hộp kem, và thấy có hàm lượng chì 4% được coi là mức nguy hiểm. Theo các giới chức y tế, bất cứ hàm lượng chì nào cũng đều gây hại cho sức khoẻ.

RFA cho biết, công dân California được khuyến cáo không sử dụng loại kem này và không tiếp tục mua nó. Những người đã sử dụng kem nên đến bác sĩ và thử máu, để xem có bị nhiễm chì hay không. Người trong nhà và đặc biệt là trẻ em cũng được khuyến cáo đi thử máu, để xác định có bị nhiễm chì hay không.

Liên quan đến nhiễm độc kim loại nặng từ thuốc Đông Y, báo Tuổi Trẻ ngày 3/5/2022 cho biết, nhiều người nhiễm độc nặng vì thuốc Đông Y “truyền miệng”, “rỉ tai”.

Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ phát hiện, những bệnh nhân này đều có tiền căn khỏe mạnh hoặc không có bệnh liên quan, nhưng sau đó, đột ngột xuất hiện các triệu chứng và diễn tiến nặng dần lên.

Tuổi Trẻ dẫn lời Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Văn Quang – Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Thống Nhất, Sài Gòn – cho biết, Bệnh viện này đã tiếp nhận những bệnh nhân bị nhiễm độc do uống thuốc Nam.

Bệnh nhân thường đến bệnh viện với biểu hiện nhiễm độc đường tiêu hóa, suy thận cấp, toan đông máu… Thông thường, các bác sĩ sẽ điều trị cho những trường hợp này giống như một ca bệnh bị ngộ độc cấp, để thải những độc tố ra bên ngoài cơ thể.

Tuy nhiên, với những trường hợp uống những loại thuốc này dài ngày, thì việc “súc rửa dạ dày” không còn tác dụng, mà khi đó, các bác sĩ sẽ chỉ điều trị triệu chứng cho bệnh nhân.

Tuổi Trẻ dẫn lời Bác sĩ Doãn Uyên Vy – phụ trách Phòng khám Chống độc Bệnh viện Chợ Rẫy – kể về trường hợp chị N.T.H, 27 tuổi, sau 4 dùng thuốc Nam thì dẫn tới tình trạng tiêu chảy kéo dài, cơ thể bị phù, suy kiệt… do nhiễm độc kim loại nặng từ thuốc. Bệnh nhân buộc phải truyền albumin, truyền đạm mỗi ngày, trong suốt hai năm, với tổng chi phí hàng trăm triệu đồng.

Theo Bác sĩ Hoàng Văn Quang, tùy theo trong thuốc Đông Y có độc chất gì, mà khi đến bệnh viện, người bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau.

Tùy theo triệu chứng, tình trạng, lời kể của người bệnh, bác sĩ có thể “đoán” xem loại thuốc đó có khả năng trộn những độc chất gì, những trường hợp còn lại sẽ phải xét nghiệm mới biết thuốc đó được “trộn” những độc chất nào… từ đó có cách điều trị cho bệnh nhân.

Tuổi Trẻ cho hay, có những loại thuốc Đông Y còn trộn những kim loại nặng, như chì, đồng, kẽm, asen… Khi uống những loại thuốc này sẽ gây ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể như tim, thận, mắt…

Trong các sách Đông Y có những vị thuốc như hùng hoàng, chu sa, dùng điều trị nhiều loại bệnh ngoài da, viêm nhiễm, sốt rét, an thần, chống co giật, mất ngủ, giang mai, trẻ con khóc đêm…

Những vị thuốc này có nguồn gốc từ những cục đá, khoáng chất chứa thạch tín và thủy ngân. Do thuốc Đông Y thường được tự pha chế thủ công, nên liều lượng không đồng đều ở các viên thuốc.

Câu hỏi đặt ra là: Chính quyền Việt Nam làm gì để ngăn chặn những loại thuốc độc hại này mà không ảnh hưởng đến ngành Y học Cổ truyền của dân tộc?

 

Quang Minh – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023