Nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ, vì sao Việt Nam vẫn để Trung Quốc đào tạo cán bộ nguồn cao cấp?

Lâu nay, chuyện ban lãnh đạo Trung Nam Hải tìm cách can thiệp vào công việc sắp xếp nhân sự lãnh đạo cấp cao của Việt nam, là một sự thật không phải bàn cãi. Từ sau Hội nghị Thành Đô năm 1990 về việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam Trung Quốc, đã kéo theo một loạt Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thân Bắc Kinh, hoặc bị Bắc Kinh điều khiển, như: Lê Khả Phiêu, Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng.

Mới đây, Việt Nam nâng cấp quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ lên cấp độ cao nhất, đối tác chiến lược toàn diện. Dù điều đó không phải là sự khởi đầu cho việc Việt Nam “thoát Trung”, song phần nào cũng cải thiện được hình ảnh của lãnh đạo Việt Nam trong mắt dân chúng, vốn bị xem là lũ lãnh đạo bám đít Trung Quốc. Câu thành ngữ “Bắc Kinh đổ mưa, Hà Nội giương ô” đã phản ảnh trung thực về điều này.

Vậy mà, báo Hà Nội Mới ngày 25/9 đưa tin, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng sang Quảng Đông dự lễ bế giảng lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn của thành phố. Cụ thể, chiều 25/9, ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy cùng Đoàn đại biểu cấp cao thành phố Hà Nội, đã dự lễ bế giảng “Lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2025 – 2030” tại Đại học Bách khoa Hoa Nam, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch nguồn này được tổ chức từ ngày 19 đến ngày 26/9. Tham gia lớp học có 20 học viên là cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành thành phố và các quận, huyện, thị, được quy hoạch cho Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2025 – 2030.

Giảng viên, báo cáo viên lớp học là các chuyên gia, các nhà khoa học Trung Quốc của Đại học Bách khoa Hoa Nam, Trường Đảng Quảng Châu, Sở Ngoại vụ Quảng Châu, có uy tín, trình độ chuyên môn cao, theo bản tin.

Lâu nay, ông Nguyễn Phú Trọng từng bị dư luận trong và ngoài nước cáo buộc “có quyết tâm Hán hoá đội ngũ lãnh đạo Việt Nam”. Dư luận và giới phân tích có chung một nhận định, cho rằng:

Mặc dù [tính đến năm 2017] mới chỉ làm Tổng Bí thư 6 năm, nhưng ông Nguyễn Phú Trọng đã thăm Trung Quốc đến 3 lần, lần thứ 3 là vào tháng 1/2017. Hai lần thăm Trung Quốc trước đó của ông Trọng là vào tháng 10/2011 và tháng 4/2015, với kết quả là hai bản Tuyên bố chung Việt – Trung, bị cho là vô cùng tai hại, đẩy Việt Nam ngày càng rơi vào vòng kiềm toả chặt chẽ hơn của Bắc Kinh.

Trong chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 3 vào tháng 1/2017, trong số 15 văn kiện hợp tác giữa Hà Nội và Bắc Kinh, thì văn kiện đầu tiên là “Thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc”, cùng hàng loạt văn kiện nguy hại khác.

Trong bản Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc nhân chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng10/2011, thì việc hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai bên chỉ được ghi chung chung là “mở rộng và đi sâu hợp tác đào tạo cán bộ Đảng, chính quyền” và “tăng cường hợp tác đào tạo cán bộ và giao lưu sĩ quan trẻ”.

Tương tự, Thông cáo chung Việt Nam – Trung Quốc nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 4/2015, cũng chỉ ghi chung chung là “đi sâu hợp tác về bồi dưỡng, đào tạo cán bộ Đảng và chính quyền” và “tăng cường hợp tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ”.

Như vậy, dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc hợp tác đào tạo cán bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, ban đầu đi từ những chỉ đạo chung chung vào tháng 10/2011, hay tháng 4/2015. Cho đến tháng 11/2015 là “Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2016 – 2020”. Nhưng đến cuối cùng là “Thoả thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao” vào tháng 1/2017. Điều đó cho thấy, mức độ hợp tác trong việc đào tạo, huấn luyện nhân sự cho Việt Nam có những bước tiến dài lệ thuộc vào Trung Quốc ngày một nhiều hơn.

So sánh “Thỏa thuận hợp tác đào tạo năm 2017” khác với “Kế hoạch hợp tác đào tạo năm 2015” để thấy, những cán bộ Việt Nam được đưa sang Trung Quốc đào tạo theo thoả thuận hợp tác mới nhất, được nâng lên thuộc diện cán bộ cấp cao, hoặc là cán bộ nguồn cho những vị trí chủ chốt trong bộ máy.

Điều đó chứng tỏ, quyết tâm “Hán hoá” đội ngũ cán bộ lãnh đạo Việt Nam từ thấp đến cao, từ Trung ương tới các địa phương, các bộ, các ngành, là điều có thật, mang tính hệ thống và bài bản.

Kể ra để thấy, Việt nam khó mà hy vọng “thoát Trung”./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023