Ông Trọng mời một kẻ bị Toà án Hình sự Quốc tế truy nã đến thăm Việt Nam

Ngày 28/3, BBC Tiếng Việt có bài “Ông Putin có thể đến thăm Việt Nam khi đang bị Toà án Hình sự Quốc tế truy nã?”

Theo đó, BBC dẫn Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam cho hay, vào chiều 26/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong cuộc nói chuyện, ông Trọng đã chúc mừng ông Putin thắng cử, chia buồn với nước Nga về vụ khủng bố mới đây, cảm ơn nước Nga đã giúp đỡ và trao đổi về việc thúc đẩy quan hệ. Đồng thời, ông Trọng đã mời ông Putin thăm Việt Nam và ông Putin đã nhận lời, hứa hẹn sẽ sớm đến thăm vào dịp phù hợp.

BBC nhắc lại, hồi tháng 10/2023, ông Putin cũng nhận lời “sớm” đến thăm Việt Nam, theo lời mời của Chủ tịch nước khi đó là ông Võ Văn Thưởng.

Lúc bấy giờ, phản hồi từ phía Điện Kremlin là “Tổng thống Putin đã vui vẻ nhận lời và mời Chủ tịch nước thăm Nga vào thời gian thích hợp”.

Tuy nhiên, BBC cho biết, chuyến thăm của ông Putin đã không diễn ra trong bối cảnh Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh truy nã ông, từ tháng 3/2023.

BBC cho rằng, khác với phương Tây, Việt Nam nằm trong số ít quốc gia, bao gồm Bắc Hàn, Trung Quốc… có lãnh đạo “nhiệt liệt chúc mừng” ông Putin tái đắc cử để bước vào nhiệm kỳ 5 Tổng thống Nga, trong cuộc bầu cử bị phương Tây chỉ trích là “giả hiệu”.

BBC đánh giá, Việt Nam hiện không phải là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế ICC, do đó, ông Putin sẽ không bị bắt theo lệnh truy nã của ICC, nếu công du đến Việt Nam.

Kể từ khi bị Tòa án Hình sự Quốc tế phát lệnh truy nã vào ngày 17/3/2023, ông Putin đã công du đến các nước không phải là thành viên của ICC.

BBC dẫn nhận định của Phó Giáo sư lịch sử Iva Vukusic từ Đại học Utrecht (Hà Lan), rằng:

“Putin không ngu ngốc. Ông ta sẽ không công du đến quốc gia nước ngoài mà ông ta có khả năng bị bắt giam. ông ta sẽ không đi nhiều đến bất kỳ nơi nào khác ngoài những nước mà rõ ràng là đồng minh, hoặc thân cận với Nga.”

BBC liệt kê một số nước mà Putin đã đến sau lệnh truy nã, như: Kyrgyzstan, Trung Quốc, Belarus, Kazakhstan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ả Rập Xê Út.

Theo BBC, cho đến nay, Việt Nam luôn khẳng định “là bạn, là đối tác tin cậy của Liên bang Nga”, và luôn nhắc lại sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô trước đây cũng như Nga ngày nay.

Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có thực tế Việt Nam phụ thuộc vào vũ khí của Nga.

BBC nhận xét, thế lưỡng nan của Việt Nam trong việc phải đa dạng hóa kho vũ khí ngoài Nga, đã được nhắc đến nhiều từ năm 2022 đến nay, sau khi Nga xâm lược Ukraine và hứng chịu các lệnh trừng phạt quốc tế.

Việt Nam đang có xu hướng giảm mua đáng kể vũ khí từ Nga và tìm nguồn cung thay thế, đặc biệt ở các nước có thể có loại vũ khí và phụ tùng tương thích với Moscow.

BBC dẫn dữ liệu do Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hôm 11/3, lượng nhập khẩu vũ khí của Việt Nam năm 2023 giảm xuống mức nhỏ giọt, giữa lúc Hà Nội đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga.

Vẫn theo BBC, đã có nhận định cho rằng, Mỹ có thể thay thế dần vị thế của Nga về nhà cung cấp vũ khí chính cho Việt Nam, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có chuyển biến đáng kể.

BBC lý giải, mối quan hệ đặc biệt giữa Hà Nội và Moscow được coi là sự kế thừa về tình cảm từ thời Liên Xô.

Nhiều lãnh đạo cấp cao, quan chức các cấp, trí thức, doanh nhân Việt Nam từng học tập tại Liên Xô và nước Nga, thường giữ tình cảm đặc biệt với Nga và cả ông Putin. Các lãnh đạo Việt Nam thường nhắc tới sự giúp đỡ của Liên Xô.

Bên cạnh đó, xuất phát từ việc coi Mỹ và phương Tây như những cực đối lập về ý thức hệ, Việt Nam có xu hướng tìm đến những cường quốc có vị thế đối lập với phương Tây.

 

Xuân Hưng – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023