Tô đại có tật giật mình, sợ Tổng Trọng “giả chết bắt quạ”, không khảo mà khai?

Những đồn đoán về sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam – sau hơn nửa tháng vắng mặt, dần dần đã có câu trả lời.

Trong thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay, ông Trọng là người đứng đầu Đảng Cộng sản, và cũng là người nắm giữ quyền lực cao nhất.

Ngày 12/1, một số hãng truyền thông quốc tế nổi tiếng như BBC, Reuters, Bloomberg… đã chính thức loan tin, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải nhập viện cấp cứu. Một hãng tin tiết lộ “ông Nguyễn Phú Trọng đã phải nhập viện từ đầu tuần, vì một căn bệnh chưa xác định, theo hai quan chức ẩn danh”.  Vẫn theo hãng tin này, họ không có điều kiện xác định ngay mức độ nghiêm trọng của bệnh tình.

Đáng chú ý, một bản tin trên trang nhất của Đài Tiếng nói nước Pháp RFI, dẫn lời nhà báo Lê Trung Khoa (Thời Báo Đức), từ Berlin, cho biết nhiều thông tin chi tiết về tình trạng sức khỏe của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cụ thể:

“Ba nguồn tin khác nhau của chúng tôi cho biết, ông Nguyễn Phú Trọng đã bị đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện 108. Bệnh ông bị là viêm cúm A. Tình trạng sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay rất xấu. Thời tiết Hà Nội mấy hôm nay rất ẩm, chất lượng không khí rất tồi, lại thêm dịch cúm A đang hoành hành mạnh. Người già như ông Nguyễn Phú Trọng, yếu sẵn rồi, chịu không nổi, nhưng đến mức như một số nơi nói là ông có thể ra đi ngay thì cũng chưa phải.”

RFI cho hay, nhà báo Lê Trung Khoa – chủ bút của thoibao.de – cho biết và giải thích:

“Tuổi cao, ông ấy phải truyền thêm cả máu, và có thêm bệnh lý về tụy. Trong quá trình cấp cứu, đã phải đặt nội khí quản để trợ thở, vì cúm A mà ông bị tác động rất tệ đến phổi. Theo thông tin tôi được biết các thiết bị y tế tốt nhất, các bác sĩ tốt nhất đang cố gắng cứu chữa. Chưa phải đến mức hôn mê, mà chỉ ở mức cấp cứu tích cực. Tuy nhiên, ông căng thẳng vì công việc và ít được nghỉ ngơi, tức là ông vẫn có những chỉ đạo với những việc quan trọng mà phải có ý kiến của ông. Thời gian tới có hồi phục được hay không, chúng ta phải theo dõi thêm.’’

Theo giới quan sát đánh giá, đây có lẽ là một thông tin khá chi tiết, và đã giải tỏa được thắc mắc của số đông người Việt Nam trong và ngoài nước, trước một “cơn bão tin đồn” rất khó kiểm chứng.

Trong lúc truyền thông nhà nước Việt Nam im lặng, không đưa ra bất cứ một thông tin hay lời giải thích nào để cải chính, thì trên mạng xã hội, bất ngờ xuất hiện một bản tin của Công an tỉnh Vĩnh Phúc, bác bỏ tin ông Nguyễn Phú Trọng “qua đời”.

Theo giới quan sát, chiều 13/1, trang Facebook Công an tỉnh Vĩnh Phúc xuất hiện một thông báo, cho biết:

“Mạng xã hội TikTok, các trang báo phản động đang xuất hiện các thông tin sai sự thật về Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng như “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời,”; “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vắng mặt đi chữa bệnh”… Đây là các thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, quý bạn đọc và nhân dân lưu ý.”

Công luận nêu thắc mắc, không biết tại sao, đột nhiên cơ quan Công an tỉnh Vĩnh Phúc, một tổ chức trực thuộc Bộ Công an, lại là tổ chức đứng ra bác bỏ tin đồn, và làm công việc mà lẽ ra phải thuộc về các cơ quan chức năng nhà nước, như Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin Truyền thông, hay Ban Tuyên giáo Trung ương…. Đây không phải là việc của công an cấp tỉnh.

Vụ việc vừa kể làm cho một số người nghi ngờ, và thấy rằng, nó có nét “hao hao” như vụ việc xảy ra vào trung tuần tháng 11/2023, khi Công an tỉnh Thái Bình nhận lệnh của Bộ Công an, tiến hành bắt giữ khẩn cấp cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.

Vậy, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đang có tính toán gì? Khi mà trên mạng xã hội và các diễn đàn chính trị, có nhiều ý kiến đánh giá, cho rằng, nhân sự thay thế cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nếu như, trong trường hợp ông Trọng không thể tiếp tục thực hiện chức trách, thì chỉ có Bộ trưởng Bộ Công an là người có đủ kinh nghiệm, đủ quyền uy, là phù hợp nhất để kế nhiệm.

Thậm chí, có những ý kiến cho rằng, trong trường hợp Tổng Bí thư Trọng – trụ cột chính của Đảng Cộng sản Việt Nam – có vấn đề về sức khỏe, nếu không phải là Bộ trưởng Tô Lâm thay thế, thì có thể có nguy cơ dẫn tới “vỡ Đảng”.

Trong những ngày này, cụm từ “giả chết bắt quạ” đã trở thành một cụm từ “hot”, được sử dụng liên quan đến những nghi ngờ rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhập viện là điều có thật, nhưng vẫn chưa qua đời. Và biết đâu, Tổng Trọng cũng chơi chiêu “giả chết bắt quạ”, để dò lòng một vài ai đó, xem họ có thái độ như thế nào, một khi ông Trọng thật sự đi vào cõi “vĩnh hằng”.

Có hay không việc Bộ trưởng Công an Tô Lâm có tật giật mình, nên đã vội vã chỉ đạo Công an tỉnh Vĩnh Phúc, một tổ chức trực thuộc Bộ Công an, đứng ra để phản bác “những luận điệu của các thế lực thù địch”, cho rằng Tổng Trọng đã chết, để chứng tỏ lòng “trung thành”./.

Trà My – Thoibao.de

14.1.2024