Đất lành chim đậu, đất không lành chớ đậu nghe chim!

Ngày 8/2, báo Tiếng Dân có bài “Đất lành chim đậu, đất không lành chớ đậu nghe chim!” của nhà báo Mai Bá Kiếm.

Tác giả cho biết, chính xác là 5 ngày, từ ngày 26 đến 30/1, có 399 chuyến bay rỗng đến Tân Sơn Nhất để chở hàng chục ngàn khách về miền Trung, miền Bắc. Tương tự, xe lửa và xe đò cũng chạy xe rỗng đến ga Hòa Hưng và Bến xe Miền Đông để chở khách về hướng Bắc. Nguyên nhân đơn giản là, không có người miền Nam đi hướng Bắc để mưu sinh.

Năm 1990, tác giả ra Hà Nội tường thuật kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 8, Phương Dung (phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam) dẫn tác giả đi ăn “bún dọc mùng” (bạc hà) ở phố Lò Đúc của một bà người Bắc, có chồng là người Bình Dương tập kết.

Năm 2001, Phương Dung lại dẫn tác giả đến nhà bác Đ. ở phường Kim Mã, người Long Xuyên tập kết, sống với một con gái nuôi.Bản chất tò mò, tác giả hỏi vì sao không về Nam? Bác Lò Đúc trả lời: Cha mẹ, anh chị em không còn, lúc tập kết độc thân cưới bà “dọc mùng” từ 1958, đã quen cơm Hà Nội. Bác Đ thì nói: Lấy vợ 3 năm chưa có con, tập kết lấy vợ Hà Nội cũng không con. Sau 1975, mới biết vợ cũ có 5 con với một lính quốc gia, ông buồn ở lại Hà Nội với con gái nuôi.

Qua bác Đ., tác giả gặp bác Có (tập kết, lái xe cho Tòa Đại sứ Tiệp), có vợ Hà Nội, không còn thân nhân. Bác Đ. cho biết, còn hai bạn tập kết ở Gia Lâm và Sóc Sơn, quá xa nên không dẫn tác giả đi gặp được. Sau đó, tác giả viết bài “Những cán bộ tập kết chịu cơm Hà Nội”. Bình Nguyên (phóng viên báo Tuổi Trẻ) nói với tác giả: “Em nghĩ đề tài này lâu rồi, mà anh viết trước”.

Tác giả nhận xét, Hà Nội sáp nhập Hà Tây và một số huyện của Vĩnh Phúc, Hòa Bình. Hạ tầng giao thông (xa lộ, cao tốc) ở phía Bắc thông suốt, vắng người. Đường sá ở miền Tây Nam phần chật hẹp, nhà cửa ọp ẹp, dân nghèo hơn miền Bắc, vậy mà họ không tha phương ra Bắc cầu thực.

Tác giả cho rằng, đất lành không cấu thành bởi hạ tầng kiến trúc tốt, mà đất lành hình thành từ tấm lòng bao dung của dân sở tại. Đất lành không do vàng trong dân còn nhiều, mà do dân xứ đó hào phóng, không có vàng vẫn mượn tiền tiêu xài.

Theo tác giả, thị trường tiêu thụ ở miền Nam lớn đến độ miền Bắc và miền Trung đến mưu sinh còn có dư đem về. Chính phủ Mỹ mang nợ công nhiều nhất thế giới, dân Mỹ đều mua nhà, mua xe trả góp, sinh viên Mỹ vay tiền đi học. Toàn dân ăn trước trả sau đã tạo nên thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Vì vậy, các chế độ độc tài thù Mỹ vẫn muốn giao thương với Mỹ, cho con định cư ở Mỹ.

Tác giả lo lắng bình luận, rồi đây, khi Campuchia đào xong kênh Funan (Phù Nam), nước Mekong đổ ra vịnh Thái Lan, Tiền Giang, Hậu Giang sẽ cạn nước, 18 triệu dân sẽ nghèo đói hết tiêu xài, thiếu người hảo tâm bố thí, triệt tiêu thị trường tiêu thụ miền Nam. Đáng lo nhất là mũi Cà Mau hết chỗ lùi theo trục di dân một chiều “từ Bắc vô Nam”!

Tác giả cảm thán: Làm sao vui xuân khi nghĩ đến viễn cảnh như vậy?

Quả thực, đất lành miền Nam những năm qua đang bị xâm hại nặng nề. Các thuỷ điện lớn nhỏ trên dòng Mekong đã chặn đi dòng nước, dòng phù sa và cả nguồn thuỷ sản đổ về Đồng bằng Sông Cửu Long. Khiến vùng này trở nên khô hạn và bị nước mặn xâm nhập ngày càng sâu, hiện tượng sụt lún bất thường ngày một nhiều… Một khi kênh đào Phù Nam hoàn tất, cũng là lúc “chiếc đinh cuối cùng đóng lên nắp quan tài Đồng bằng Sông Cửu Long” giáng xuống, và đồng bằng này phải chết, không còn phương cứu chữa!

Dân lo! Đảng có lo không? Khi mà Đảng không làm gì để ngăn chặn dự án Phù Nam, thậm chí còn tiếp tay huỷ diệt Đồng bằng Sông Cửu Long khi mau điện từ thuỷ điện của Lào, vốn là những công trình chặn nước từ thượng nguồn Mekong đổ về.

 

Thu Phương – thoibao.de

9.2.2024

Kasse animation 7.8.2023