Sự nguy hại của dự án kênh đào Đế chế Phù Nam

Link Video: https://youtu.be/3nVPFV6vp_0

Ngày 16/10, RFA Tiếng Việt có bài phỏng vấn Kỹ sư Phạm Phan Long, Chủ tịch Viet Ecology Foundation- một Tổ chức Phi chính phủ (NGO) ở Hoa Kỳ, về đại dự án kênh đào Đế chế Phù Nam. Theo ông Long, đó là “âm mưu thâm độc của Bắc Kinh”.

Kỹ sư Phạm Phan Long cho biết, Ủy ban sông Mekong quốc gia Campuchia đã công bố bản thông báo về kế hoạch đào kênh Phù Nam, dưới tên Funan Techo Canal, dài 180 km, rộng từ 80 m tới 100 m, mực nước 4,7 m.

Kênh đào này bắt đầu từ sông Mekong, nối sang sông Bassac và hướng ra vịnh Thái Lan. Song song hai bên kênh sẽ có 200 km đường cao tốc kết nối các thị trấn.

Công ty quốc doanh China Communication Construction của Trung Quốc đã bí mật thực hiện nghiên cứu khả thi dự án này từ 2021. Công trình này sẽ được tài trợ bởi chương trình Vành đai Con đường của Trung Quốc, với kinh phí 1,7 tỉ Mỹ kim.

Kỹ sư Long dẫn lời Tiến sĩ Brian Eyler (Mỹ), cho rằng, kênh đào này cần ít nhất 77 triệu mét khối nước để lấp đầy kênh khi nó hoàn thành. Nó sẽ hạ thấp mực nước sông Mekong ở khu vực Phnompenh và Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam. Nó cũng sẽ tác động nguy hại đến dòng chảy ngược vào Hồ Tonle Sap, một quá trình tự nhiên hiện đang giúp duy trì chủ yếu ngành ngư nghiệp nội địa của Campuchia và nông nghiệp Nam Bộ của Việt Nam.

Như vậy, mùa khô ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ít nước hơn, khiến tình trạng nhiễm mặn trầm trọng hơn.

Theo Kỹ sư Phạm Phan Long, đáng quan tâm hơn nữa là, sau khi có con kênh này rồi, Campuchia có thể đơn phương bơm nước từ kênh này ra tưới khắp châu thổ vùng Takeo, suốt lộ trình 180 km cho tới vịnh Thái Lan. Khi đó, lượng nước Campuchia cắt, không cho về châu thổ Cửu Long sẽ không thể nào lường được, lúc đó Việt Nam có lẽ sẽ bó tay.

Tuy nhiên, kênh Phù Nam cũng sẽ gây tác động nhất định lên Biển Hồ Tonle Sap. Vì từ nhiều năm nay, Biển Hồ đã bị mất dần nhịp lũ. Khi thêm kênh Phù Nam, thì liệu nhịp lũ cho Biển Hồ còn tồn tại được không?

Hình: Bài trên RFA

Kỹ sư Phạm Phan Long cho rằng, từ 1995, Trung Quốc đã kích động sự chia rẽ giữa hai dân tộc Campuchia – Việt Nam, khiến hai bên không hậu thuẫn cho nhau, để Trung Quốc và Lào khai thác thủy điện trên dòng Mekong. Trung Quốc dẫn dắt Lào, biến họ trở thành bình điện của Đông Nam Á. Kết quả trước mắt là Campuchia và Việt Nam hưởng ít lợi nhất, nhưng gánh tất cả thiệt thòi.

Tình trạng bất công nói trên vi phạm tôn chỉ của Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1997 cho các dòng sông quốc tế. Nguyên tắc không gây nguy hại và chia sẻ công bằng hợp lý giữa các nước không được thực hiện, mà tổ chức Ủy hội Sông Mekong nghiễm nhiên đi ngược với tôn chỉ của Hiệp định 1995 lập ra tổ chức này.

Kỹ sư Phạm Phan Long nhắc lại quan sát của Tiến sĩ Brian Eyler, cho rằng, kênh Phù Nam có thể là cái đinh cuối cùng đóng trên nắp quan tài Đồng bằng sông Cửu Long. Trung Quốc đã đem quan tài này để Campuchia và Việt Nam xô đẩy nhau cùng ngã vào. Kênh Phù Nam với quyết tâm của Campuchia có lẽ sẽ tiến hành. Việt Nam có thể phản đối, như từng phản đối các dự án của Lào. Nhưng có lẽ, cả hai sẽ cùng đạt được lợi ích chung, nếu Việt Nam thỏa hiệp được với Campuchia, để cả hai cùng nhau bảo vệ Biển Hồ và Đồng bằng sông Cửu Long, dựa vào các thủ tục và quy định của Ủy hội Sông Mekong.

Kỹ sư Phạm Phan Long nhấn mạnh, trước dự án kênh Phù Nam, Campuchia và Việt Nam cần tìm cách hợp tác và tránh gây tranh chấp. Hai nước không nên để cho Trung Quốc khai thác cơ hội biến Phù Nam thành biểu tượng xung đột giữa hai dân tộc. Campuchia và Việt Nam đều phải nhận thấy âm mưu thâm độc của Trung Quốc và nhảy ra khỏi cỗ quan tài “Made in China”, bằng một liên minh chiến lược toàn diện, bảo vệ quyền lợi một lưu vực chung cho cả hai nước Campuchia – Việt Nam.

Ý Nhi

>>> Vì sao chuẩn bị nghỉ, Tổng Bí thư Trọng vẫn ôm chặt ghế Trưởng Tiểu ban Nhân sự?

>>> Buổi tường trình về đàn áp xuyên quốc gia

>>> Thời mạt pháp! Các trường giúp đạo diễn Quang Dũng lùa gà vào “Đất rừng phương Nam”!

>>> Việt Nam hội nhập quốc tế, Bộ Công an vẫn tiến hành các hoạt động thời Chiến tranh lạnh?

Vì sao Đà Nẵng liên tục bị ngập nặng những ngày qua?

Kasse animation 7.8.2023