Những câu hỏi không lời giải đáp, xoanh quanh mối quan hệ giữa VinGroup và các đại án

Bí ẩn mối quan hệ giữa VinGroup và các đại án

Ngày 18/3, blog Trân Văn trên VOA Tiếng Việt bình luận “Qua toà, được nghe bà Lan và nhớ… VinGroup!”

Tác giả cho biết, khi trả lời Hội đồng xét xử sơ thẩm về vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các tổ chức có liên quan,… bà Trương Mỹ Lan khẳng định, bà có thể khắc phục hậu quả. Chẳng hạn, gia đình bà có thể bán cao ốc Capital Place tọa lạc ở quận Ba Đình, Hà Nội, để nộp một tỉ Mỹ kim bồi thường thiệt hại.

Theo tác giả, Cao ốc Capital Place là một phần của Dự án Vinhomes Metropolis của Vingroup.

Năm 2016, Uỷ ban Nhân dân Hà Nội đã ban hành quyết định thu hồi hơn 35.000 mét vuông ở số 29 Liễu Giai, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, để thực hiện Dự án “Vinhomes Metropolis”, nhắm tới mục tiêu “phát triển nhà ở xã hội” – loại nhà dành cho người nghèo, cần được hỗ trợ về nơi ở.

Tác giả cho rằng, lời khai của bà Lan khiến thiên hạ buộc phải hỏi: Dự án Vinhomes Metropolis đã hỗ trợ “phát triển nhà ở xã hội” như thế nào? “Phát triển nhà ở xã hội” có phải là một loại “đầu dê” được “treo”, để “bán thịt chó”? Những ai tham gia “treo” nhà nước lên giá, để thực hiện thương vụ này?…

Bởi, theo lời khai của bà Lan, thì bà đã trả tới 700 triệu Mỹ kim khi nhận chuyển nhượng lại chỉ một phần dự án (cao ốc Capital Palace)…

Tác giả nhận xét, Công an, Viện Kiểm sát, và cả Hội đồng Xét xử đều không chú ý, bận tâm đến điều này. Song công chúng thì khác! Chẳng hạn, trên mạng xã hội, ông Kim Van Chinh đã liệt kê ít nhất 4 khối tài sản trị giá cả tỷ Mỹ kim của Vạn Thịnh Phát, đều là nhận chuyển nhượng từ VinGroup.

Nhiều người thì vẫn chẳng hiểu tại sao, nhà nước lại giao nhiều khu đất được ví von là “kim cương”, là “vàng” cho VinGroup, để VinGroup tạo thành hàng hóa, rồi chuyển nhượng lại cho những doanh nghiệp như Vạn Thịnh Phát…

Tác giả bình luận, bà Lan làm người ta nhớ đến VinGroup, vì đây không phải là lần đầu tiên thiên hạ thấy bóng dáng của VinGroup phảng phất quanh các đại án.

Tác giả cho hay, VinGroup từng tiếp nhận rất nhiều người Việt phải cách ly khi hồi hương do đại dịch COVID-19. Trong khi, việc cung cấp dịch vụ lưu trú cho những người bị buộc phải cách ly, đã tạo ra khoản lợi nhuận khổng lồ. Bộ Công an từng yêu cầu các địa phương cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu, về quá trình tham mưu, lựa chọn doanh nghiệp tham gia thực hiện chủ trương cách ly… song cuối cùng, chỉ có một vài viên chức, doanh nghiệp nhỏ bị xử lý, vì đưa hối lộ và nhận hối lộ.

 

Tác giả tiếp tục cho biết, đại án “Việt Á” cũng thấp thoáng bóng dáng VinGroup, bởi mối quan hệ giữa ông Phạm Nhật Vượng và ông Phan Quốc Việt.

Sau khi Việt Á tăng vốn đăng ký từ 80 triệu đồng lên 1.000 tỉ đồng, công ty này đã liên tục được chọn làm nhà thầu, cho các gói thầu lớn của nhiều cơ sở y tế có qui mô cực lớn, như Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Quân Y viện 175 (Sài Gòn)… Và chỉ trong vòng chưa đầy 4 năm, Việt Á đã có tới 3.000 khách hàng, trở thành nhà thầu được chọn thực hiện 1.500 dự án.

Tác giả đặt câu hỏi: Bao giờ thì thiên hạ được biết, những ai đã góp 800 tỉ vào Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á?

Tương tự, vẫn theo tác giả, bao giờ thì thiên hạ được biết, vì sao VinGroup lại chọn ông Phan Quốc Việt – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Việt Á, làm cổ đông nắm giữ 30% vốn của “Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Vin-biocare” – doanh nghiệp được VinGroup thành lập, để sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu?

VinGroup bất cẩn khi chọn lãnh đạo một doanh nghiệp có vốn điều lệ lên tới cả ngàn tỉ, nhưng chỉ mượn địa chỉ một căn nhà ở Sài Gòn để đăng ký trụ sở chính, chứ không đặt văn phòng; hay vì những cổ đông của Việt Á?

Những câu hỏi mà tác giả đặt ra rất sắc bén, tuy nhiên, không có câu trả lời! Ngày mà xã hội nhận được câu trả lời, chính là ngày mà chế độ này cáo chung.

 

Ý Nhi – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023