Tô “Rừng” để xổng cá gộc, “ngài” Bộ trưởng thừa bạo lực nhưng thiếu tính toán!

Thời Tô Lâm nắm quyền Bộ Công an, cũng là thời mà những nhân vật cộm cán “xuổng chuồng” trốn ra nước ngoài nhiều nhất. Những trường hợp có thể kể ra như: Trịnh Xuân Thanh – cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang; Vũ Đình Duy – cựu Tổng Giám đốc Pvtex Đình Vũ; Hồ Thị Kim Thoa – cựu Thứ trưởng Bộ Công thương; Bùi Quang Huy – cựu Giám đốc Nhật Cường Mobile, Nguyễn Thị Thanh Nhàn – cựu Chủ tịch AIC vv…

Việc có nhiều người trốn ra nước ngoài trước khi có lệnh bắt, điều đó cho thấy, công tác bảo mật thông tin điều tra tội phạm của ngành công an có vấn đề nghiêm trọng. Phải có người từ bên trong để lọt tin ra ngoài, thì những người này mới biết mà cao chạy xa bay. Việc để cho con mồi trốn thoát, bắt lại sẽ khó khăn hơn gấp trăm ngàn lần, so với việc bất ngờ bắt giữ.

Việc để thông tin mật bị rò rỉ cho thấy, Bộ Công an do ông Tô Lâm điều hành đang có vấn đề nghiêm trọng. Tại sao không bảo mật cho tốt, mà lại để thông tin lộ ra ngoài, rồi sau đó phải vất vả sang nước ngoài bắt cóc. Từ đó dẫn tới hệ lụy nghiêm trọng, là mối quan hệ giữa Việt Nam và Đức trở nên lạnh nhạt, khiến cho nhiều doanh nghiệp hai bên rất vất vả trong việc kết nối làm ăn.

Để xổng rất nhiều “cá gộc”, nhưng Tô Lâm đã bắt lại được bao nhiêu người? Chỉ mới bắt cóc được Trịnh Xuân Thanh, Đỗ Văn Sơn, còn những người khác đều bặt vô âm tín.

Thậm chí, hành động bắt cóc của Tô Lâm đã tạo điều kiện để có người tìm được nơi ẩn náu rất an toàn. Chính bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã lợi dụng mối quan hệ sóng gió giữa Berlin và Hà Nội, để ẩn nấp tại Đức, một nơi khá an toàn hiện nay. Làm Bộ trưởng Bộ Công an cần có sự tính toán hơn người, cần bảo mật thông tin điều tra thật tốt, cần có yếu tố bất ngờ khi chuẩn bị bắt giữ. Tuy nhiên, dưới bàn tay Tô Lâm thì dường như chẳng có bí mật nào giữ được.

Mới đây, báo chí đã đăng thông tin, kêu gọi 2 cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị, cùng 5 cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB “tự giác ra đầu thú” để được hưởng “khoan hồng”. Lại là bài kêu gọi đầu thú như công an đã làm với trường hợp bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Ông Nguyễn Phú Trọng đang dùng ông Tô Lâm, và có vẻ như, ông Trọng hài lòng về ông Bộ trưởng này. Bởi chỉ có Tô Lâm mới dám tổ chức bắt cóc người từ Âu châu đưa về Hà Nội. Xem ra, có vẻ như đây là công lao lớn, nhưng thực sự không phải, đây chỉ là hành động “chuộc tội” vì đã để “cá gộc” Trịnh Xuân Thanh “xổng chuồng” trước đó.

Nếu không lỡ để con mồi “sổng chuồng”, thì đâu phải vất vả bắt cóc người, để rồi giữa Việt Nam và Đức gặp khủng hoảng ngoại giao trong nhiều năm liền như thế. Tính ra, ông Tô Lâm phá nhiều hơn xây, không biết ông Nguyễn Phú Trọng có nhận ra điều này hay không?

Không biết, hai vị cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB có phải là người có khả năng nhìn thấu tính toán của ông Tô Lâm, như Nguyễn Thị Thanh Nhàn hay không. Nếu được như bà Nhàn, thì e rằng, không phải ông Tô Lâm vờn mồi, mà có khi mồi lại vờn Tô Lâm mất thôi.

Nếu là một Bộ trưởng có năng lực, thì không thể để xổng quá nhiều “cá gộc” như thế. Là Bộ trưởng có năng lực, thì giải quyết vấn đề gọn ghẽ, mà không để lại hậu quả. Nhìn Tô Lâm thì ắt biết, với người bất đồng chính kiến, ông tỏ ra rất hung hăng, nhưng với quan tham hay doanh nghiệp làm ăn phi pháp, cần phải bắt thì ông lại để xổng. Rồi khi ông giải quyết hậu quả do chính ông gây ra, thì ông lại tiếp tục để lại những hậu quả khôn lường khác. Trường hợp bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là ví dụ.

Với năng lực như thế thì làm sao khiến quan tham chùn tay? Làm sao những đại gia làm ăn bất chính có thể sợ. Họ dễ dàng khai thác “thông tin mật” từ lính của Tô Lâm, để có thể tiên liệu tình huống xấu, rồi bỏ trốn. Như vậy, không thể khiến người ta sợ mà chùn tay?

Đảng Cộng sản Việt Nam có một ông Bộ trưởng Bộ Công an như Tô Lâm, thì dễ dàng hỏng việc, và dễ dàng mang tai tiếng.

Ý Nhi – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023