Link Video: https://youtu.be/-84YKM2KTbQ
Ngày 9/10, RFA Tiếng Việt có bài bình luận “Giới tài phiệt Việt Nam và chiến lược bảo vệ tài sản”.
RFA cho biết, vào năm 2013, Forbes lần đầu tiên đưa vào danh sách những người giàu nhất thế giới một tỷ phú của Việt Nam, đó là ông Phạm Nhật Vượng.
Trong những năm tiếp theo, số lượng các tỷ phú Việt Nam tăng lên trong danh sách này.
RFA dẫn lời ông Nguyễn Xuân Thành, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Rajawali về châu Á, tại trường Harvard Kennedy thuộc Đại học Harvard ở Mỹ, đồng thời cũng là giảng viên của Trường Chính sách công và Quản lý tại Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết, những nhà tài phiệt này đang có những chiến lược để bảo vệ tài sản của mình trước chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó, tỷ phú có thể trở thành tội phạm bị kết án tù.
Ông Thành cho biết, sau khi Đảng Cộng sản thực hiện chính sách “Đổi mới”, “nhiều cơ sở kinh doanh gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh đã tận dụng việc mở cửa này và đó chính là nguồn gốc những doanh nhân giàu có đầu tiên ở Việt Nam”.
Bà Trương Mỹ Lan, người sáng lập ra Vạn Thịnh Phát, là một trong số những doanh nhân của thế hệ tài phiệt đầu tiên ở Việt Nam.
Đến cuối những năm 1990 đầu những năm 2000, Việt Nam chứng kiến làn sóng doanh nhân giàu có thứ hai đến từ Đông Âu. Họ là những sinh viên được chính phủ Việt Nam cử sang Liên Xô và Đông Âu học đại học và sau đại học, từ thập niên 1970 và 1980. Theo ông Thành, những người này đã có cơ hội tự kinh doanh, làm giàu, sau sự chuyển đổi của các nền kinh tế Đông Âu. Sau đó, họ chuyển tài sản của họ ra khỏi Đông Âu và quay trở về Việt Nam để kinh doanh.
RFA liệt kê một số tỷ phú Đông Âu như: ông Phạm Nhật Vượng người lập ra VinGroup; bà Nguyễn Thị Phương Thảo – người lập ra VietJet Air; ông Nguyễn Đăng Quang – người lập ra Masan.
Hầu hết các tỷ phú được công nhận ở Việt Nam đều có tài sản từ phát triển bất động sản hoặc ngân hàng, theo ông Thành, phần lớn trong số họ thường tham gia vào cả hai lĩnh vực này.
“Sự kết hợp giữa bất động sản và ngân hàng đã dẫn tới sự phát triển của cơ cấu sở hữu chéo phức tạp, cho phép những doanh nhân này tích lũy tài sản ở Việt Nam với quy mô chưa từng có.”
Tuy nhiên, ông Thành cho hay, “các lãnh đạo Đảng luôn quan ngại những người giàu, đặc biệt là những tài phiệt có quan hệ chính trị đặc biệt và trở nên quá quyền lực”, họ “sợ rằng, đó là một trong những nguồn gốc của cái mà họ gọi là “diễn biến hòa bình”, dẫn đến sự phá hủy quyền lực của Đảng Cộng sản”.
Vì vậy, ông Thành cho biết, các tài phiệt trong nước “trở nên dễ bị tổn thương” và “tích cực theo đuổi các chiến lược khác nhau để bảo vệ tài sản” của mình.
Những tài phiệt đầu tiên bị “trảm” trong bối cảnh có sự “đấu đá nội bộ gay gắt” trong Đảng, gồm có Nguyễn Đức Kiên, còn được gọi là “Bầu Kiên”, Trầm Bê và Hà Văn Thắm.
Theo ông Thành, việc đầu tư ra nước ngoài là chiến lược “thành công hơn” mà các tài phiệt ở Việt Nam đang áp dụng trong việc bảo vệ tài sản của họ, ví dụ như trường hợp của VinFast, và mới đây là VNG chuẩn bị niêm yết trên sàn Nasdaq.
Bằng cách này, “Đảng ít xem họ là mối đe dọa hơn đối với hệ thống chính trị”.
Nhưng liệu những tài phiệt và các doanh nhân giàu có của Việt Nam có thành công trong việc theo đuổi tham vọng mở rộng toàn cầu và thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược quốc tế hay không, và liệu họ có thể thành công trong việc thay thế các doanh nghiệp nhà nước truyền thống, làm công cụ mới trong chính sách công nghiệp của Chính phủ hay không, theo ông Thành, điều đó còn phải chờ xem.
“Cho đến nay, nó đã được chứng minh là rất khó khăn,” ông Thành nói. “Rất nhiều trong số họ hiện đang phải chịu áp lực tài chính rất lớn”.
Xuân Hưng
>>> Chùa Ba Vàng thờ tượng đại quan nhà Đường để đón Tập Cận Bình thăm Việt Nam?
>>> Tô Lâm quan tâm đến phần mềm giám sát, theo dõi … Giá tiền bao nhiêu không thành vấn đề!
>>> Đón Tập đến, vì sao Tổng phải che dấu vết “đi đêm” với Mỹ?
>>> Học tập đạo đức HCM quan chức càng học thì càng hư, càng học càng ăn cắp thì học làm gì?
Quan chức dính chàm vụ Việt Á đang được xem xét giảm án nhờ “có công”