Mục tiêu của Tổng Bí thư trong việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm là gì?

Ngày 25/10, Quốc hội Việt Nam đã tiến hành thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm, đối với 44 nhân sự do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Kết quả phiếu tín nhiệm cụ thể theo từng mức, của các cá nhân đã được truyền thông nhà nước công bố chi tiết.

Việc tên gọi của 3 mức đánh giá, đối với sự tín nhiệm ở Việt Nam là: tín nhiệm cao; tín nhiệm và tín nhiệm thấp, đã gây ra nhiều tranh cãi. Trong khi, phổ biến ở các quốc gia khác, chỉ có 2 mức, cụ thể là tín nhiệm và bất tín nhiệm.

Nhà báo Lưu Trọng Văn viết trên trang Facebook cá nhân, đã đặt vấn đề khá thú vị:

“Câu hỏi đặt ra: Tại sao trong 500 vị đại biểu Quốc hội, hầu hết trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư, tức là có trí tuệ sáng láng, có kho tàng tiếng Việt trong sáng, lại không thấy vị nào thắc mắc cái việc mà hầu hết cử tri cho là “buồn cười”, khi Quốc hội đề ra ba mức tín nhiệm, trong đó có cụm từ “tín nhiệm thấp” để các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu?

Ở đây, tiếng Việt thêm một lần thử thách… Đến giờ, gã vẫn không hiểu nổi “tín nhiệm thấp” nghĩa là thế nào?”

Còn nhà báo Lê Huyền Ái Mỹ, cựu Tổng biên tập báo Phụ Nữ thành phố Hồ Chí Minh “càm ràm” trên trang cá nhân rằng, “Nghe rang rảng công khai số phiếu “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm thấp” mà bực cho cái sự trong sáng của tiếng Việt. Chưa nói đến tỷ lệ cao tín nhiệm thấp và tỷ lệ thấp phiếu tín nhiệm cao, nhịu cả lưỡi”.

Nhưng giới chuyên gia cho rằng, đó là sự lắt léo có chủ ý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam muốn mập mờ cho người dân thấy, lãnh đạo Đảng không có ai bất tín nhiệm. Vì mức cuối – “tín nhiệm thấp” – thì vẫn là tín nhiệm.

Đó là một trong những lý do mà giới chuyên gia khẳng định, việc lấy phiếu tín nhiệm lâu nay chỉ là một chiêu trò, có tính chất mị dân. Việc này chỉ để thể hiện chức năng giám sát của Quốc hội là có, chứ kết quả lấy phiếu tín nhiệm hoàn toàn không có tác dụng gì cả.

Nhưng, Đài Á Châu tự do đã dẫn ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, chuyên gia nghiên cứu về chính trị Việt Nam, thì cho rằng:

“Việc lấy phiếu tín nhiệm là sự thận trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm tránh tình trạng đấu đá nội bộ, và cách này, một phần nào đấy để giảm thiểu các rủi ro, thứ nhất là gây mâu thuẫn trong nội bộ, hai là nguy cơ những phe nhóm trong nội bộ lợi dụng chuyện lấy phiếu tín nhiệm này để tạo ra bè phái. Đây là nguy cơ mà Đảng Cộng sản Việt Nam rất lo ngại.”

Mặt khác, trước khi Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, truyền thông nhà nước Việt Nam cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội để làm căn cứ lựa chọn nhân sự lãnh cấp cao cho Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 14, sẽ diễn ra đầu năm 2026.

Theo giới thạo tin đánh giá, thì việc lấy phiếu tín nhiệm, là cơ hội cho Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sử dụng ‘sân nhà” để ghi điểm. Đồng thời, ông Huệ, với vai trò chủ nhà, sẽ tìm cách để đánh thấp điểm của các đối thủ cùng chạy đua vào chiếc ghế Tổng Bí thư?

Điều đó có liên quan gì tới việc, tại Hội nghị Trung ương 7 (giữa nhiệm kỳ) khóa 13, vào tháng 5/2023, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã lấy phiếu tín nhiệm trong nội bộ Đảng, đối với 21 ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Dư luận lúc đó quan tâm tới 3 ứng viên sáng giá, gồm Vương Đình Huệ, Phạm Minh Chính và Võ Văn Thưởng, được cho là sẽ tranh chức vụ Tổng Bí thư khóa 14 sắp tới.

Trước đó, có nhiều đồn đoán cho rằng, Tổng Trọng muốn loại Chính để chọn Huệ ngồi vào “ngai vàng”. Nhưng kết quả bất ngờ, số phiếu tín nhiệm của Vương Đình Huệ và Phạm Minh Chính lại ngang ngửa, và cả hai đều xếp sau Võ Văn Thưởng.

Vì thế, việc bỏ phiếu tín nhiệm ngày 25/10 rất quan trọng với tương lai của ông Vương Đình Huệ. Thực tế, kết quả công bố cho thấy, Huệ đã bỏ xa Phạm Minh Chính. Kết quả đó sẽ tạo tiền đề cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp xếp nhân sự kế nhiệm tại Đại hội 14 được thuận lợi hơn, với ý đồ đã chọn.

Nếu như vậy, kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm vừa qua ở Quốc hội, rõ ràng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đạt được mục tiêu. Điều đó cho thấy, việc lấy phiếu tín nhiệm cuối cùng chỉ nhằm phục vụ cho cuộc đấu đá nội bộ, và tranh giành quyền lực ở thượng tầng chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam mà thôi./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023