Tiền tham nhũng trong Đảng vô cùng lớn, rửa bằng cách nào?

Lương của ông Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khoảng 800 USD/tháng. Tuy nhiên, ông dám ăn một bữa ăn thịt bò dát vàng tại London, Anh Quốc, với giá bằng khoảng 3 tháng lương của ông. Đấy là dấu hiệu của việc tiêu tiền bẩn của quan chức. Chắc chắn, bữa ăn đó không được chi trả bằng tiền lương của ông, bởi không ai dám ăn bữa ăn bằng 3 tháng lương, khi trong túi không có nhiều tiền.

Ngoài ra, ông Tô Lâm còn cho con gái ông, Tô Hà Linh, đi du học Anh, với chi phí khoảng 100 ngàn Bảng mỗi năm, thì tiền đấy cũng không thể là từ đồng tiền sạch, nghĩa là tiền lương và các khoản thu nhập công khai khác. Mà không riêng con ông Tô Lâm, con gái ông Vương Đình Huệ, cô Vương Hà My cũng du học Mỹ với chi phí đắt đỏ. Vậy ông Vương Đình Huệ cũng dùng tiền sạch được sao? Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng cho quý tử là Nguyễn Xuân Hiếu đi du học Mỹ từ rất sớm, đấy cũng là tiền bẩn.

Hiện nay, trong bộ máy chính quyền, bên Đảng cũng như bên nhà nước, và cả doanh nghiệp nhà nước, đều nằm trong tay những người tham nhũng quản lý. Quan to tham nhũng to, quan nhỏ tham nhũng nhỏ. Từ một Tổ trưởng Tổ dân phố cũng có cách kiếm chác, cho đến Thủ tướng hay Tổng Bí thư cũng không ngoại lệ.

Một khi trò kiếm tiền bẩn đã trở nên phổ biến, đồng thời, lò ông Trọng cũng đã đốt khá nhiều củi tham, thì việc quan chức phải rửa tiền bẩn trước khi cho vào túi là điều bắt buộc phải làm. Khi một người quyền lực còn trong tay, thì không ai dám khui ra sai phạm của họ. Nhưng khi người đó đã hết quyền lực, thì có khả năng sẽ bị khui ra các sai phạm. Khi đó, quan tham sẽ phải ôm tiền chạy chọt cho các đồng chí đang điều tra mình, rất khổ sở. Vậy nên, họ cần phải rửa tiền để được ăn ngon ngủ yên.

Lâu nay, chính sách của Đảng Cộng sản là chặn tối đa dòng ngoại tệ chuyển từ trong nước ra nước ngoài, và mở hết công suất cho dòng ngoại tệ từ ngoài rót vào. Ví dụ, người Việt muốn chuyển tiền ra nước ngoài, dù chỉ vài trăm đô la Mỹ, nhưng hệ thống chuyển tiền dưới sự kiểm soát của nhà nước, gồm ngân hàng và các dịch vụ chuyển tiền như Western Union hay Money Gram, đều đòi phải có đủ các giấy tờ rất nhiêu khê. Trong khi đó, ở các nước khác, như tại Thái Lan, việc chuyển vài ngàn đô la ra nước ngoài là rất dễ dàng.

Tuy nhiên, dù chặn dòng ngoại tệ chuyển ra ngoài bằng rào cản thủ tục, vẫn không thể nào ngăn chặn được các quan chức Việt Nam chuyển ngoại tệ ra nước ngoài. Một người làm việc trong chính quyền cho chúng tôi biết, họ có cách để chuyển tiền, không thông qua các kênh chính thống. Có như vậy, tiền tham nhũng mới có thể chảy ra nước ngoài, để tránh bị các đồng chí cướp lại, nếu việc tham nhũng bị phơi ra ánh sáng.

Mới đây, báo chí đưa tin, năm 2023, thành phố Hồ Chí Minh thu hút vốn FDI được khoảng 3,4 tỷ USD; lượng kiều hối chuyển về đạt gần 9 tỷ USD, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là lượng kiều hối tăng đột biến, hoàn toàn không bình thường. Nếu bình thường, lượng kiều hối chỉ tăng nhẹ.

Suốt năm 2023, lượng kiều hối tăng đột biến, cùng với đó là nhiều vụ án tham nhũng lớn bị hốt, trong đó có nhiều quan chức dính chàm, phải chi rất nhiều tiền để được các “đồng chí quan tòa” giảm án. Do đó, những đồng tiền tham nhũng không chịu rửa hoặc không kịp rửa, cũng là một rủi ro rất lớn.

Có ý kiến cho biết, lượng tiền tham nhũng hiện nay đang tranh nhau chảy ra nước ngoài, rồi chạy lòng vòng qua nhiều cửa để rửa “cho sạch”, sau đó, nó nhập lại vào dòng kiều hối để quay trở về Việt Nam.

Như vậy, tiền tham nhũng ra khỏi Việt Nam bằng đường “chui”, rồi quay trở lại Việt Nam bằng con đường chính thống, thông qua “kiều hối”. Chúng tôi chưa có điều kiện xâm nhập đường dây rửa tiền này để kiểm chứng, nhưng ý kiến này khá hợp lý.

Hiện nay, tiền tham nhũng trong cán bộ Đảng là rất lớn, đó là điều có thật. Nhu cầu rửa tiền cho sạch để an tâm sử dụng cũng là thật. Vì vậy, khả năng rửa tiền thông qua “kiều hối” rất có thể là một sự thật đang còn ẩn giấu.

Ý Nhi – Thoibao.de

26.12.2023

Kasse animation 7.8.2023