Các nhóm “báo chốt” nở rộ tại Việt Nam

Ngày 14/2, RFA Tiếng Việt loan tin “Công an Lai Châu truy tìm những người viết Facebook “xúc phạm” cảnh sát giao thông dịp Tết”.

Theo RFA, Công an tỉnh Lai Châu đang truy tìm những người viết comment (nhận xét) trên Facebook, bị cho là đã xúc phạm cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ vào dịp Tết Nguyên đán.

RFA dẫn tin từ truyền thông nhà nước hôm 14/2, theo đó, Công an huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết, đang truy tìm, triệu tập những người viết bình luận thiếu chuẩn mực, vi phạm quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, trong bài viết của một Facebooker vừa bị xử phạt 7,5 triệu đồng, vì cáo buộc đưa tin sai sự thật, xuyên tạc.

RFA cho hay, người bị phạt là bà L.T.T., chủ tài khoản Facebook có tên Linh Nhi (sinh năm 1998). Vào ngày 13/2, Fanpage Công an tỉnh Lai Châu nhận được tố giác của quần chúng, về việc tài khoản “Linh Nhi” đăng tải nội dung xúc phạm lực lượng Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, trên mạng xã hội Facebook.

Facebooker này thừa nhận, đã chụp ảnh Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh, phối hợp Cảnh sát Giao thông Công an huyện Than Uyên, làm nhiệm vụ xử lý vi phạm tại đoạn quốc lộ 32, địa phận xã Mường Kim (ngày mùng 2 Tết), và đăng lên Facebook cá nhân để thông báo về chốt Cảnh sát Giao thông đang tuần tra kiểm soát.

RFA cũng cho biết, Công an huyện Than Uyên đã lập biên bản đối với Facebooker này, về hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Vẫn theo RFA, trên các mạng xã hội như Zalo và Facebook ở Việt Nam thời gian qua, có nhiều hội nhóm được thành lập để báo cho nhau những điểm có chốt của cảnh sát giao thông để tránh. Tuy nhiên, theo một thông tư vào năm 2019 của Bộ Công an, người dân dù được giám sát hoạt động của lực lượng cảnh sát giao thông, nhưng không được tùy tiện đưa các thông tin, hình ảnh cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ lên các mạng xã hội, đăng tin trong các hội nhóm.

Những người bị xác định là vi phạm Thông tư này, có thể bị phạt từ 5 đến 10 triệu dồng.

Trước đó, vào cuối tháng 11/2023, báo Hà Nội Mới cho biết, theo Công an Hà Nội, trên mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều các hội nhóm “báo chốt” cảnh sát giao thông. Ngoài ra, các hội nhóm trên còn đăng tải không ít thông tin xúc phạm cơ quan công an và lực lượng chức năng.

Báo Hà Nội Mới liệt kê các nhóm, như: Tránh chốt/ báo chốt 141; Chốt giao thông; Cảnh báo chốt giao thông; Thông chốt và báo chốt… có hàng nghìn người theo dõi, cập nhật thông tin thường xuyên về các địa điểm và hoạt động của lực lượng cảnh sát giao thông, lực lượng 141 khi đang làm nhiệm vụ.

Xã hơn, vào tháng 9/2023, trang VOV cho biết, Công an thành phố Hòa Bình đã xử phạt số tiền 7,5 triệu đồng, đối với chủ nhóm Zalo có tên “Trên mọi nẻo đường” với 700 thành viên, vì thường xuyên báo chốt giúp cho các thành viên né kiểm tra, tránh thổi nồng độ cồn. Trưởng nhóm Zalo “Trên mọi nèo đường” là bà V.T.T.N (trú tại tổ 5, Tân Hòa). Bà V.T.T.N bị buộc phải xoá bỏ nhóm Zalo “Trên mọi nẻo đường”.

Việc các nhóm “báo chốt” nở rộ cho thấy sự phản kháng (dù nhỏ) của người dân đối với cảnh sát giao thông nói riêng và công an nói chung. Bởi nhìn chung, người Việt thường chấp nhận tuân thủ các yêu cầu của công an, dù là vô lý. Đa số rất ngại và né tránh những vấn đề có liên quan đến chính quyền.

Một đám cháy lớn sẽ bắt đầu từ những đốm cháy nhỏ như thế này. Nếu chính quyền Việt Nam không thay đổi cách hành xử thô bạo đối với dân, thì một ngày nào đó, “tức nước sẽ vỡ bờ”, nhất là trong bối cảnh người dân đang khốn khổ vì kinh tế kiệt quệ như lúc này.

 

Xuân Hưng – thoibao.de

14.2.2024

Kasse animation 7.8.2023